I Giăng | Lời Sự Sống
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | Ô-sê | Lu-ca | I Cô-rinh-tô | I Giăng |
Lời ngỏ
Kính chúc quý anh chị em một ngày mới tốt lành!
Nhà văn Wittgenstein /wit ken stai n/ (1889 – 1951) đã viết một câu chuyện phiếm thế này: Trong thời của hoàng đế La Mã Nê-rô, những người bị kết án tử hình sẽ bị quăng vào hang sư tử. Có một tên tử tội kia bị quăng vào hang sư tử đang đói nhưng con sư tử chỉ đến ngửi ngửi vào mặt anh ta rồi vẫy đuôi đi chứ không ăn thịt tên tử tội. Theo luật La Mã nếu tên tử tội nào không bị sư tử ăn thịt thì sẽ được thả tự do. Hoàng đế và quần thần lấy làm lạ nên đã gọi tội nhân đến hỏi anh ta có bùa phép gì mà khiến con sư tử không dám đụng đến. Anh ta thản nhiên trả lời rằng mình chẳng có bùa phép gì cả, anh ta chỉ nói với con sư tử một câu là “Mày muốn ăn thịt tao thì cứ việc. Nhưng tao cho mày hay, ăn xong thế nào nhà vua cũng bắt mày đọc diễn văn bày tỏ cảm tưởng và cảm ơn. Vậy nếu mày muốn ăn thịt tao, hãy lo thảo diễn văn trước đi.” Ấy thế là nó hoảng hồn bỏ chạy ngay.
Ai cũng biết đây chỉ là câu chuyện trào phúng để chế nhạo cái phong trào đọc diễn văn của vua quan và những người quý phái ở nước Anh vào thời của tác giả. Không chỉ thời xưa, mà ngày nay, thế giới càng văn minh, khoa học càng phát triển, con người càng nhiều kiến thức thì càng có những bài diễn thuyết hùng hồn, uyên bác nhưng thực chất đó chỉ là cách nói sáo rỗng để trấn an dư luận, để lấn áp tiếng lương tâm, để che đậy cái man trá của lòng mình… chứ những lời ấy không thực tế, nói quá nhiều mà làm quá ít, hay chẳng làm gì cả nên cũng không giúp ích được bao nhiêu.
Tuy nhiên, có một lời được gọi là LỜI SỰ SỐNG đầy năng quyền, có sức mạnh thay đổi tấm lòng con người và mang đến sức sống cho chúng ta. Hôm nay chúng ta cùng xem và trải nghiệm Lời Sự Sống ấy qua phần Kinh Thánh I Giăng 1:1-4.
1 Điều có từ trước hết, là điều chúng tôi đã nghe, điều mắt chúng tôi đã thấy, điều chúng tôi đã ngắm và tay chúng tôi đã rờ, về Lời sự sống;
2 vì sự sống đã bày tỏ ra, chúng tôi có thấy, và đang làm chứng cho, chúng tôi rao truyền cho anh em sự sống đời đời vốn ở cùng Đức Chúa Cha và đã bày tỏ ra cho chúng tôi rồi;
3 chúng tôi lấy điều đã thấy đã nghe mà truyền cho anh em, hầu cho anh em cũng được giao thông với chúng tôi. Vả, chúng tôi vẫn được giao thông với Đức Chúa Cha, và với Con Ngài là Đức Chúa Jêsus Christ.
4 Chúng tôi viết những điều đó cho anh em, hầu cho sự vui mừng của chúng tôi được đầy dẫy.
Giải thích
Giăng là một trong mười hai sứ đồ của Chúa Giê-xu. Ông đã viết sách Phúc Âm Giăng và các thư tín Giăng (gồm có ba thư). Phúc Âm Giăng được viết để người đọc tin và được sự sống (Giăng 20:21) còn thư tín Giăng được viết để người đã tin biết mình có sự sống. Vậy thư tín I Giăng như một bài trắc nghiệm để chúng ta thấy rõ niềm tin của mình. Trước hết, từ những lời đầu tiên này sứ đồ Giăng khẳng định những gì ông viết ở đây chính là những kinh nghiệm của cá nhân ông và những người đồng thời cùng ông đã trải nghiệm với chính Chúa Cứu Thế, Đấng ông tin và bao Cơ Đốc nhân cũng đang đặt lòng tin cậy nơi Ngài. Về Đấng ấy, sứ đồ Giăng khẳng điều ba điều sau:
1. Ngài là “Lời Sự Sống”: “Điều có từ trước hết, là điều chúng tôi đã nghe, điều mắt chúng tôi đã thấy, điều chúng tôi đã ngắm và tay chúng tôi đã rờ, về Lời Sự Sống.” (câu 1)
Chữ “Lời Sự Sống”, tiếng Hy Lạp gọi là “logos”, trong Phúc Âm Giăng từ “Logos” chỉ về Chúa Giê-xu (Giăng 1:1-3) là Đấng mà sứ đồ Giăng đã nghe, đã thấy, đã ngắm, đã rờ. Kinh nghiệm của sứ đồ Giăng về Chúa Giê-xu là chắc chắn và có thật chứ không hề mơ hồ, cho thấy đây là kinh nghiệm cá nhân của ông đã gần gũi với Chúa Giê-xu, một kinh nghiệm trực tiếp: nghe Chúa nói, nhìn thấy Chúa và đụng đến chính Chúa và ngắm xem cả vinh hiển của Ngài. “Lời Sự Sống” ở đây cũng nói về Phúc Âm và Phúc Âm không gì khác hơn là Chúa Giê-xu. Ngài cũng là Đấng có từ ban đầu, có từ trước hết, và Phúc Âm cứu rỗi ở trong Chúa Giê-xu cũng đã có trong kế hoạch đời đời của Đức Chúa Trời từ lúc ban đầu. Liên kết với Giăng 1:1 chúng ta có thể hiểu Chúa Giê-xu là Ngôi Lời có từ ban đầu, Ngài chính là Lời Sự Sống, là sứ điệp Phúc Âm.
2. Ngài là “Đấng giao thông với chúng ta”: “chúng tôi lấy điều đã thấy đã nghe mà truyền cho anh em, hầu cho anh em cũng được giao thông với chúng tôi. Vả, chúng tôi vẫn được giao thông với Đức Chúa Cha, và với Con Ngài là Đức Chúa Jêsus Christ.” (câu 3)
Phúc Âm mà ông rao truyền cho chúng ta là chính Chúa Giê-xu, là Đấng mà chính ông và các sứ đồ khác đã có mối giao thông với Ngài. Và tại đây ông nói rõ mục đích mà ông rao truyền Phúc Âm Chúa Giê-xu cho chúng ta là những người đọc thư tín này chính là để giao thông với chính Ngài và giao thông với nhau. Đây cũng là đặc tính của Hội Thánh Chúa và là ơn phước của mọi người tin Chúa, khi chúng ta có mối tương giao với Chúa theo chiều đứng của thập tự giá thì đồng thời chúng ta có mối tương giao chiều ngang với nhau anh em cùng niềm tin.
3. Cuối cùng sứ đồ Giăng nêu lý do ông viết thư này là “hầu cho sự vui mừng của chúng tôi được đầy dẫy” (câu 4). Niềm vui của người hầu việc Chúa không gì khác hơn là thấy con cái Chúa tiếp tục đi trong đường lối của Chúa, sống trong mối tương giao với Đức Chúa Trời.
Bạn thân mến, bạn đã kinh nghiệm Chúa là Lời Sự Sống một cách riêng tư, gần gũi như sứ đồ Giăng đã kinh nghiệm chưa? Và bạn có bao giờ chia sẻ kinh nghiệm quý báu ấy cho người khác chưa?
Cầu nguyện
Kính lạy Chúa! Nguyện xin Chúa cho chúng con kinh nghiệm Chúa cách riêng tư và sâu sắc mỗi ngày để mạnh mẽ chia sẻ Phúc Âm của Chúa Giê-xu cho người xung quanh hầu có thể nếm trải được niềm vui dư dật ở trong Ngài. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Giê-xu. Amen.
Grace Ngo
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét