Ô-sê | Tên Gọi Hàm Chứa Ý Nghĩa Gì?
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | Ô-sê | Lu-ca | I Cô-rinh-tô | I Giăng |
Lời ngỏ
Kính chúc quý anh chị em một ngày mới tốt lành trong Chúa Giê-xu!
Khi gia đình nào chuẩn bị có một thành viên mới ra đời thì việc đặt tên cho con luôn là vấn đề được các ông bố, bà mẹ quan tâm. Không chỉ là đặt tên để gọi mà việc đặt tên còn bao hàm nhiều ý nghĩa sâu xa, thể hiện mong muốn, sự kỳ vọng của cha mẹ cho tương lai của con trẻ. Vì thế không ai muốn đặt tên con với ý nghĩa không tốt hay tiêu cực. Chúng ta đã biết, cuộc hôn nhân của tiên tri Ô-sê là một sứ mạng đặc biệt cho cuộc đời ông, thế nên tên các con của ông cũng được Đức Chúa Trời đặt cho, và mỗi tên bày tỏ sứ điệp mà Đức Chúa Trời muốn ông rao báo cho dân sự. Hôm nay chúng ta cùng xem Ô-sê 1:3-11 để biết được tên gọi các con của tiên tri Ô-sê hàm chứa ý nghĩa gì?
3 Vậy, Ô-sê cưới Gô-me, con gái của Đíp-la-im. Bà mang thai và sinh cho ông một người con trai.
4 Bấy giờ Đức Giê-hô-va phán với ông: “Hãy đặt tên nó là Gít-rê-ên, vì chẳng bao lâu nữa Ta sẽ trừng phạt nhà Giê-hu về tội đổ máu tại Gít-rê-ên, và chấm dứt vương quốc của nhà Y-sơ-ra-ên.
5 Trong ngày đó Ta sẽ bẻ cung của Y-sơ-ra-ên trong thung lũng Gít-rê-ên.”
6 Nàng lại mang thai và sinh một người con gái. Đức Giê-hô-va phán với Ô-sê: “Hãy đặt tên nó là Lô Ru-ha-ma, vì Ta không còn thương xót nhà Y-sơ-ra-ên, cũng không tha thứ cho chúng nữa.
7 Nhưng Ta sẽ thương xót nhà Giu-đa và sẽ giải cứu chúng, vì Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của chúng. Ta sẽ không cần dùng đến cung tên, gươm đao hay chiến tranh, cũng không dùng ngựa hay kỵ binh mà giải cứu chúng.”
8 Sau khi cai sữa Lô Ru-ha-ma, Gô-me lại mang thai và sinh một con trai.
9 Đức Giê-hô-va phán: “Hãy đặt tên nó là Lô Am-mi, vì các ngươi không còn là dân của Ta nữa và Ta cũng không còn là Đức Chúa Trời của các ngươi nữa.”
10 “Nhưng dân số Y-sơ-ra-ên sẽ đông như cát biển, không thể lường, cũng không thể đếm được. Tại chính nơi chúng nghe phán: ‘Các ngươi không phải là dân Ta,’ sẽ lại nghe: ‘Các ngươi là con Đức Chúa Trời hằng sống.’
11 Dân Giu-đa và dân Y-sơ-ra-ên sẽ tụ họp lại và chọn cho mình một thủ lĩnh chung; chúng sẽ vươn lên từ đất nầy, vì đó là ngày trọng đại của Gít-rê-ên.” [BTTHĐ]
Giải thích
Câu chuyện về Ô-sê không chỉ bày tỏ cho chúng ta thấy cái nhìn của Đức Chúa Trời đối với tội lỗi, mà qua đó càng hiểu hơn tình yêu của Ngài đối với chúng ta. Phần quan trọng của sứ điệp không chỉ là cuộc hôn nhân của ông với Gô-me mà các con của nhà tiên tri cũng đóng góp một phần quan trọng không kém về sứ điệp của Chúa đối với dân sự.
Con đầu lòng của tiên tri Ô-sê với Gô-me là “Gít-rê-ên” (câu 4) có nghĩa là “Đức Chúa Trời gieo”. Tên này gợi cho dân Y-sơ-ra-ên nhớ về cuộc tàn sát mà Giê-hu làm đối với gia đình A-háp trong thành Gít-rê-ên (II Các Vua 10). Giê-hu thực hiện sự đoán phạt của Đức Chúa Trời, nhưng với một tinh thần và thái độ không phải lẽ. Bởi quá khích, Giê-hu đã thanh trừng vùng đất có dòng dõi xấu xa của A-háp, ông đã giết hại nhiều người, bao gồm cả A-cha-xia, vua dân Giu-đa và 42 người họ hàng của vua. Qua việc con trai Ô-sê ra đời, Đức Chúa Trời loan báo rằng Ngài sẽ trả thù cho huyết vô tội đã đổ ra dưới tay Giê-hu, và sẽ kết thúc triều đại của Giê-hu trong nước Y-sơ-ra-ên.
Người con kế tên là “Lô Ru-ha-ma” (câu 6) nghĩa là “không thương xót”, để tuyên bố với dân Y-sơ-ra-ên rằng Đức Chúa Trời không còn thương xót họ nữa. Thương xót hay không thương xót ở đây không nói đến “tình cảm” mà nói đến cách Chúa sẽ đối xử với con dân của Ngài. Chúa sẽ không cứu giúp nước Y-sơ-ra-ên nữa, vì tội lỗi của nước ấy đã đến đỉnh điểm. Trong khi đó Chúa sẽ còn cứu giúp nước Giu-đa bằng sự can thiệp trực tiếp của Ngài. Lịch sử sau này đã ứng nghiệm lời loan báo này. Nước Y-sơ-ra-ên đã bị người A-si-ri xóa tên trên bản đồ năm 733 TC. Ngược lại, Giu-đa vẫn còn tiếp tục đứng vững.
Con thứ ba tên là “Lô-am-mi” (câu 9) nghĩa là “không phải là dân ta”. Chúa muốn tuyên bố rằng Y-sơ-ra-ên không còn là dân của Ngài nữa, và Ngài không còn là Đức Chúa Trời của họ nữa. Làm sao việc này có thể xảy ra được? Chúa há quên lời giao ước Ngài đã lập với Áp-ra-ham, tổ phụ Y-sơ-ra-ên sao? Không, lời hứa của Chúa vẫn tồn tại. Chúa không vĩnh viễn từ bỏ dân Y-sơ-ra-ên. Tuy nhiên, hễ khi nào dân sự chống nghịch Chúa, họ sẽ không được kinh nghiệm phước hạnh của Ngài; họ chỉ là dân Chúa trên danh nghĩa mà thôi. Nhưng bởi sự nhân từ của Chúa, Ngài sẽ ban phước cho họ sau khi sửa phạt họ.
Các tên của ba người con của Ô-sê hàm chứa về tội lỗi của dân sự. Các tên này không chỉ nói lên sự đoán phạt của Đức Chúa Trời trong lịch sử, mà còn nói lên sự nguội lạnh trong tình yêu và sự xa cách của con dân Ngài. Bởi tội trọng mà họ đã phạm nên Đức Chúa Trời hình phạt họ. Đây là một chuỗi hậu quả tai hại của sự tà dâm thuộc linh. Điều đáng buồn là họ không nhận ra được tấm lòng của Chúa đối với họ qua cuộc hôn nhân của Ô-sê. Những người bị thần tượng hư không dẫn dụ không chịu mở mắt ra để nhìn thấy. Câu 10 và 11 cho thấy có những tia sáng bắt đầu xua tan những đám mây mù vì tại chính nơi chúng nghe phán: ‘Các ngươi không phải là dân Ta,’ sẽ lại nghe: ‘Các ngươi là con Đức Chúa Trời hằng sống’. Bức tranh ảm đạm được thay thế bằng bức tranh sống động mô tả mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời hằng sống và con cái Ngài.
Kinh nghiệm của người Y-sơ-ra-ên cũng là kinh nghiệm của con dân Chúa ngày nay. Khi chúng ta tin Chúa, chúng ta được tái sinh, được ban cho sự sống đời đời, được gọi với một cái tên mới mang Danh Ngài, là Cơ Đốc nhân. Tuy nhiên chúng ta không thể bày tỏ phẩm cách của Đấng Cơ Đốc khi không có kinh nghiệm gần gũi Chúa và hưởng trọn các phước hạnh của Ngài nếu chúng ta chưa chịu từ bỏ tội lỗi của mình. Các “thần khác” cũng có thể lừa dối chúng ta, làm cho mối quan hệ yêu thương và tôn kính của chúng ta đối với Đức Chúa Trời bị gãy đổ. Vì lý do đó, sứ đồ Phao-lô đã nhắc nhở các tín hữu tại Cô-rinh-tô: “Hãy ra khỏi chúng nó, Hãy phân rẽ khỏi chúng nó, Đừng đá động đến đồ ô uế, Thì Ta sẽ tiếp nhận các ngươi. Ta sẽ làm Cha các ngươi, Các ngươi sẽ làm con trai, con gái Ta” (II Cô-rinh-tô 6:17-18).
Cầu nguyện
Lạy Chúa! Trong bản chất con người, con cũng thường hay bất tín, bất trung đối với Ngài. Xin tha thứ tội lỗi của con và cho lòng con nhạy bén với sự cảnh tỉnh của Ngài. Xin thêm ơn sức cho con để con dứt khoát với những tội lỗi còn vương vấn trong con. Xin giúp con sống đời sống trong sạch, thanh khiết như điều Ngài chỉ dạy và xứng đáng với tên gọi mang Danh Ngài là Cơ Đốc nhân. Con cảm tạ Chúa và cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu. Amen.
Grace Ngo
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét