I Cô-rinh-tô | Đồng Một Tiếng Nói

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýTruyền ĐạoÊ-saiGiăngRô-maI Cô-rinh-tô

Lời ngỏ

Kính chào quý anh chị em thân mến!

Sách Sáng Thế Ký 11:1-9 ghi lại câu chuyện có thật trong lịch sử loài người. Thuở xưa, cả nhân loại sống tập trung trong một đồng bằng và dùng chung một ngôn ngữ duy nhất. Một ngày kia, giữa lúc họ đang xây dựng một thành phố cùng một cái tháp rất cao với mục đích làm rạng danh mình, thì Thiên Chúa ngự xuống làm xáo trộn tiếng nói của họ. Vì không còn hiểu ngôn ngữ và ý tưởng của nhau, nên họ phải bỏ dở công trình và sống phân tán khắp trên mặt đất.

Liên tưởng đến Hội Thánh Cô-rinh-tô, chúng ta biết họ là một cộng đồng Cơ Đốc nhân đầy ân tứ. Họ có đủ tiềm năng để kết quả bội phần cho vương quốc của Đấng Christ, nhưng vì không tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề nên đã gây ra tình trạng chia rẽ nghiêm trọng trong Hội Thánh.

Hôm nay, chúng ta sẽ suy ngẫm ý mở đầu trong lời khuyên tha thiết của sứ đồ Phao-lô gửi đến Hội Thánh Cô-rinh-tô, được chép trong I Cô-rinh-tô 1:10.

“Hỡi anh em, tôi nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, khuyên anh em thảy đều phải đồng một tiếng nói với nhau, chớ phân rẽ nhau ra, nhưng phải hiệp một ý một lòng cùng nhau.”

Giải thích

Liền ngay sau lời tạ ơn Đức Chúa Trời, sứ đồ Phao-lô đi thẳng vào một trong những vấn đề trọng tâm của bức thư: Khuyên Hội Thánh Cô-rinh-tô phải hiệp một với nhau. Chúng ta sẽ được học hỏi hai điều trong phần mở đầu của lời khuyên này:

1. Cách thức sứ đồ Phao-lô khuyên Hội Thánh hiệp một:

Phao-lô gọi tín hữu Cô-rinh-tô là “anh em”: Chữ “anh em” ở đây mang hai ý nghĩa.

Thứ nhất, cả sứ đồ Phao-lô lẫn các tín hữu Cô-rinh-tô đều là những thành viên trong gia đình của Đức Chúa Trời. Dẫu ông có công thành lập Hội Thánh Cô-rinh-tô và được phần đông tín hữu tại đó nhắc lên một vị thế rất cao, nhưng trong Đấng Christ, ông xem mình cũng chỉ là một người anh em trong cộng đồng đức tin. Với ông, chỉ duy Đức Chúa Giê-xu Christ mới là Đấng chủ tể của Hội Thánh.

Thứ hai, những tín hữu tại thành Cô-rinh-tô là anh em thân thiết của nhau. Họ dù khác biệt, thậm chí bất đồng với nhau nhưng hết thảy đều là các phần chi thể hiệp nên một thân trong Đấng Christ. Tương tự như anh em ruột thịt mãi mãi không thể dứt bỏ mối liên hệ huyết thống, thì anh em thuộc linh cũng không thể dứt bỏ mối liên hệ thiêng liêng, được đan dệt bởi chính dòng huyết mầu nhiệm của Đấng Christ.

Phao-lô không nhân danh mình mà “nhân danh Đấng Christ” để khuyên bảo. Hành động này cũng mang hai ý nghĩa.

Ý nghĩa thứ nhất, Đức Chúa Giê-xu Christ là danh duy nhất có uy quyền tối thượng trên Hội Thánh. Danh Ngài là danh tôn quý, vinh hiển và đáng được chúc tán đời đời. Hành động “nhân danh Đấng Christ” không tôn vinh vị thế của sứ giả mà chỉ làm gia tăng giá trị thẩm quyền của sứ điệp mà thôi.

Ý nghĩa thứ hai, trong danh Đức Chúa Giê-xu Christ, Hội Thánh là một thân. Trong câu 9, sứ đồ Phao-lô nói rằng chính Đức Chúa Trời đã gọi các tín hữu tại Cô-rinh-tô bước vào mối thông công thiêng liêng với Đấng Christ. Bởi đó, không có bất kỳ ai được phép viện dẫn bất cứ lý do nào để phân rẽ sự hiệp nhất trọn vẹn trong Hội Thánh Đức Chúa Trời.

2. Nội dung sứ đồ Phao-lô khuyên Hội Thánh Hiệp một:

Đứng trước tình trạng chia rẽ nghiêm trọng và sâu rộng trong Hội Thánh Cô-rinh-tô, sứ đồ Phao-lô khuyên họ ba điều:

– Thảy đồng một tiếng nói với nhau:

Trong câu 12, sứ đồ Phao-lô viết: “…Trong anh em mỗi người nói như vầy: Ta là môn đồ của Phao-lô; ta là của A-bô-lô; ta là của Sê-pha, ta là của Đấng Christ.” Mỗi tín hữu Cô-rinh-tô tự tuyên bố mình thuộc về một phe nhóm cụ thể mà họ yêu chuộng và ủng hộ. Mục đích của tất cả các phe nhóm là nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng của nhóm mình trong Hội Thánh. Họ không lắng nghe nhau nên không thể tìm được tiếng nói chung trong mọi vấn đề.

Lời khuyên “thảy đồng một tiếng nói với nhau” hàm ý đừng chỉ nói tiếng nói của mình mà hãy lắng nghe tiếng nói của người khác. Họ phải tìm được sự đồng thuận trong các ý tưởng và giải quyết các bất đồng để đến cuối cùng có chung một lời công bố: Đức Chúa Giê-xu Christ là Cứu Chúa của cuộc đời.

– Chớ phân rẽ nhau ra:

Chữ “phân rẽ” trong nguyên nghĩa có nghĩa là “đường rách” và thường được dùng để chỉ về những đường rách trên một chiếc áo. Hội Thánh Cô-rinh-tô đang dần bị phân rẽ nghiêm trọng như một chiếc áo bị xé toạc làm nhiều mảnh. Bởi đó, tất cả các tín hữu trong Hội Thánh không bao giờ được biệt tách hay trừ loại lẫn nhau. Mỗi Cơ Đốc nhân cần phải thấm nhuần lẽ thật này: Hội Thánh là thân thể thuộc linh không thể tách rời của Đức Chúa Giê-xu. Bởi đó, “Mắt không được nói với bàn tay rằng: Ta chẳng cần đến mầy; đầu cũng chẳng được nói với chân rằng: Ta chẳng cần đến bây… hầu cho trong thân không có sự phân rẽ, mà các chi thể phải đồng lo tưởng đến nhau.” (I Cô-rinh-tô 12:21, 25).

– Phải hiệp một ý, một lòng cùng nhau:

Nhóm tư “hiệp một ý, một lòng với nhau” có nghĩa đen là “kết hiệp lại” hoặc có một nghĩa khác là “vá” hay “sửa lại”. Đây là một thuật ngữ phổ biến trong y học của người Hy Lạp xưa để chỉ về việc “sửa chữa, sắp đặt lại các khớp xương cho ngay ngắn”.

Sứ đồ Phao-lô muốn khuyên các tín hữu Cô-rinh-tô cần phải nghiêm túc xem xét những điểm khác biệt để dung hòa lẫn nhau trong mối liên hệ thiêng liêng. Họ chẳng những cần phải đồng nhất các ý tưởng mà còn phải hiệp lòng và thuận tâm trong mọi quyết định. Tương tự như khi các khớp xương được sắp đặt đúng chỗ thì thân thể được khỏe khoắn, thì cũng vậy, khi các chi thể trong Thân Chúa hiệp nhất thì Hội Thánh mới được hài hòa và vững mạnh.

Bạn thân mến, Cứu Chúa Giê-xu đã dùng chính huyết mình để chuộc mua Hội Thánh của Đức Chúa Trời, và ý muốn của Ngài là Hội Thánh luôn tăng trưởng trong tinh thần hiệp nhất toàn diện. Nên nếu bạn đang là một chi thể trong thân Chúa, bạn hãy nhờ ơn Đức Thánh Linh để kết nối mọi người trong mối liên hệ yêu thương. Trong trường hợp mối thông công của bạn với chi thể khác đang bị đứt gãy, hãy nhìn xem Chúa Giê-xu là cội rễ và cuối cùng của đức tin để cảm thông và hàn gắn những đổ vỡ.

Cầu nguyện

Con cảm tạ Đức Chúa Trời vì Ngài đã gọi con vào trong mối thông công thiêng liêng với Đức Chúa Giê-xu Christ. Xin Chúa Thánh Linh giúp đỡ con trong mối liên hệ với anh chị em trong thân Chúa, hầu cho chúng con mãi mãi đồng một tiếng nói, luôn luôn thuận ý đồng lòng và không bao giờ phân rẽ. Con thành tâm cầu nguyện, nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ. Amen.

NPH

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa