Rô-ma | Quyền Tể Trị Tối Cao

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýTruyền ĐạoÊ-saiGiăngRô-maI Cô-rinh-tô

Lời ngỏ

Kính chúc quý anh chị em luôn bình an trong ơn quan phòng của Cha Thiên Thượng!

Những năm đầu của thế kỷ 21 đánh dấu nhiều bất ổn trên toàn thế giới, nào là những thảm họa thiên nhiên, sự khủng bố, đe dọa chiến tranh, nhất là từ đầu thập niên 20 cả thế giới lâm vào tình trạng tê liệt chưa từng xảy ra vì bệnh dịch Cô-rô-na gây nhiều thiệt hại đau thương, dẫn đến nhiều thay đổi trong suy nghĩ và trong cách sống của mỗi người. Trước tình trạng như thế, nhiều người hỏi rằng ai là người đang cầm quyền kiểm soát thế giới này? Chắc hẳn không có một nhà lãnh đạo nào dù là kiệt xuất hay là một tập đoàn, liên minh nào có thể làm được việc này nếu không có sự cho phép của Đức Chúa Trời. Có phải Đức Chúa Trời bất công và chỉ muốn đoán phạt không? Xin kính mời quý vị cùng xem Lời Chúa trong trong sách Rô-ma 9:10-18 để nhận biết QUYỀN TỂ TRỊ TỐI CAO của Đấng Tạo Hóa. Ngài là Đức Chúa Trời thành tín và giàu lòng thương xót, luôn ban ơn lành cho con người nhưng bên cạnh đó Ngài cũng cho phép những tai họa xảy ra để cảnh cáo và tỉnh thức nhân loại.

10 Nào những thế thôi, về phần Rê-bê-ca, khi bà ấy bởi tổ phụ chúng ta là Y-sác mà có thai đôi cũng vậy.
11 Vì, khi hai con chưa sanh ra, chưa làm điều chi lành hay dữ hầu cho được giữ vững ý chỉ Đức Chúa Trời, là ý định sẵn bởi sự kén chọn tự do của Ngài, chẳng cứ việc làm, nhưng cứ Đấng kêu gọi
12 thì có lời phán cho mẹ của hai con rằng: Đứa lớn sẽ làm tôi đứa nhỏ;
13 như có chép rằng: Ta yêu Gia-cốp và ghét Ê-sau.
14 Vậy chúng ta sẽ nói làm sao? Có sự không công bình trong Đức Chúa Trời sao? Chẳng hề như vậy!
15 Vì Ngài phán cùng Môi-se rằng: Ta sẽ làm ơn cho kẻ ta làm ơn, ta sẽ thương xót kẻ ta thương xót.
16 Vậy điều đó chẳng phải bởi người nào ao ước hay người nào bôn ba mà được, bèn là bởi Đức Chúa Trời thương xót.
17 Trong Kinh thánh cũng có phán cùng Pha-ra-ôn rằng: Nầy là cớ vì sao ta đã dấy ngươi lên, ấy là để tỏ quyền phép ta ra trong ngươi, hầu cho danh ta được truyền ra khắp đất.
18 Như vậy, Ngài muốn thương xót ai thì thương xót, và muốn làm cứng lòng ai thì làm.

Giải thích

Bài học trước chúng ta đã được giải thích rõ về chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời dành cho những người đặt đức tin nơi lời hứa, đó là những người được sinh bởi Thánh Linh và được kể là dòng dõi thuộc về đức tin. Sứ đồ Phao-lô đã dẫn chứng về trường hợp của Y-sác là đứa con theo lời hứa của Chúa cho Áp-ra-ham, từ dòng dõi này mà Chúa chọn làm tuyển dân của Ngài.

Đến phần Kinh Thánh hôm nay, chúng ta có thêm một dẫn chứng nữa về hai con trai của Y-sác là Gia-cốp và Ê-sau “có lời phán cho mẹ của hai con rằng: Đứa lớn sẽ làm tôi đứa nhỏ” (câu 12). Chúng ta thấy dường như Đức Chúa Trời phân biệt giữa Gia-cốp và Ê-sau. Rõ ràng là trước khi được sinh ra, Đức Chúa Trời đã phán: con lớn là Ê-sau sẽ phục dưới con nhỏ là Gia-cốp. Điều này cho thấy sự lựa chọn của Đức Chúa Trời không liên quan gì đến tính cách của họ, Ngài đã lựa chọn trước khi Ê-sau và Gia-cốp được sinh ra. Qua sự lựa chọn này lịch sử đã chứng minh, dòng dõi của Ê-sau là dân Ê-đôm, và dòng dõi của Gia-cốp là dân Do Thái, quả thật người Ê-đôm phải phục tùng người Do Thái.

Tiếp theo sứ đồ Phao-lô còn nhấn mạnh “như có chép rằng: Ta yêu Gia-cốp và ghét Ê-sau” (câu 13). Từ “yêu” và “ghét” ở đây không phải theo nghĩa thông thường chúng ta hiểu mà có nghĩa là “chọn” và “không chọn”. Do đó, có thể hiểu câu này là “Ngài chọn Gia-cốp, không chọn Ê-sau”. Khi Phao-lô dẫn chứng về Ê-sau và Gia-cốp không có ý nói về việc Đức Chúa Trời “đã chọn” ai để được cứu, điểm chính mà Phao-lô muốn nhấn mạnh là Đức Chúa Trời có một nguyên tắc trong quyền tể trị tối cao của Ngài, Chúa có quyền “chọn lựa” người nào vào công tác đặc biệt mà Ngài muốn người đó làm.

Từ đó nhiều người đã bất bình như câu 14 “Vậy chúng ta sẽ nói làm sao? Có sự không công bình trong Đức Chúa Trời sao?” và sứ đồ Phao-lô đã khẳng định “Chẳng hề như vậy!”, ông nhắc lại câu chuyện “bò con vàng” (Xuất Ê-díp-tô Ký 32) mà dân sự đã làm để thờ lạy, điều này khiến Đức Chúa Trời thánh khiết và kỵ tạ đã nổi cơn thạnh nộ và gần như sắp hủy diệt cả dân tộc Do Thái, nhưng Môi-se đã cầu thay và Đức Chúa Trời hứa thương xót “vì Ngài phán cùng Môi-se rằng: Ta sẽ làm ơn cho kẻ ta làm ơn, ta sẽ thương xót kẻ ta thương xót” (câu 15).

Tuy nhiên, không phải là một sự thương xót bao trùm, không phân biệt. Sự thương xót như đã tỏ ra cho Pha-ra-ôn (Xuất Ê-díp-tô Ký 9:16) được Phao-lô trích trong câu 17 “Trong Kinh thánh cũng có phán cùng Pha-ra-ôn rằng: Nầy là cớ vì sao ta đã dấy ngươi lên, ấy là để tỏ quyền phép ta ra trong ngươi, hầu cho danh ta được truyền ra khắp đất.” là lời Chúa báo trước với Pha-ra-ôn rằng ông sẽ được sử dụng để công bố quyền năng của Đức Chúa Trời. Qua đó nhằm để chứng minh rằng sự cứu rỗi là công việc của chính Đức Chúa Trời chứ không phải của con người.

Nói tóm lại, không ai trong chúng ta có thể được cứu bằng nỗ lực của mình mà hoàn toàn tùy thuộc vào lòng nhân từ của Đức Chúa Trời. Ngài có thẩm quyền tuyệt đối trong chương trình cứu rỗi nhân loại. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng không phải ý nghĩa của đoạn Kinh Thánh này muốn nói Ngài chọn ai được cứu và ai không được, vì Đức Chúa Trời thương xót tất cả mọi người. Thật vậy, “Ngài muốn mọi người được cứu rỗi” (I Ti-mô-thê 2:4). Và “Ân điển Đức Chúa Trời hay cứu mọi người” (Tít 2:11). Nhưng Đức Chúa Trời có thể chọn mỗi người tùy theo sự thương xót của Chúa để có thể dự phần quan trọng trong chương trình của Ngài. Điều trên hết chúng ta cần làm là xin ý muốn tốt lành và quyền tể trị tối cao Đức Chúa Trời cao cả được hiện thực trên mỗi đời sống chúng ta.

Cầu nguyện

Kính lạy Cha yêu dấu! Con cảm tạ Chúa về chương trình cứu rỗi lớn lao của Ngài cho nhân loại và Chúa có thẩm quyền tể trị tối cao trong mọi việc Ngài làm cũng như mọi việc đang diễn ra trên thế giới này. Nguyện ý muốn tốt lành của Chúa luôn được thực thi cách trọn vẹn trên đất cũng như trên trời. Con cảm tạ Chúa và cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu. Amen.

Grace Ngo

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa