Lu-ca | Xưng Nhận Đấng Christ

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýChâm NgônÔ-sêLu-caI Cô-rinh-tôI Giăng

 

Lời ngỏ

Thân chào quý anh chị em yêu dấu trong tình yêu của Chúa Cứu Thế Jesus!

Trong một buổi duyệt binh, vị hoàng đế thắng trận diễu binh qua các nẻo đường trong kinh thành với tất cả các chiến lợi phẩm và tù binh theo sau. Hai bên đường, dân chúng vẫy cờ hoa reo mừng, cảnh vệ đứng dọc theo lối đi để giữ trật tự. Bỗng một cậu bé len lỏi từ trong đám đông lao ra đường xe vị vua đang đi, cảnh vệ vội chặn cậu bé lại và quát: “Bé con, không được chạy, con biết ai đang trong xe kia không? Hoàng đế đó, con không được chạy ra xe của ngài”. Không chút sợ sệt, cậu bé ngước mặt kiêu hãnh đáp: “Là hoàng đế của chú, nhưng là cha của con”. Sự dạn dĩ xưng nhận cha của cậu bé cho thấy cậu chính là hoàng tử và cậu biết rõ người đang ngồi trên xe là ai. Trong niềm tin vào Chúa Cứu Thế, chúng ta có dạn dĩ xưng nhận Ngài không? Và sự hiểu biết về Cha Thiên Thượng của chúng ta thế nào? Cùng mời quý anh chị em suy ngẫm Lời Chúa hôm nay qua phân đoạn Kinh Thánh Lu-ca 9:18-20.

18 Một ngày kia, Đức Chúa Jêsus đang cầu nguyện riêng, môn đồ nhóm lại xung quanh Ngài, Ngài hỏi rằng: Trong dân chúng, họ nói ta là ai?
19 Thưa rằng: Người nầy nói là Giăng Báp-tít, người kia nói là Ê-li; kẻ khác nói là một trong các đấng tiên tri đời xưa sống lại.
20 Ngài lại hỏi rằng: Còn về phần các ngươi thì nói ta là ai? Phi-e-rơ thưa rằng: Thầy là Đấng Christ của Đức Chúa Trời.

Giải thích

Sau sự kiện năm cái bánh và hai con cá, với số lượng người tham gia trên năm ngàn, có lẽ lời đồn về phép lạ Chúa Giê-xu đã làm được lan truyền trong dân chúng. Có thể sự kiện này là một dấu mốc để đánh giá mức độ hiểu biết của các môn đồ về sự dạy dỗ của Chúa Giê-xu. Ngài vẫn đang kiên nhẫn dẫn họ đến chỗ nhận biết Ngài là ai, và Ngài có thể làm gì trong họ và qua họ. Kinh Thánh không ghi lại Chúa Giê-xu từng cầu nguyện với các môn đồ. Ngài đã cầu nguyện thay cho họ, cầu nguyện trước mặt họ và dạy cho họ cầu nguyện, nhưng đời sống cầu nguyện của Ngài tách biệt khỏi đời sống cầu nguyện của họ. Một lần trong khi Chúa Giê-xu đang cầu nguyện riêng, có các môn đồ nhóm lại xung quanh, Ngài đã hỏi họ: dân chúng nói Ngài là ai? Có phải Chúa Giê-xu đang quan tâm đến dư luận về Ngài? Các môn đồ trả lời rằng dân chúng nói Ngài là Giăng Báp-tít, là Ê-li, là một trong những Đấng tiên tri thời cựu ước sống lại… Sự hiểu biết của dân chúng về Chúa Giê-xu chỉ trong giới hạn là một vĩ nhân, một nhân vật đặc biệt hay một anh hùng dân tộc. Ngài được đánh giá là một mắt xích trong chuỗi các nhân vật lỗi lạc kim cổ của dân tộc. Còn đối với các sứ đồ, Chúa Giê-xu muốn họ tự nhận định về Ngài. Phi-e-rơ đã mạnh dạn xưng nhận: “Thầy là Đấng Christ của Đức Chúa Trời” (Đấng Christ hay Đấng Mết-si-a có nghĩa là Đấng Cứu thế).

Lời xưng nhận này nếu xét trên phương diện con người thì Chúa Giê-xu được xức dầu để làm vua, đồng nghĩa với việc Ngài sẽ giải phóng dân tộc mình ra khỏi ách đô hộ của Đế quốc La-mã đang cai trị họ. Các sứ đồ có tầm nhìn về Chúa Giê-xu cao hơn dân chúng ở chỗ là họ xưng nhận Ngài là Đấng Cứu Thế được Đức Chúa Trời sai phái, chứ không phải là vị vua bình thường như bao vị vua khác. Trong niềm tin của họ, Đức Chúa Trời là Đấng vĩ đại hơn hết các thần. Qua sự kiện hóa bánh (câu 13-17), chữa bệnh (7:10), đuổi quỷ (4:35), kêu người chết sống lại (7:15)… họ kết nối lại để khẳng định lập trường của mình về Chúa Giê-xu. Điều này mang tính chất giới hạn, sẽ dẫn họ đến suy nghĩ về quyền lợi và địa vị trên đất mà họ sẽ được hưởng khi Ngài làm vua. Vì thế Chúa Giê-xu đã cố gắng giải thích để lấp đầy những khoảng trống trong suy nghĩ của họ.

Xét trên phương diện thuộc linh, sự xưng nhận này là điểm mấu chốt để Chúa Giê-xu nâng tầm hiểu biết của các sứ đồ về Ngài trong kế hoạch giải phóng con người khỏi quyền lực tội lỗi qua các sự kiện sẽ xảy ra cho Ngài trong câu 21: Ngài chịu nhiều đau khổ, bị loại bỏ, bị giết, và sẽ sống lại sau ba ngày. Chúa Giê-xu chuẩn bị tâm lý cho các sứ đồ đón nhận những đau khổ, nghiệt ngã, mà người theo Ngài sẽ không được miễn trừ. Trước mắt, họ phải đối diện với nhiều khó khăn và có sự lựa chọn. Chúa muốn họ nhận thức được giá trị đời đời đối với sự lựa chọn con đường thập tự mà Ngài sẽ đi.

Trong thân xác con người, tranh đấu với bản ngã là trận chiến Chúa Giê-xu phải vượt qua. Ma quỷ lại luôn tìm cách ngăn trở sứ mệnh trọng đại Chúa đang thực hiện. Nếu sự hiểu biết của các sứ đồ về Ngài còn nông cạn cũng sẽ là một trong những cản trở, chất thêm gánh nặng cho chức vụ của Chúa Giê-xu. Nhưng qua sự xưng nhận của họ dù chưa được đầy trọn về ý nghĩa thật nhưng cũng làm làm tăng thêm nghị lực cho Chúa Giê-xu trong sự kiên quyết bước vào con đường thập giá.

Là Cơ Đốc nhân, khi chúng ta xưng nhận Chúa Giê-xu là Đấng Cứu Thế của cuộc đời mình đồng nghĩa với việc chúng ta chịu khổ vì danh Chúa. Bị gia đình từ bỏ, bị bạn hữu cười chê, chịu thiệt thòi trong việc làm… Không phải ai cũng ưa nếp sống đạo đức tin kính của chúng ta, vì nó vô tình chỉ trích lối sống vô luân, phỉ báng của họ. Nguyện Chúa giúp chúng ta vững vàng trong niềm tin về sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu chúng ta và phó mạng sống Ngài vì chúng ta.

Cầu nguyện

Kính lạy Chúa yêu dấu, con vui mừng cảm tạ Ngài vì sự kiên nhẫn Chúa dành cho con trong sự học biết Đấng Cứu Thế của Đức Chúa Trời. Nguyện Chúa ban cho con sự hiểu biết đầy trọn về Ngài để có quyết định khôn ngoan cho cuộc đời mình, sống vì danh Chúa. Con cám ơn Ngài. Con thành kính cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu. Amen.

Nguyên Ngọc

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa