I Giăng | Yêu Như Chúa Yêu

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýChâm NgônÔ-sêLu-caI Cô-rinh-tôI Giăng

Lời ngỏ

Kính chúc quý anh chị em một ngày mới tốt lành!

Theo luật pháp, các bậc cha mẹ phải chăm lo cho con cái mình. Việc bỏ bê con cái là một tội trọng. Nhưng có lẽ không có cha mẹ nào nói chuyện thế này khi đồng hồ báo thức reo lên vào buổi sáng:

Chồng: Em ơi, dậy chuẩn bị áo quần và lo bữa sáng cho mấy đứa nhỏ đi. Nếu không thì chúng ta phạm luật và cảnh sát sẽ đến bắt cả hai vợ chồng vào tù đó.
Vợ: Anh yêu ơi, anh cũng dậy đưa các con đi học đi, kẻo trễ là chúng ta bị phạt đấy.

Chúng ta đều biết động cơ để cha mẹ chăm lo cho con cái là vì yêu thương con và cũng muốn làm tròn trách nhiệm của mình, dù có lúc làm với thái độ không vui, nhưng việc làm đó không phải là vấn đề sợ pháp luật mà là vấn đề của tình yêu thương.

Tình yêu thương mà Chúa dạy chúng ta không phải là tình yêu ràng buộc bởi luật pháp nhưng là YÊU NHƯ CHÚA YÊU I Giăng 2:7-11 trình bày.

7 Hỡi kẻ rất yêu dấu, ấy chẳng phải là điều răn mới mà ta viết cho anh em, bèn là điều răn cũ anh em đã nhận lấy từ lúc ban đầu; điều răn cũ nầy tức là lời anh em đã nghe.
8 Song le, ta cũng viết cho anh em điều răn mới, là điều chân thật trong Chúa và trong anh em, vì sự tối tăm đã tan rồi, và sự sáng thật đã soi sáng.
9 Kẻ nào nói mình ở trong sự sáng, mà ghét anh em mình, thì còn ở trong sự tối tăm.
10 Ai yêu mến anh em mình, thì ở trong sự sáng, nơi người đó chẳng có điều chi gây cho vấp phạm.
11 Nhưng ai ghét anh em mình, thì ở trong sự tối tăm, làm những việc tối tăm, và không biết mình đi đâu, vì bóng tối tăm đã làm mù mắt người.

Giải thích

Qua thư tín thứ nhất này, sứ đồ Giăng muốn trình bày ba điều rất quan trọng cần có trong đời sống Cơ Đốc, ba điều này được lặp đi lặp lại trong suốt cả thư tín, đó là: sự sáng, sự sống và tình yêu thương. Trong phần Kinh Thánh hôm nay chúng ta học biết tình yêu thương Cơ Đốc được ảnh hưởng bởi sự sáng như thế nào. Khi chúng ta bước đi trong sự sáng, tức là vâng lời Đức Chúa Trời, thì sẽ yêu thương anh em mình trong Chúa.

Giăng được biết đến như là vị “Sứ đồ của Tình yêu thương” vì trong sách Phúc Âm và các thư tín của ông không chỉ viết về tình yêu thương mà cũng thực hành tình yêu thương nữa. Một trong những danh xưng ưa thích mà ông dành cho độc giả của mình là “Người yêu dấu”. Chúng ta có thể cảm nhận tình yêu thương của ông đối với những người mà ông viết thư cho. Thư tín I Giăng nói về “tình yêu thương” thì từ Hy Lạp được dùng là “agape”, từ này dành để chỉ tình yêu của Đức Chúa Trời đối với con người, tình yêu thương của một Cơ Đốc nhân đối với các Cơ Đốc nhân khác, và tình yêu của Đức Chúa Trời đối với Hội Thánh của Ngài (Ê-phê-sô 5:22-33). Một từ Hy Lạp khác để chỉ tình yêu thương là “philia” mang ý tưởng của tình bằng hữu, vốn không thật sâu sắc hay có tính cách thiên thượng như tình yêu “agape” nên từ “philia” không được dùng trong thư tín này.

Trong câu 7 và câu 8 sứ đồ Giăng đề cập đến “điều răn cũ” và “điều răn mới”. Người Do Thái không xa lạ gì với các điều răn và luật lệ trong Cựu Ước. Chính Chúa Giê-xu tóm tắt tất cả Luật pháp và lời Tiên tri (Mác 12:28-34) trong Cựu Ước để kết hợp hai điều răn lớn: “Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi” (Phục truyền 6:5) và “hãy yêu thương kẻ lân cận ngươi như mình” (Lê-vi Ký 19:18). Yêu kính Đức Chúa Trời và yêu thương kẻ lân cận mình là những trách nhiệm cũ và quen thuộc trước khi Chúa Giê-xu đến thế gian. Tình yêu thương và cả điều răn tự nó không mới, vậy thì, trong ý nghĩa nào “yêu thương nhau” là một điều răn “mới”?

Người Hy Lạp có hai chữ “mới” khác nhau, một chữ có nghĩa “mới về thời gian” và chữ kia có nghĩa “mới về chất lượng”. Điều răn yêu thương nhau không mới về thời gian, nhưng nó mới về tính chất. Vì cớ Chúa Giê-xu Christ, điều răn cũ “hãy yêu thương nhau” nhận lấy ý nghĩa mới.

“Hãy yêu thương nhau” được thúc đẩy từ động cơ muốn vâng lời Chúa chứ không phải là chỉ làm tròn trách nhiệm. Đây cũng không phải là một tình yêu theo xúc cảm hời hợt chóng qua mà là tất cả lý trí, ý chí và tình cảm được Chúa của Tình Yêu chi phối tư tưởng và hành động của chúng ta.

“Hãy yêu thương nhau” được chính Chúa Giê-xu thực hiện và là gương mẫu vĩ đại nhất của điều răn này. Ngài đã minh hoạ tình yêu thương bằng chính cuộc đời trên đất của Ngài.

“Hãy yêu thương nhau” được minh chứng qua nếp sống thực tế của Cơ Đốc nhân. “Kẻ nào nói mình ở trong sự sáng, mà ghét anh em mình, thì còn ở trong sự tối tăm.” (câu 9). Thật dễ dàng nói về tình yêu thương, nhưng thực hành thì rất khó. Người nào nói mình có tình yêu thương mà lại ghen ghét anh em mình, thì đó là nói dối. Mặt khác, tình yêu Cơ Đốc thì không yêu “mù quáng” nhưng lòng hận thù ghen ghét sẽ làm mù lòng nhiều người. Khi chúng ta có tình yêu chân thật, chúng ta thấy đời sống mình ngày càng tươi sáng hơn.

Hãy xem mình có đang thực hành tình yêu của Đức Chúa Trời trong đời sống hằng ngày không? Mẫu mực để đánh giá cho việc thực hành “hãy yêu thương nhau” đó chính là chúng ta có thấy mình trưởng thành hơn trong đời sống thuộc linh và sẽ trở nên ngày càng giống Đấng Christ hơn không?!

Cầu nguyện

Kính lạy Chúa yêu dấu! Con cảm ơn Ngài vì tình yêu vô điều kiện Chúa dành cho con. Xin làm mới lại điều răn yêu thương trong đời sống con. Xin giúp con áp dụng điều răn yêu thương này qua nếp sống mỗi ngày để có thể bày tỏ tình yêu với mọi người xung quanh như Chúa đã yêu con và hy sinh mọi sự vì con. Con cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu. Amen.

Grace Ngo

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa