Lu-ca | Ai Đáng Được Tôn Trọng?
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | Ô-sê | Lu-ca | I Cô-rinh-tô | I Giăng |
Lời ngỏ
Thân chào quý anh chị em yêu dấu trong tình yêu của Chúa Cứu Thế Giê-xu!
Trong Phúc Âm Ma-thi-ơ chương 23, những lời khiển trách giới lãnh đạo tôn giáo và người Pha-ri-si, Chúa Giê-xu có đề cập đến những việc họ bày tỏ cho người khác thấy, nhằm tự tôn vị trí cao trọng của mình và Ngài kết luận trong câu 12 rằng: “Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên”. Tự đặt mình vào những vị trí cao trọng ở một tổ chức trong xã hội không phải là việc gì xa lạ. Nhưng trong cộng đồng Cơ Đốc, điều này dường như thật hiếm hoi, nhưng không có nghĩa là không xảy ra. Trong vòng các sứ đồ được Chúa kêu gọi trong thời gian thi hành chức vụ trên đất, điều hiếm hoi đó đã xảy ra. Chúng ta cùng suy ngẫm phân đoạn Kinh Thánh Lu-ca 9:46-48 hôm nay để học biết quan điểm của Chúa Giê-xu về vị trí cao trọng là thế nào.
46 Các môn đồ biện luận cùng nhau cho biết ai là lớn hơn hết trong hàng mình.
47 Nhưng Đức Chúa Jêsus biết ý tưởng trong lòng môn đồ, thì lấy một đứa con trẻ để gần mình,
48 mà phán rằng: Hễ ai vì danh ta mà tiếp con trẻ nầy, tức là tiếp ta; còn ai tiếp ta, tức là tiếp Đấng đã sai ta. Vì kẻ nào hèn mọn hơn hết trong vòng các ngươi, ấy chính người đó là kẻ cao trọng.
Giải thích
Ý tưởng về một vương quốc được thiết lập bởi Chúa Giê-xu trong thời gian Ngài đang thi hành chức vụ vẫn cứ tồn tại trong suy nghĩ của các môn đồ, mặc dù Chúa Giê-xu đã nhắc nhở họ rằng: “Con người sẽ bị nộp trong tay người ta”. Một cuộc tranh luận phân cấp giữa vòng họ đã diễn ra, nếu vương quốc của Chúa Giê-xu được thiết lập, ai sẽ là người ngồi vào hàng ngũ lãnh đạo cao nhất sau Chúa Giê-xu? Trong một tổ chức ngày nay, người ta dựa vào trình độ chuyên môn, học vị để bổ nhiệm vào các vị trí. Còn trong thời Chúa Giê-xu, tất cả các sứ đồ đều cùng học trực tiếp với vị giáo sư lớn, nếu có bổ nhiệm vào vị trí nào để điều hành thì chính Chúa Giê-xu là người làm việc đó. Thánh Kinh không ghi lại chi tiết cuộc tranh luận của các môn đồ là đặt ai vào vị trí nào, nhưng theo suy đoán của chúng ta thì có lẽ ba người thân cận với Ngài nhất sẽ được ngồi vị trí cao hơn những người kia. Để chấm dứt cuộc tranh luận này, Chúa Giê-xu đã đem một đứa trẻ đặt ngồi giữa họ. Việc này có vẻ như chẳng liên quan gì đến cuộc tranh luận của các môn đồ, nhưng trước hết là Chúa Giê-xu muốn kéo tư tưởng họ ra khỏi cái ảo vọng về một vương quốc. Tiếp theo Chúa Giê-xu muốn họ biết quan điểm của Ngài về sự cao trọng.
Quan điểm của con người về sự cao trọng là vị trí của một người trong một tổ chức, cũng có thể là người nắm quyền hành cao nhất nhưng quan điểm của Chúa Giê-xu về sự cao trọng không nằm ở vị trí của một người trong tổ chức, mà là công việc người đó làm, đối tượng người đó phục vụ và Ngài còn nói đến thái độ của người phục vụ.
Một đứa trẻ trong thời Chúa Giê-xu không được quý trọng như bây giờ, nên khi Chúa dùng một đứa trẻ để minh hoạ cho điều Ngài muốn nói đó chính là Chúa muốn nói đến một công việc tầm thường. Đồng đẳng với đứa trẻ còn là những người yếu thế: bị coi thường, bị khinh rẻ, bị đối xử tệ hại… trong xã hội (câu 48b). Nếu thật sự là môn đồ của Chúa Giê-xu, vì danh Chúa, họ có làm được công việc tầm thường đó không? Quan tâm, chăm sóc những người bị coi là “hèn mọn hơn hết”, họ có mạnh dạn phát triển mối quan hệ với những người hèn mọn đó trong xã hội không? Những mối quan hệ đó chẳng đem lại một chút lợi lộc nào, chưa kể còn tiêu tốn thời gian và tiền của. Vương quốc của Chúa Giê-xu sẽ phát triển dựa trên các mối quan hệ nào của các môn đồ Ngài ? Thay vì để thời gian tranh luận địa vị cao trọng, hãy đi phát triển các mối quan hệ với người cần Phúc Âm.
Sách Ma-thi-ơ 18:4 Chúa đã phán: người lớn hơn hết trong nước Thiên đàng là người tự hạ mình như một đứa trẻ. Còn Lu-ca nêu quan điểm khiêm nhường của mình chính là đồng nhất hoá bản thân với những người hèn mọn hơn hết. Tinh thần Chúa Giê-xu cần cho vương quốc của Ngài là sự khiêm nhường, biểu hiện qua tinh thần phục vụ. Một người ý thức được địa vị của mình trước mặt Chúa sẽ không bao giờ dám đòi hỏi mà sẽ phủ phục như một đầy tớ. Cho đến khi tấm lòng người đó tan chảy trong sự khiêm nhường, Đức Chúa Trời sẽ cất nhắc người lên địa vị cao trọng.
“Hãy có đồng tư tưởng như Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ngài vốn giống như Thượng Đế về mọi mặt, nhưng không xem sự bình đẳng mình với Thượng Đế là điều phải nắm giữ. Trái lại, Ngài đã từ bỏ ngôi sang trọng để lấy hình dạng tôi tớ, sinh ra làm người. Và khi làm con người, Ngài rất khiêm nhường, hoàn toàn vâng phục Thượng Đế cho đến chết, đến nỗi bằng lòng chết trên thập tự giá. Vì thế nên Thượng Đế đã nâng Ngài lên địa vị cao tuyệt đỉnh, ban cho Ngài danh cao hơn hết mọi danh.” (Phi-líp 2:5-9). Nguyện Chúa nhắc nhở chúng ta luôn luôn trong đời sống, không chỉ trong lĩnh vực phục vụ Chúa mà còn trong nơi chốn chúng ta làm việc, vì danh Chúa làm mọi việc có thể, cho mọi người có cần và khiêm nhường đến điều.
Cầu nguyện
Kính lạy Chúa yêu dấu, tạ ơn Ngài đã cứu con để kế nghiệp công trình cứu chuộc con người trên đất. Xin Chúa mở mắt thuộc linh của con để con nhận thấy việc mở mang nước Chúa trên đất là công việc cao trọng thế nào, giúp con vững vàng trước cám dỗ tìm kiếm địa vị trong công trường thuộc linh con đang phục vụ, cám ơn Ngài. Con thành kính cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu. Amen.
Nguyên Ngọc
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét