Rô-ma | Thợ Gốm & Đất Sét

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýTruyền ĐạoÊ-saiGiăngRô-maI Cô-rinh-tô

Lời ngỏ

Kính chúc quý anh chị một ngày tốt lành!

Có một người gánh nước kia có hai bình gốm lớn, và thường dùng để gánh nước về nhà. Tuy nhiên, trong hai cái bình gốm ấy thì chỉ có một cái còn nguyên vẹn và cái kia có một vết nứt nên khi gánh được nước về đến nhà thì cái bình bị nứt chỉ còn lại nửa bình nước thôi. Vì thế cái bình tốt lên giọng với cái bình nứt về sự nguyên vẹn của mình so với tình trạng sứt mẻ của cái bình kia. Ngày kia, bên bờ suối, cái bình nứt than thở với người gánh nước: Tôi tủi thân và tôi muốn có lời xin lỗi ông, do vết nứt mà nước ông gánh về tới nhà không còn bao nhiêu, bởi đã rò rỉ hết trên đường, tôi thấy xấu hổ quá. Người gánh nước nói: Khi trên đường về nhà ngươi thử xem bên vệ đường có gì không nhé! Trên đường về, cái bình nứt đã nhìn thấy cả một vệ bên đường muôn màu muôn sắc của những bông hoa tươi sắc. Người gánh nước liền nói: Ta đã biết rõ vết nứt của ngươi, nhưng ngươi có thấy không, nhờ những giọt nước từ vết nứt của ngươi rỉ xuống mà hoa mới mọc tươi tốt như thế.

Quý anh chị em thân mến, sứ đồ Phao-lô đã mượn hình ảnh THỢ GỐM & ĐẤT SÉT để nói về con người và chức việc mà chúng ta có được từ bàn tay của Đức Chúa Trời. Xin kính mời quý vị cùng xem Lời Chúa trong trong sách Rô-ma 9:19-24 trong giờ tĩnh nguyện hôm nay.

19 Vậy thì ngươi sẽ hỏi ta rằng: Sao Ngài còn quở trách? Vì có ai chống lại ý muốn Ngài được chăng?
20 Nhưng, hỡi người, ngươi là ai, mà dám cãi lại cùng Đức Chúa Trời? Có lẽ nào cái bình bằng đất sét lại nói với kẻ nắn nên mình rằng: Sao ngươi đã làm nên ta như vậy?
21 Người thợ gốm há chẳng có quyền trên đất sét, cùng trong một đống mà làm ra hạng bình để dùng việc sang trọng, lại hạng khác để dùng việc hèn hạ sao?
22 Nếu Đức Chúa Trời muốn tỏ ra cơn thạnh nộ và làm cho biết quyền phép Ngài, đã lấy lòng khoan nhẫn lớn chịu những bình đáng giận sẵn cho sự hư mất,
23 để cũng làm cho biết sự giàu có của vinh hiển Ngài bởi những bình đáng thương xót mà Ngài đã định sẵn cho sự vinh hiển, thì còn nói chi được ư?
24 Đó tôi nói về chúng ta, là kẻ Ngài đã gọi, chẳng những từ trong người Giu-đa, mà cũng từ trong dân ngoại nữa.

Giải thích

Phần Kinh Thánh trước sứ đồ Phao-lô đã đưa ra lập luận rằng Đức Chúa Trời là Đấng tạo hóa có thẩm quyền tối cao trên mọi điều. Vì thế, những người chống đối đã phản biện lại rằng: “Vậy thì ngươi sẽ hỏi ta rằng: Sao Ngài còn quở trách? Vì có ai chống lại ý muốn Ngài được chăng?” (câu 19), những người này muốn nói rằng: “Nếu Đức Chúa Trời tể trị, vậy ai có thể chống Ngài được? Và nếu có ai chống lại Ngài thì Chúa sẽ phán xét theo lẽ công bình nào?” với ý tưởng này thì người ta cho rằng con người như là con bài bất lực trên bàn cờ của Chúa, con người không thể thay đổi số phận của mình được.

Đây lại là một hiểu biết sai lầm nghiêm trọng vì “Đấng xét đoán toàn thế gian há không làm điều công bình sao?” (Sáng Thế Ký 18:25). Chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời hoàn toàn chính trực theo bản thể của Ngài nhưng nhiều lúc chúng ta dễ có sự phản kháng như trên khi thấy những câu chuyện dường như bất công trong cuộc sống. Ngày xưa, Ngài bày tỏ sự thương xót đối với Môi-se nhưng lại đoán phạt Pha-ra-ôn. Ngài lựa chọn dân Do Thái nhưng lại loại bỏ các dân tộc khác. Vậy điều đó có công bình không? Sứ đồ Phao-lô đã đáp lại sự tố cáo trên với hai lập luận sau:

1) Con người là ai mà có quyền tranh luận với Đức Chúa Trời? (câu 20-21)

Phao-lô dùng hình ảnh minh họa của Ê-sai về người thợ gốm và đất sét để chứng minh quyền tể trị của Đức Chúa Trời (Ê-sai 45:9). Người thợ gốm lấy đất sét rồi tạo ra một chiếc bình đất. Người thợ có quyền làm bình đẹp, bình thường, bình để dùng việc cao trọng và bình dùng nơi thấp hèn. Cũng vậy, Đức Chúa Trời – Đấng Sáng Tạo có quyền cư xử với mọi người theo cách Ngài chọn, và Ngài không cần phải giải thích vì sao Ngài làm như thế. Con người hữu hạn, đầy tội lỗi, thiếu hiểu biết, không được quyền chất vấn Đấng Sáng Tạo về sự khôn ngoan hay công bình của Ngài. Cũng như việc chúng ta không thể chọn ai là cha mẹ của mình, thì cũng vậy chúng ta cũng không có đủ hiểu biết để chất vấn ý chỉ của Đức Chúa Trời.

2) Đức Chúa Trời không tùy tiện trong các quyết định (câu 22-24)

Tại đây, Lời Chúa đề cập đến Pha-ra-ôn, cho thấy Đức Chúa Trời không thể nào vui khi nhìn một bạo chúa như Pha-ra-ôn, Ngài đã nhịn nhục đối với Pha-ra-ôn và cũng cho ông ta nhiều cơ hội để ăn năn nhưng ông ta vẫn cứng lòng. Từ “sẵn cho sự hư mất” trong câu 22 không có ý rằng Đức Chúa Trời định cho Pha-ra-ôn trở thành đối tượng của sự thạnh nộ. Tuy nhiên, bởi sự cứng lòng ấy nên lẽ nào Chúa không có quyền bày tỏ sự phẫn nộ và uy quyền của Ngài đối với những kẻ tội lỗi đáng hủy diệt sao? Rõ ràng là các quyết định của Ngài luôn đúng và sự phán xét của Ngài luôn hoàn hảo. Đức Chúa Trời không tùy tiện định cho ai bị hủy diệt mà con người bị tiêu diệt bởi sự gian ác và không tin cậy Ngài. Thay vì hủy diệt thì Đức Chúa Trời muốn ban vinh hiển cho những người nhận được lòng thương xót của Ngài, như Môi-se và tuyển dân của Ngài, Đức Chúa Trời bày tỏ sự dư dật của lòng thương xót Ngài. Vì thế, Chúa có quyền bày tỏ vinh quang rực rỡ của Ngài cho những người đáng thương xót được chuẩn bị từ trước để hưởng vinh quang với Ngài.

Lời kết luận cho vấn đề này được ghi ở câu 24 “Đó tôi nói về chúng ta, là kẻ Ngài đã gọi, chẳng những từ trong người Giu-đa, mà cũng từ trong dân ngoại nữa.” Đức Chúa Trời đã chọn cả người Do Thái và dân ngoại để thành lập Hội Thánh Ngài. Bởi ân điển của Chúa, Cơ Đốc nhân ngày nay, trong đó có chúng ta là những tạo vật đang được thương xót và Chúa cũng đã chuẩn bị cho sự vinh hiển trong tương lai nữa.

Cầu nguyện

Kính lạy Cha kính yêu! Cảm tạ Chúa, Đấng tạo dựng nên con, và Ngài có mục đích tốt lành trên đời sống con. Con cảm tạ Chúa vì Ngài đã chọn con và con thuộc về Ngài, cúi xin Ngài bày tỏ quyền tể trị tối thượng của Ngài trên cuộc đời bé nhỏ của con như người thợ gốm đối với đất sét trong tay mình vậy. Con cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu Christ. Amen.

Grace Ngo

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa