Lu-ca | Trách Nhiệm Trọn Vẹn

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýChâm NgônÊ-saiLu-caRô-maI Cô-rinh-tô

Lời ngỏ

Thân chào quý anh chị em yêu dấu trong tình yêu của Chúa Cứu Thế Jesus!

Một cuộc đời được cứu rỗi thực sự sẽ luôn trăn trở với trách nhiệm truyền giáo, đó là tinh thần của tiến sĩ J. O. Smith, Mục sư của Hội Thánh tại Toronto. Ông dâng mình làm giáo sĩ truyền giáo, nhưng nhiều lần lâm bệnh không thể đi truyền giáo được. Ông bèn tìm cách nuôi dưỡng người đi truyền giáo thay mình. Lần kia, ông gặp Mục sư Cook, là nhà lãnh đạo Hội Thánh liên hiệp Nam Mỹ, qua nhà lãnh đạo này ông nhận trách nhiệm nuôi 5 vị giáo sĩ đi ngoại quốc. Con số này tăng liên tục đến 350 người kể từ đó. Tuy nhiên không chỉ nuôi dưỡng để có được số lượng giáo sĩ dâng mình hầu việc Chúa, nhưng làm sao có thể đào tạo các giáo sĩ trung tín trong chức vụ còn quan trọng hơn nhiều. Chúng ta cùng học về các nguyên tắc này hôm nay trong phân đoạn Kinh Thánh Lu-ca 9:1-6.

1 Đức Chúa Jêsus nhóm họp mười hai sứ đồ, ban quyền năng phép tắc để trị quỉ chữa bịnh.
2 Rồi Ngài sai đi rao giảng về nước Đức Chúa Trời cùng chữa lành kẻ có bịnh.
3 Ngài dạy rằng: Đi đường chớ đem gì theo hết, hoặc gậy, hoặc bao, hoặc bánh, hoặc tiền bạc; cũng đừng đem hai áo.
4 Hễ các ngươi vào nhà nào, hãy ở đó cho đến khi đi.
5 Còn ai không tiếp rước các ngươi, hãy ra khỏi thành họ, và phủi bụi chân mình để làm chứng nghịch cùng họ.
6 Vậy, các sứ đồ ra đi, từ làng nầy tới làng kia, rao giảng Tin lành khắp nơi và chữa lành người có bịnh.

Giải thích

Sau một thời gian “bỏ hết thảy mà theo Ngài” (Lu-ca 5:11) và toàn tâm toàn ý chịu sự huấn luyện, đã đến lúc các sứ đồ thực hành công vụ dưới sự điều hành của Chúa Jesus. Điều trước tiên họ nhận được là quyền năng hay thẩm quyền được ủy thác. Nghĩa là họ được ban cho năng lực để thực thi điều Chúa muốn. Đối với một người hầu việc Chúa trọn thời gian, bán thời gian hay chỉ là một cộng sự dù ở vị trí nào cũng đều cần có điều này. Đây được coi là điều kiện tiên quyết để thành công trong chức vụ hay công việc. Người hầu việc Chúa thì phải theo những phép tắc hay quy định của Chúa, nhất là khi phải đối phó với ma quỷ, là kẻ chống nghịch Chúa, nếu hành động một cách tuỳ tiện sẽ đưa đến hậu quả vô cùng đáng tiếc khi không được ban cho năng quyền của Chúa (câu 1). Sứ mệnh quan trọng tiếp theo là “rao giảng về vương quốc Đức Chúa Trời”. Tâm linh con người cần phải được khai phóng khỏi tội lỗi, khỏi sự gông cùm của quyền lực tối tăm, được biết con đường hy vọng sống trong vương quốc sáng láng tại cõi vĩnh hằng. Còn về thể xác, người đang đối diện với đau ốm, bệnh tật là đang đối diện với khó khăn, thử thách. Họ cần được chữa lành, được chăm sóc, an ủi, khích lệ, chia sẻ đối với họ rất quan trọng. Nhưng giúp họ giữ vững đức tin, hiểu được ý muốn Chúa trong hoàn cảnh khó khăn và thử thách còn quan trọng hơn. 

Tiếp theo, Chúa dạy họ cách đối phó với những tình huống khó khăn. Về nguyên tắc, họ nên tin cậy Chúa trong sự chu cấp mọi nhu cầu vật chất của mình: không bánh, hoặc tiền bạc. Nói cách khác, họ không nên dự trữ thức ăn hoặc đem theo tiền, vì có thể gây phiền phức, tổn hại cho họ nếu bị cướp dọc đường, hoặc thức ăn bị ôi thiu. Nguyên tắc thứ hai là sống cách giản dị: không bao, không gậy, không hai áo. Bao dùng để đựng vật dụng cá nhân; gậy giúp họ đi đứng vững vàng hơn, hai áo để thay đổi khi có cần (câu 2). Những chi tiết cụ thể trong hai nguyên tắc trên có vẻ không hợp lý trong thực tế, nhưng cốt lõi của vấn đề là người hầu việc Chúa cách tâm huyết sẽ cảm nhận được điều gì nên và không nên làm.

Trong câu 3, Chúa dặn: “Vào làng nào, các con cứ ở luôn một nhà cho đến khi qua làng khác” (BDHĐ). Điều này nghĩa là đừng tìm kiếm với hy vọng được tiếp đón thoải mái, tiện nghi hơn. Có vẻ như các nguyên tắc này quá khắt khe đối với người hầu việc Chúa, có vẻ như họ phải chịu nhiều thiệt thòi khi trở thành người hầu việc Chúa. Thật ra, Chúa đang tạo điều kiện tốt nhất để người hầu việc Chúa chuyên tâm vào công việc, còn mọi sự khác Chúa sẽ lo liệu tất cả. Đứng ở góc độ của một người quan sát, chúng ta sẽ thấy có nhiều điều đáng để lo lắng cho một người hầu việc Chúa, nhưng khi thực sự bước vào thì chỉ có người trong cuộc mới cảm nhận được phước hạnh khi được trở thành người hầu việc Chúa.

Trong tình huống không được tiếp đón, các sứ đồ được Chúa Jesus nhắc rằng: “khi ra khỏi thành đó, hãy phủi bụi đã dính nơi chân các ngươi…” (BDHĐ). Nếu người ta từ chối không muốn nghe sứ điệp Phúc Âm, không nên ở lâu hơn trong nhà hay nài ép họ. Trong văn hoá Do Thái, hành động phủi bụi nơi chân, hay “cứ giũ áo ra đi để chứng tỏ không còn trách nhiệm gì về số phận của họ”. (BDHĐ). Câu này có nghĩa là người hầu việc Chúa không cần phải bận tâm suy nghĩ nữa, vì điều cần làm, họ đã làm. Như vậy để thấy rằng: “ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng” (Ma-thi-ơ 11:30).

Trách nhiệm của các sứ đồ ngày xưa và của chúng ta ngày nay là làm cho trọn phận sự của một Cơ Đốc nhân đối với ơn cứu rỗi vô điều kiện Chúa dành cho con người. Nhiều người mặc định rằng người hầu việc Chúa chính là Mục sư, Truyền đạo hay Giáo sĩ… những người được ơn kêu gọi đặc biệt nhưng nếu chúng ta hiểu rằng hết thảy các Cơ Đốc nhân đều là chi thể trong một thân (Rô-ma 12:4-5), để có một thân thể khỏe mạnh, hết thảy các chi tuỳ theo chức năng, đều phải hoạt động hết công suất để cân bằng và duy trì hoạt động của thân thể. Vậy nên, nhờ ơn Chúa trong khả năng của mình hãy cùng làm tròn trách nhiệm Chúa giao phó, Ngài chắc chắn gia ơn và ban sự khôn ngoan cho người làm việc có trách nhiệm.

Cầu nguyện

Kính lạy Chúa Jesus yêu dấu, con hết lòng cảm tạ ơn Ngài vì con được làm con trong đại gia đình của Đức Chúa Trời. Chúa cũng ban cho con có những khả năng và ân tứ riêng biệt. Xin Ngài ban cho con năng quyền để được đồng công cùng Chúa, cùng anh chị em mình phát triển vương quốc của Ngài trên đất một cách toàn tâm toàn ý. Con thành kính cầu nguyện trong danh Chúa Jesus. Amen.

Nguyên Ngọc

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa