Sáng Thế Ký | Từ Biệt Người Thương

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýChâm NgônÔ-sêLu-caI Cô-rinh-tôI Giăng

Lời ngỏ

Kính chào quý anh chị em yêu dấu trong Chúa Cứu Thế Giê-xu!

Trong cuộc đời có lẽ ai cũng đã từng trải qua cảnh đau buồn khóc thương khi người thân qua đời, nhất là khi phải chia lìa, từ biệt những người thương yêu, thân thiết nhất của mình. Sáng Thế Ký 23 ghi lại sự kiện qua đời của người phụ nữ yêu quý nhất của ông Áp-ra-ham, bà Sa-ra, người phụ nữ đã cùng ông trải qua bao thăng trầm trong hành trình đi theo tiếng gọi và lời hứa của Chúa. Giờ đã đến lúc bà được nghỉ ngơi mọi nhọc nhằn trên đất, nhưng đây cũng là lúc mà Áp-ra-ham phải chịu nỗi đau buồn khi phải từ biệt người vợ yêu dấu của mình. Hôm nay chúng ta sẽ cùng đọc và suy ngẫm Sáng Thế Ký 23:1-2 để biết rõ hơn về sự kiện này.

1 Sa-ra hưởng thọ được một trăm hai mươi bảy tuổi. Ấy là bao nhiêu năm của đời Sa-ra.
2 Sa-ra qua đời tại Ki-ri-át A-ra-ba, tức là Hếp-rôn, thuộc về xứ Ca-na-an. Áp-ra-ham đến chịu tang cho Sa-ra và than khóc người.

Giải thích

Sa-ra là một người phụ nữ đặc biệt trong Thánh Kinh. Bà là người phụ nữ duy nhất được Thánh Kinh ghi lại số tuổi thọ. “Sa-ra hưởng thọ được một trăm hai mươi bảy tuổi.” (câu 1). Bà đã cùng chồng ra khỏi xứ Cha-ran năm 65 tuổi, khi đó ông Áp-ra-ham đã 75 tuổi (Sáng Thế Ký 12:4) như vậy, nếu không kể những năm đầu cùng gia đình chồng rời U-rơ để lập nghiệp tại Cha-ran thì bà đã cùng đồng hành với ông Áp-ra-ham hơn 60 năm để theo tiếng gọi của Đức Chúa Trời bước đi trên con đường của đức tin.

Bà là một người vợ hiền của Áp-ra-ham. Sứ đồ Phi-e-rơ đã kể tên bà như một gương tốt cho những người vợ Cơ Đốc noi theo: “như Sa-ra vâng phục Áp-ra-ham, gọi người là chúa mình; nếu các chị em làm điều lành, không sợ chi hết mà rối trí, thì trở nên con gái của Sa-ra vậy” (I Phi-e-rơ 3:6). Áp-ra-ham được gọi là tổ phụ đức tin, và người nào tin Chúa đều được gọi là con cháu của Áp-ra-ham. Vì thế, theo sứ đồ Phi-e-rơ thì bà Sa-ra cũng được gọi là tổ mẫu của những phụ nữ nào biết trau dồi vẻ đẹp tinh thần, tức là lòng trong sạch, tâm hồn dịu dàng, yên lặng, vâng phục chồng. Tất cả những phụ nữ nào có những giá trị đó đều được gọi là con gái của Sa-ra.

Không những thế, Kinh Thánh còn kể bà là một trong những anh hùng của đức tin: “Cũng bởi đức tin mà Sa-ra dẫu có tuổi còn có sức sanh con cái được, vì người tin rằng Đấng hứa cho mình điều đó là thành tín.” (Hê-bơ-rơ 11:11). Việc Chúa ban Y-sác cho ông bà không theo thông lệ bình thường mà bởi ân điển, và phép lạ đã xảy ra trên thân thể già nua của bà là vì bà đã tin cậy vào Đấng đã hứa với mình là thành tín. Dẫu rằng ban đầu nghe Chúa phán thì bà đã cười nhưng về sau bà đã tin. Rõ ràng là chỉ bởi đức tin nơi Đức Chúa Trời mà Sa-ra được dùng để thực thi sứ mạng của Ngài cho dòng dõi tuyển dân Do Thái và cho dòng dõi của những ai đặt đức tin nơi Chúa Giê-xu. Dẫu rằng trong hành trình đó có lúc bà đã phạm sai lầm như đưa người hầu cho chồng ăn ở để có con nối dõi theo suy nghĩ của bà, rồi sau đó khi sanh được Y-sác thì bà lại bảo chồng đuổi hai mẹ con A-ga đi, tuy vậy, Đức Chúa Trời vẫn nhiều lần tha thứ cho bà. Phao-lô cũng đã dùng gương mẫu của bà Sa-ra để minh họa về ân điển của Đức Chúa Trời trong đời sống của Cơ Đốc nhân ngày nay (Ga-la-ti 4:21-31).

Thế nên, khi Sa-ra chết, “Áp-ra-ham đến chịu tang và than khóc người” (câu 2). Có lẽ lúc đó còn sống trong lều trại, ông bà mỗi người ở trong một lều riêng nên khi nghe tin bà qua đời ông Áp-ra-ham đã đến chịu tang vợ. Chữ “chịu tang” có nghĩa là đấm ngực để bày tỏ nỗi đau xót trong lòng. Áp-ra-ham yêu vợ ông, và sự qua đời của bà là một kinh nghiệm đau đớn đối với ông, ông bày tỏ tình yêu và sự đau buồn của mình bằng cách khóc. Không chỉ thương khóc cho vợ mà ông còn chịu tang bà. Thường chỉ có người nhỏ chịu tang người lớn hoặc người dưới chịu tang người trên, nhưng ở đây Áp-ra-ham chịu tang Sa-ra, chứng tỏ tình yêu của ông đối với bà thật là sâu đậm. Áp-ra-ham đã khóc khi mất người bạn đời thân yêu, người cùng chia sẻ với ông mọi gian khổ cũng như phước hạnh Chúa ban trong suốt chặng đường đức tin của mình.

Khi đối diện trước sự chết, chúng ta mới thấy cuộc đời thật ngắn ngủi, và trần thế này chỉ là nơi tạm cư, nhà đời đời của chúng ta ở trong nước của Đức Chúa Trời, nơi chúng ta sẽ thừa hưởng những phước hạnh lớn lao mà Ngài đã sắm sẵn cho con cái của Ngài. Vì thế, con cái Chúa không lo sợ trước cái chết, cho dù người đời xem sự chết là mất mát, tai hoạ, bất hạnh, nhưng là con cái Chúa thì sự chết là phước hạnh, vì chúng ta có lời hứa của Chúa rằng: “Từ rày phước thay cho những người chết là người chết trong Chúa! Đức Thánh Linh phán: Phải, vì những người ấy nghỉ ngơi khỏi sự khó nhọc, và việc làm mình theo sau.” (Khải Huyền 14:13)

Vì vậy, để không hối tiếc, đau buồn, than khóc khi những người thân qua đời thì chúng ta phải hết lòng làm chứng, chia sẻ Phúc Âm cứu rỗi của Chúa Giê-xu cho những người thân yêu của mình để khi người thân qua đời chúng ta luôn có một niềm hy vọng sẽ gặp họ ở nơi nước vĩnh hằng của Ngài.

Cầu nguyện

Lạy Chúa! Cảm tạ Ngài cho chúng con có những người thân yêu bên cạnh để chia sẻ mọi buồn vui trong cuộc sống. Chúng con biết rằng dù chúng con có yêu thương người thân nhiều thế nào thì rồi cũng sẽ đến lúc phải chia lìa. Xin giúp con hết lòng cầu nguyện và làm chứng về Chúa để những người thân yêu của chúng con đều tiếp nhận tình yêu cứu rỗi của Chúa, hầu con sẽ không hối hận khi họ qua đời mà chưa biết Chúa, nhưng luôn có một lòng tin chắc rằng sẽ gặp những người thân yêu trong nước vinh hiển của Ngài. Con cầu nguyện trong Danh Chúa Cứu Thế Giê-xu. Amen.

Grace Ngo

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa