I Giăng | Yêu Thế Gian Hay Yêu Chúa?
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | Ô-sê | Lu-ca | I Cô-rinh-tô | I Giăng |
Lời ngỏ
Kính chúc quý anh chị em một ngày mới tốt lành!
Trong những ngày đầu đại dịch COVID-19, việc giữ vệ sinh và rửa tay thường xuyên là điều luôn được nhắc nhở trong bước đầu tiên phòng ngừa dịch bệnh. Tại một lớp học ở trường, sau khi các em được hướng dẫn cách rửa tay cẩn thận với xà phòng khử khuẩn thì có một bạn giơ tay lên hỏi: “Thưa cô, tại sao ngày nào cô cũng bắt rửa tay hoài vậy cô?” Cả lớp cười vì có lẽ cho rằng đây là một câu hỏi ngớ ngẩn trong tình huống dịch bệnh Cô-rô-na đang lây lan thế này. Nhưng cô giáo đã khôn ngoan trả lời: “Cô muốn các em “rửa tay hoài” vì hai lý do. Trước hết, cô muốn các em yêu sức khỏe của mình và thứ hai, cô muốn các em ghét vi-rút, vi trùng vì nó có thể làm hại đến sức khoẻ của các em, khi các em không thường xuyên rửa tay là các em đã yêu thích vi-rút và để nó bám vào tay của mình đấy.” Trong nhiều lĩnh vực của đời sống, yêu và ghét đi đôi với nhau. Một người cha yêu thương con chắc chắn sẽ không ưa thích những gì làm hại đến con mình.
Thư tín Giăng nhắc nhở chúng ta luôn thực hành tình yêu thương – loại tình yêu thương đúng đắn. Bên cạnh đó cũng có một loại tình yêu sai trật, một loại tình yêu mà Đức Chúa Trời ghét. Đó là lòng yêu mến đối với điều mà Thánh Kinh gọi là “thế gian”. Chúng ta sẽ cùng suy ngẫm điều này hôm nay dựa trên I Giăng 2:15-17.
15 Chớ yêu thế gian, cũng đừng yêu các vật ở thế gian nữa; nếu ai yêu thế gian, thì sự kính mến Đức Chúa Cha chẳng ở trong người ấy.
16 Vì mọi sự trong thế gian, như sự mê tham của xác thịt, mê tham của mắt, và sự kiêu ngạo của đời, đều chẳng từ Cha mà đến, nhưng từ thế gian mà ra.
17 Vả thế gian với sự tham dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời.
Giải thích
Đức Chúa Trời là Đấng Yêu Thương và Chúa cũng dạy con cái Ngài phải sống yêu thương, nhưng có những điều sứ đồ Giăng dạy “chớ yêu, đừng yêu”. Đó là “chớ yêu thế gian và cũng đừng yêu các vật ở thế gian nữa.” (câu 15). Từ “thế gian” ở đây không giống với từ “thế gian” mà Đức Chúa Trời yêu trong Giăng 3:16. Chúa “yêu thế gian” là yêu loài người mà Ngài đã tạo dựng; còn từ “thế gian” tiếng Hy Lạp là “kosmos” trong phân đoạn Kinh Thánh này chỉ về những thế lực tâm linh đen tối, dưới quyền của Sa-tan chống nghịch lại Chúa hay về những quan điểm chống lại Đức Chúa Trời và không công nhận Ngài. “Thế gian” cũng tượng trưng cho lối sống tập trung vào cuộc đời hiện tại, sống theo dục vọng và ước muốn cá nhân, không quan tâm đến sự sống đời đời. Vì vậy tình yêu thế gian đối nghịch với tình yêu dành cho Chúa (Giăng 15:18-19), không vâng phục theo ý muốn của Chúa. Do đó, Sứ đồ Giăng khuyên chúng ta “chớ yêu thế gian, cũng đừng yêu các vật ở thế gian nữa”, vì một khi đã yêu mến thế gian này thì không thể yêu kính Đức Chúa Trời được (câu 15).
Tiếp theo ông mô tả ba đặc điểm cụ thể của tinh thần thế gian. “Vì mọi sự trong thế gian, như sự mê tham của xác thịt, mê tham của mắt, và sự kiêu ngạo của đời, đều chẳng từ Cha mà đến, nhưng từ thế gian mà ra.” (câu 16). Thứ nhất, mê tham của xác thịt là lòng ham muốn mạnh mẽ những thú vui tội lỗi liên hệ đến thân xác như thú vui nhục dục, tà dâm, ham mê ăn uống, nghiện ngập… Thứ hai, sự mê tham của mắt là những tham lam, ganh tị, thèm muốn xuất phát từ những hào nhoáng thấy được ở bên ngoài như ham mê vật chất, áo quần, nhà cửa, xe cộ… Thứ ba, sự kiêu ngạo của đời là những kiêu căng về những giá trị tạm thời của thế tục như địa vị trong xã hội, sự giàu có… Tất cả những điều này xuất phát từ thế gian mà ra chứ không từ Chúa. Chính bà Ê-va đã bị ba điều này cám dỗ mà dẫn đến tội không vâng lời Chúa (Sáng Thế Ký 3:6) khiến cả nhân loại phải nhận lấy hậu quả của tội lỗi. Cho nên, người yêu thế gian thì người đó không có lòng yêu mến Chúa. Và nếu không yêu mến Chúa thì cũng không thể yêu thương người khác bằng tình yêu của Chúa được.
Điều quan trọng được sứ đồ Giăng đưa ra là “Thế gian với sự tham dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời.” (câu 17). Tại đây có hai con đường, hai lựa chọn, một đằng là chạy theo thế gian để thỏa mãn tất cả các tham dục, nhưng nên nhớ rằng thế gian và các điều thu hút, lôi cuốn của nó chỉ là điều tạm bợ. Những gì con người cố công tìm kiếm, đổ xô thực hiện, chỉ một thời gian là hết. Một phương diện khác, con người chẳng bao giờ thỏa mãn các tham dục của mình, và lúc nào cũng khao khát. Nhưng mặt khác, nếu hết lòng tin Chúa, làm theo lời răn dạy của Ngài, chắc chắn sẽ được thỏa mãn trong đời này và trong cõi đời sau nữa. Một đằng trước mắt là tạm bợ, chóng tàn. Một đằng là quý giá bền bỉ tồn tại mãi mãi. Vậy, bạn sẽ lựa chọn thế nào?
Cầu nguyện
Lạy Chúa yêu dấu, xin cho con không yêu thế gian mà hết lòng kính mến Chúa và yêu thương người lân cận như mình. Xin phẩm chất yêu thương của Trái Thánh Linh luôn thể hiện trong đời sống con để con luôn hướng tấm lòng, tâm trí con về những điều thuộc về thiên thượng và còn lại đời đời chứ không bị cám dỗ bởi những vui thú tạm bợ của trần gian này. Con cảm tạ Chúa và cầu nguyện trong Danh Chúa Giê-xu. Amen.
Grace Ngo
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét