I Cô-rinh-tô | Cơ Đốc Nhân Có Nên Kiện Cáo Nhau? (Phần II)

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýChâm NgônÔ-sêLu-caI Cô-rinh-tôI Giăng

Lời ngỏ

Kính thưa quý anh chị em thân mến! Chúng ta đang cùng học với nhau loạt bài có chủ đề “Cơ Đốc nhân có nên cáo kiện nhau nơi các tòa án không?” dựa trên nền tảng Kinh Thánh ở I Cô-rinh-tô 6:1-8. Trong bài học trước, chúng ta đã học về lý do thứ nhất mà các Cơ Đốc nhân không nên kiện cáo nhau nơi tòa án của người thế gian. Đó là, vì các quan án ngoại đạo không có đủ thẩm quyền thuộc linh. Sứ đồ Phao-lô gọi họ là người không công bình, không được tôn trọng trong Hội Thánh và không tin kính.

Hôm nay chúng ta tiếp tục đọc lại tám câu đầu của đoạn 6 để suy ngẫm lý do thứ hai mà Cơ Đốc nhân không nên kiện cáo nhau nơi tòa án của người đời. Đó là vì Hội Thánh có đủ thẩm quyền và năng lực để phân xử các bất đồng giữa các thành viên trong Hội Thánh.

1 Khi trong anh em ai có sự nghịch cùng người khác, sao dám để cho kẻ không công bình đoán xét hơn là cho các thánh đồ?
2 Anh em há chẳng biết các thánh đồ sẽ xét đoán thế gian sao? Ví bằng thế gian sẽ bị anh em xét đoán, thì anh em há chẳng đáng xét đoán việc nhỏ mọn hơn sao?
3 Anh em chẳng biết chúng ta sẽ xét đoán các thiên sứ sao? Huống chi việc đời nầy!
4 Vậy khi anh em có sự nghịch cùng nhau về việc đời nầy, sao lấy những kẻ không kể ra chi trong Hội thánh làm người xét đoán!
5 Tôi nói thế làm cho anh em hổ thẹn. Ấy vậy, trong vòng anh em chẳng có một kẻ khôn ngoan nào phân xử được giữa anh em mình hay sao?
6 Nhưng anh em kiện anh em, lại đem đến trước mặt kẻ chẳng tin!
7 Thật vậy, anh em có sự kiện cáo nhau, là phải tội rồi. Sao chẳng chịu sự trái lẽ là hơn? Sao chẳng đành sự gian lận là hơn!
8 Nhưng chính anh em làm ra sự trái lẽ, chính anh em gian lận, lại làm thể ấy cho người anh em nữa!

Giải thích

Mở đầu câu 1, sứ đồ Phao-lô chất vấn các tín hữu Cô-rinh-tô vì sao họ dám đưa anh em mình ra tòa án để nhờ người thế gian phán xử thay vì trình cho các thánh đồ phân xử. Sau đó, từ câu 2 trở đi ông khẳng định rằng những vấn đề kiện cáo đó có thể được giải quyết tốt hơn ở trong Hội Thánh của Đức Chúa Trời. Có ba ý tưởng được sứ đồ Phao-lô trình bày mạch lạc ở đây.

Các thánh đồ có thẩm quyền phân xử cho các tín hữu trong Hội Thánh. Cách thức mà sứ đồ Phao-lô liên tiếp đặt những câu hỏi về thẩm quyền của Hội Thánh mà các tín hữu Cô-rinh-tô đã vội bỏ qua, cho chúng ta thấy dường như ông muốn nhấn mạnh vai trò và thẩm quyền của Hội Thánh trong việc giải quyết những tranh chấp xảy ra giữa các thành viên. Ông tuyên bố các thánh đồ có quyền xử đoán thế gian và thiên sứ.

Hẳn nhiên sự kiện này không xảy ra trong đời hiện nay mà chắc chắn được thực hiện trong đời hầu đến, sau khi Đấng Christ tái lâm. Ê-phê-sô 2:5b-6 chép: “… ấy là nhờ ân điển mà anh em được cứu, và Ngài làm cho chúng ta đồng sống lại và đồng ngồi trong các nơi trên trời trong Đức Chúa Jêsus Christ”. Cụm từ “đồng ngồi trong các nơi trên trời trong Đức Chúa Jêsus Christ” mô tả sự liên hiệp thiêng liêng giữa các thánh đồ với Đấng Christ. Bởi đó, các thánh đồ có quyền được đồng trị với Ngài trong vương quốc tương lai. Trong Rô-ma 8:15-17, sứ đồ Phao-lô dạy rằng sau khi đã chịu khổ với Chúa, chúng ta sẽ vui hưởng sự vinh hiển trong Ngài, còn trong II Ti-mô-thê 2:11-12 nói rõ là chúng ta sẽ cùng đồng trị với Đấng Christ sau khi đã vượt qua thử thách. Đa-ni-ên 7:22 và Khải Huyền 20:4 có cùng ý tưởng là các thánh của Đức Chúa Trời sẽ ngồi trên ngôi và đồng trị với Đấng Christ. Chính Chúa Giê-xu có lần tuyên bố rằng trong kỳ muôn vật đổi mới thì các thánh đồ sẽ ngồi trên mười hai ngôi để đoán xét mười hai chi phái Y-sơ-ra-ên (Ma-thi-ơ 19:28).

Ý tưởng về việc người thánh đồ đồng trị để xét đoán thế gian được tìm thấy nhiều nơi trong Kinh Thánh, còn ý tưởng về việc thánh đồ xét đoán các thiên sứ không được đề cập nhiều lần. Tuy nhiên, có lẽ các thiên sứ được nhắc đến ở đây là các thiên sứ ác, đã phản bội và chống nghịch Đức Chúa Trời và Hội Thánh Ngài nên bị giam cầm trong nơi tối tăm để chờ đợi sự phán xét kinh khiếp trong ngày lớn (Giu-đe 1:6).

Thật vinh diệu khi các Cơ Đốc nhân được ngồi đồng trị với Đấng Christ trong nước Ngài để phán xét thế gian và thiên sứ. Do đó, sứ đồ Phao-lô gọi những tranh chấp giữa vòng các tín hữu Cô-rinh-tô chỉ là những việc nhỏ nhặt thuộc về đời này (câu 2-3). Họ không cần phải tìm đến tòa án mà cần tìm đến những lãnh đạo thuộc linh trong Hội Thánh để được tư vấn và phân xử công bình cho cả hai bên.

Các thánh đồ có đủ sự khôn ngoan để phân xử cho các tín hữu trong Hội Thánh. Trong câu 4 và câu 5, sứ đồ Phao-lô tiếp tục chất vấn các tín hữu Cô-rinh-tô là lẽ nào họ không tìm được một thánh đồ khôn ngoan để giúp mình phân xử mà phải nhờ đến người ngoại Đạo. Hàm ý của câu này là trong Hội Thánh có nhiều người được Chúa ban cho sự khôn ngoan để có thể giúp các tín hữu giải quyết mọi bất đồng với nhau cách ổn thỏa và hiệu quả, nhưng vì quá yêu chuộng tòa án thế gian nên họ không cần nhờ đến các thánh đồ khác.

Đức Chúa Trời là Chúa của hòa bình và trật tự chứ không phải là Chúa của sự loạn lạc (I Cô-rinh-tô 14:33) nên Ngài luôn dấy lên những thánh đồ khôn ngoan và đầy ơn để giải quyết mọi nan đề phát sinh giữa vòng các tín hữu. Trong thời Cựu Ước, Đức Chúa Trời ban sự khôn ngoan cho Môi-se, các vị Quan xét, vua Sa-lô-môn… để họ xử trí các nan đề phát sinh trong tuyển dân. Trong thời Tân Ước, Đức Thánh Linh cũng ban cho các thánh đồ có ân tứ để quản trị và gây dựng Hội Thánh (I Cô-rinh-tô 12), nổi bật trong đó là Phi-e-rơ, Gia-cơ, Phao-lô và nhiều người khác. Do đó, thật vô lý khi nói rằng không có người nào trong Hội Thánh có thể phân xử giúp ai đó về những bất công mà họ phải đối mặt.

Bước qua câu 7 và 8, sứ đồ Phao-lô tuyên bố rằng hành vi kiện cáo nhau nơi tòa án người ngoại Đạo của các tín hữu Cô-rinh-tô là một sự thất bại nghiêm trọng. Lẽ ra vì tình yêu thương trong Hội Thánh, họ thà chịu thiệt thòi và bất công hơn là kiện cáo anh em mình. Điều đáng buồn hơn, là chính những người kiện cáo vì tư lợi mà trở nên gian lận, họ sẵn sàng đối xử trái lẽ với anh em mình. Bởi đó, ông gọi hành vi đó là tội lỗi.

Mỗi Cơ Đốc nhân trước tiên cần nhờ cậy Thánh Linh để giải quyết những xung đột trong đời sống, nhất là với các anh chị em cùng đức tin. Trong trường hợp cần giải quyết các tranh chấp với nhau thì nên tìm đến những người lãnh đạo được Chúa xức dầu và lập lên để chăn dắt và điều hành Hội Thánh. Vì họ có đủ thẩm quyền thuộc linh và khôn ngoan để giúp chúng ta tìm được sự công bằng trong những bất đồng với anh chị em đức tin của mình.

Cầu nguyện

Kính lạy Đức Chúa Trời! Con cảm tạ Ngài vì Ngài ban cho Hội Thánh có thẩm quyền cao quý trong nước đời đời của Ngài, đồng thời lại ban cho các thánh đồ sự khôn ngoan để hầu việc Chúa trong Hội Thánh. Con nguyện xin Chúa Thánh Linh luôn đồng công và ban thêm ơn cho mọi thánh đồ để giải quyết mọi nan đề phát sinh trong Hội Thánh của Đức Chúa Trời, hầu cho trong thân không có sự phân rẽ, và các chi thể đều cùng lo tưởng đến nhau. Con thành tâm cầu nguyện, nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ. Amen.

NPH

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa