I Cô-rinh-tô | Tính Dục Trong Hôn Nhân

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýChâm NgônÔ-sêLu-caI Cô-rinh-tôI Giăng

Lời ngỏ

Kính thưa quý anh chị em thân mến! Vào thế kỷ thứ nhất, các nước thuộc đế quốc La Mã có bốn dạng hôn nhân phổ biến sau: Thứ nhất là hôn nhân dành cho hạng nô lệ, còn được gọi là “tình bạn trong lều trại”. Hai nô lệ được phép sống chung với nhau và có con cái nhưng không có quyền gì trên hôn nhân của mình. Người chủ có quyền thay đổi người bạn cùng sống hoặc sẽ bán một trong hai người đi. Thứ hai là hôn nhân thông thường theo luật pháp, khi đó đôi hôn phối sống chung với nhau trong một năm thì được coi là đã thành hôn theo luật pháp. Thứ ba là hôn nhân được sắp đặt, thực ra người cha đã bán con gái mình cho người chồng tương lai. Thứ tư là hôn nhân của giai cấp quý tộc, cả hai bên gia đình đều lo liệu mọi sự cho việc kết hôn. Cô dâu chú rể trao nhau chiếc nhẫn và có những lời thề ước hôn nhân với nhau. Hôn nhân ngày nay được dựa trên nền tảng của dạng hôn nhân thứ tư này.

Với hình thức đa dạng của hôn nhân như thế nên các Cơ Đốc nhân thời Tân Ước có nhiều điều còn thắc mắc về hôn nhân theo tinh thần của Thánh Kinh. I Cô-rinh-tô 7 là phần sứ đồ Phao-lô trả lời những thắc mắc của các tín hữu tại Cô-rinh-tô xung quanh những câu hỏi về hôn nhân. Bài học hôm nay dựa trên I Cô-rinh-tô 7:1-6 liên quan đến vấn đề TÍNH DỤC TRONG HÔN NHÂN.

1 Luận đến các điều hỏi trong thơ anh em, tôi tưởng rằng đàn ông không đụng đến đàn bà là hay hơn.
2 Song, cho được tránh khỏi mọi sự dâm dục, thì mỗi người đàn ông phải có vợ, mỗi người đàn bà phải có chồng.
3 Chồng phải làm hết bổn phận đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy.
4 Vợ không có quyền tự chủ về thân mình, bèn là chồng; chồng cũng vậy, không có quyền tự chủ về thân mình, bèn là vợ.
5 Đừng từ chối nhau, trừ ra khi hai bên ưng thuận tạm thời, để chuyên việc cầu nguyện; rồi trở lại hiệp cùng nhau, kẻo quỉ Sa-tan thừa khi anh em không thìn mình mà cám dỗ chăng.
6 Ấy đó là sự tôi thuận cho phép, chớ chẳng phải sự tôi truyền biểu.

Giải thích

Nan đề của Hội Thánh Cô-rinh-tô là xã hội ngoại giáo đang ảnh hưởng trên Hội Thánh hơn là Hội Thánh ảnh hưởng đến xã hội. Như đoạn trước đã đề cập, nhiều tín hữu vẫn còn dính dáng với tà dâm, ngoại tình, đồng tính luyến ái… nên khi đã tin Chúa Giê-xu rồi thì các tín hữu chưa biết phải xử lý tình trạng hôn nhân của mình như thế nào và cần có đời sống tình dục trong hôn nhân ra sao cho phải lẽ. Vì thế họ đã hỏi sứ đồ Phao-lô cách giải quyết. Trong phần Kinh Thánh hôm nay là câu hỏi: Sau khi tin Chúa, Cơ Đốc nhân có nên tiếp tục ăn ở vợ chồng với nhau nữa hay không và có thể sinh hoạt tình dục như trước khi chưa tin hay không?

Chúng ta đã biết, hôn nhân được Đức Chúa Trời thiết lập cho loài người để đáp ứng nhu cầu về hạnh phúc của tình yêu lứa đôi, của khoái cảm tính dục, và sinh sản con cái là bông trái của tình yêu hôn nhân. Nhưng ở ngay câu trả lời đầu tiên Phao-lô khuyên: “đàn ông không đụng đến đàn bà là hay hơn”. Chúng ta cần biết thư này được viết trong lúc Hội Thánh đang có nguy cơ bị nhà cầm quyền bách hại, và mọi tín hữu, kể cả Phao-lô, đều tin ngày Chúa trở lại gần kề. Vì vậy, sống độc thân có lợi thế hơn nhiều so với những người nặng gánh gia đình. Giáo hội công giáo La Mã đã dựa trên câu này để thiết lập chủ trương độc thân đối với các tu sĩ. Nhưng sau đó ông nói thêm: “Song, cho được tránh khỏi mọi sự dâm dục, thì mỗi người đàn ông phải có vợ, mỗi người đàn bà phải có chồng.” (câu 2). Ý của sứ đồ Phao-lô muốn nói rằng các tín hữu tại Cô-rinh-tô nên kết hôn để đừng tạo dịp cho nhục dục có môi trường phát tán hầu không bị mắc tội gian dâm như trước đây.

Khi đã kết hôn thì Phao-lô khuyên: “Chồng phải làm hết bổn phận đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy,” (câu 3). Chữ “bổn phận” ở đây không phải là nói về những trách nhiệm của vợ chồng trong việc sinh sống với nhau mà là bổn phận đáp ứng nhu cầu ân ái thân mật trong hôn nhân. Nếu người này từ chối đòi hỏi của người kia thì tạo dịp cho tội gian dâm phát tán. Vì Đức Chúa Trời đã dựng nên loài người với các nhu cầu tính dục khác hẳn loài thú, loài thú chỉ giao phối theo mùa hoặc theo chu kỳ sinh sản, nhưng Chúa ban tính dục trong hôn nhân là để vợ chồng bày tỏ tình yêu đối với nhau, để thoả mãn nhu cầu thể xác. Vì thế, trong hôn nhân sự khao khát về tình dục là lành mạnh và đúng đắn, và sinh hoạt tính dục chỉ được phép trong hôn nhân mà thôi.

Một lý do nữa là khi hai người đã thành vợ chồng thì đã trở nên một thân, vì thế: “Vợ không có quyền tự chủ về thân mình, bèn là chồng; chồng cũng vậy, không có quyền tự chủ về thân mình, bèn là vợ.” (câu 4). Nhất là đối với những cặp đã sống chung với nhau lâu ngày, hoặc không còn yêu nhau nồng nàn như thời thanh xuân, thì thường viện cớ quyền làm chủ thân thể, từ chối không muốn ân ái, không quan tâm đến nhu cầu yêu đương của người phối ngẫu, khi đó đã tạo cơ hội cho ma quỷ cám dỗ người bạn đời của mình dễ phạm tội gian dâm. Vì thế, Phao-lô khuyên: “Đừng từ chối nhau, trừ ra khi hai bên ưng thuận tạm thời, để chuyên việc cầu nguyện; rồi trở lại hiệp cùng nhau,” (câu 5). Có nhiều lúc tín hữu phải biết tự chế và kiêng cữ thú vui xác thịt để chuyên tâm vào sự cầu nguyện và thờ phượng Chúa. Về vấn đề này, vợ chồng cần phải thoả thuận với nhau và biết tự lượng sức mình trong việc lập kế hoạch kiêng cữ chăn gối khi cần hứa nguyện kiêng ăn để cầu nguyện chứ đừng lấy đó là cớ để thoái thác, khước từ đáp ứng nhu cầu của nhau, kẻo e ma quỷ nhân đó mà cám dỗ chúng ta khi không thể tự kiềm chế được.

Tóm lại, tính dục trong đời sống vợ chồng là một điều tự nhiên, là phước hạnh mà Chúa ban cho hôn nhân. Vì ban đầu Đức Chúa Trời thiết lập hôn nhân một phần là để thỏa mãn nhu cầu này của con người, vì thế vợ chồng nên biết đáp ứng nhu cầu tính dục của người phối ngẫu mình để giữ gìn và xây đắp hạnh phúc lứa đôi mà Chúa ban cho.

Cầu nguyện

Cảm tạ Chúa, Đấng đã thiết lập hôn nhân tốt lành và ban cho chúng con tình cảm tính dục lứa đôi để bảo vệ và vun đắp hạnh phúc trong hôn nhân. Cầu xin Chúa giúp chúng con sống thỏa vui trong tổ ấm Chúa ban, hầu Danh Chúa được cả sáng trên đất này. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Giê-xu. Amen.

Grace Ngo

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa