Châm Ngôn | Bài Học Cho Người Lười Biếng

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýChâm NgônÔ-sêLu-caI Cô-rinh-tôI Giăng

Lời ngỏ

Thưa quý anh chị em! Người ta thường đổ lỗi cho sự nghèo khổ là vì hoàn cảnh. Tuy nhiên điều đó chỉ đúng một phần. Yếu tố để chiến thắng nghèo khổ thiếu thốn có khi không đâu xa lạ, mà chính là trước hết hãy chiến thắng sự lười biếng. Mời bạn nghe những câu trong Châm Ngôn 6:6-11 của Sa-lô-môn để biết được điều này.

6 Hỡi kẻ biếng nhác, hãy đến xem loài kiến; Hãy quan sát các sinh hoạt của chúng mà học khôn nơi chúng.
7 Loài kiến chẳng có tướng tá chỉ huy, chẳng có sĩ quan điều động, và cũng chẳng có ai cầm quyền;
8 Nhưng chúng biết chuẩn bị lương thực trong mùa hè, và thâu trữ thức ăn trong mùa gặt.
9 Hỡi kẻ biếng nhác, bạn còn nằm đó bao lâu nữa? Khi nào bạn mới ngủ xong và thức dậy?
10 Ngủ một chút, chợp mắt một chút, khoanh tay nằm nghỉ một chút…
11 Thì sự nghèo khổ của bạn sẽ vụt đến như tên cướp, sự thiếu thốn của bạn sẽ ập đến như quân cướp có vũ khí xông vào. [KT-Bản DNB]

Giải thích

Chúng ta sẽ cùng suy ngẫm ba điều dựa vào những câu Kinh Thánh này: (1) Học từ loài kiến; (2) Khắc phục bản thân; (3) Thay đổi số phận

1. Học từ loài kiến

Kiến thật bé nhỏ. Nhỏ đến nỗi chẳng ai để ý đến chúng mà chúng cũng chẳng màng người ta để ý đến mình hay không. Kiến như một con người khiêm tốn, bình thường, không có gì nổi bật cho nên chẳng có ai thèm ganh tị hay ghen ghét muốn làm hại.

Kiến làm việc thật tất bật. Nhìn vào bầy kiến chúng ta không thể biết ai là con kiến đầu đàn, chỉ huy, sai khiến chúng. Chỉ biết một khi có con kiến nào tìm thấy được chỗ có thức ăn nó sẽ trở lại báo cho những con kiến khác bằng một tín hiệu nào đó của loài kiến. Thế là chỉ trong phút chốc, chúng đã kéo đến thành đoàn để mang thức ăn ấy về tổ. Có lẽ kiến ý thực sự tồn tại của một con là sự tồn tại của cả bầy cho nên kiến luôn siêng năng.

Kiến thật biết lo xa. Tổ của chúng có đầy thức ăn. Chúng như những người nông dân lo chuẩn bị lương thực trong mùa hè và thâu trữ thức ăn trong mùa gặt – thường là mùa thu để lo cho những ngày đông lạnh lẽo không thể trồng trọt ngoài đồng.

Sự chăm chỉ của loài kiến khiến chúng ta chợt nghĩ đến mình. Phải khắc phục bản thân thế nào đây?

2. Khắc phục bản thân

Bởi vì phải chăng nghèo khổ, khó khăn hay những trì trệ trong cuộc sống theo Chúa cũng chính là vì chúng ta biếng nhác, quá chìu chuộng bản ngã xác thịt yếu đuối, ích kỷ, muốn hưởng thụ của mình. Chúng ta còn nằm đó bao lâu nữa? Còn ngủ một chút, còn chợp mắt một chút để bao nhiêu cơ hội trôi qua khỏi cuộc đời mình bao lâu nữa? Khoanh tay và nhắm mắt là thái độ bàng quan không thiết tha gì đến tương lai của mình. Bạn muốn đi ra khỏi cái số phận hẩm hiu của mình chăng, hãy từ bỏ thói quen lười biếng.

Lười biếng là một căn bệnh nan y mà không có một thứ thuốc nào có thể trị nổi! Sự nghèo khổ sẽ vụt đến, sự thiếu thốn sẽ ập vào như những kẻ cướp đến với những vũ khí của nó và bạn sẽ hoàn toàn trắng tay. “Hãy siêng năng mà chớ làm biếng” là lời sứ đồ Phao-lô dạy cho những tín hữu trong thư Rô-ma 12:11. Bạn chẳng những được khuyên đừng nằm nướng, đừng ngủ muộn, đừng khoanh tay mà còn được khuyên hãy dậy sớm để thu góp ma-na để có đủ ăn cho mình trong ngày (Xuất. 16:16, 21). Có dậy sớm tương giao với Chúa qua sự cầu nguyện và đọc Lời Chúa trước khi lo toan mọi công việc của trần gian bạn mới hiểu được thế nào sự sống phong phú nơi Chúa. Ngài sẽ lo mọi nhu cầu cho bạn khi bạn tìm kiếm Ngài trước hết (Ma-thi-ơ 6:33).

3. Siêng năng là tính cách của con người mới trong Chúa

Khi khuyên dạy những anh chị em tín hữu ở Ê-phê-sô, ông Phao-lô bảo họ hãy lột bỏ người cũ trong đó có thói quen lười biếng, sinh trộm cắp. Ngược lại hãy mặc lấy người mới, là người được dựng nên trong Đấng Christ, qua việc tự tay mình làm việc một cách lương thiện, để vừa giúp cho bản thân mà cũng có thể giúp cho những người thiếu thốn (Ê-phê-sô 4:22, 28). Một trong những trách nhiệm của con dân Chúa là “khuyên nhủ những kẻ lười biếng” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:14). Những người được Chúa gọi để phục vụ Ngài phải chịu thương chịu khó làm việc, “chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như một người làm công không chỗ trách được” (II Ti-mô-thê 2:15).

Người tín hữu sống cho Chúa thật sự không thể là người nhân viên lười biếng, người công nhân tránh việc nặng tìm việc nhẹ hoặc một thanh niên mãi ăn bám hay ỷ lại vào gia đình, cha mẹ. Con người mới của bạn được thể hiện qua tính siêng năng chăm chỉ của bạn trong công việc mà bạn nhận từ Chúa, cho dù đó là công việc bên ngoài hay bên trong nhà thờ. Bạn được gọi để sống trọn vẹn trước Chúa trong mọi hoàn cảnh.

Cầu nguyện

Lạy Cha ái từ! Cha ơi, xin giúp anh chị em chúng con chiến thắng bản ngã xác thịt, trong đó ngoài sự lười biếng và ỷ lại còn có sự thiếu hiểu biết. Xin giúp chúng con thấy rằng còn khả năng để làm việc góp phần vào cuộc sống và được làm việc là một phước hạnh. Xin cho chúng con dù làm việc gì cũng hết lòng mà làm như làm cho Chúa chứ không phải làm cho người ta. Con cầu nguyện trong danh Đức Chúa Giê-xu Christ. Amen.

Ân Điển

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa