I Cô-rinh-tô | Nghiêm Khắc Với Bản Thân
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | Ô-sê | Lu-ca | I Cô-rinh-tô | I Giăng |
Lời ngỏ
Theo tiêu chuẩn chạy Marathon là phải chạy với cự ly 42km. Vận động viên chạy không cần phải cố gắng chạy nhanh hết tốc lực khi xuất phát mà phải biết chia đều và duy trì sức lực dẻo dai cho cả quãng đường dài này. Những vận động viên muốn đăng ký tham gia chạy phải lên kế hoạch tập luyện cực nhọc suốt nhiều năm tháng trước đó. Trong đó vận động viên phải biết tự kỷ luật nhiều điều trong quá trình tập và chạy. Chẳng hạn như thức ăn, nước uống tinh lọc; quần áo, trang phục giày dép phải dẻo, nhẹ bền. Đặc biệt là chú tâm nhiều đến mục tiêu phía trước là chạy đến đích.
Thư tín I Cô-rinh-tô nhất 9:24-27 đã bày tỏ điều này với hình ảnh về cuộc chạy marathon thuộc linh. Nhất là những chuyến hành trình truyền giáo. Chúng ta cùng nhau nghe tâm tình chức vụ của sứ đồ Phao-lô.
24 Anh em há chẳng biết rằng rằng trong cuộc chạy thi nơi trường đua, hết thảy đều chạy, nhưng chỉ một người được thưởng sao? Vậy, anh em hãy chạy cách nào cho được thưởng.
25 Hết thảy những người đua tranh, tự mình chịu lấy mọi sự kiêng kỵ, họ chịu vậy để được mão triều thiên hay hư nát. Nhưng chúng ta chịu vậy để được mão triều thiên không hay hư nát.
26 Vậy thì, tôi chạy, chẳng phải là chạy bá vơ; tôi đánh, chẳng phải là đánh gió;
27 song tôi đãi thân thể mình cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng.
Giải thích
Thông thường trong cuộc sống người ta thường tỏ ra nghiêm khắc với mọi người xung quanh nhưng lại rất thoải mái với bản thân mình. Người ta thường tỏ ra nghiêm khắc với người khác để muốn khẳng định địa vị cao trọng và thẩm quyền của mình trên người khác, nhưng đối với bản thân mình thì lại rất thoải mái và tự do. Sau một chặng đường vất vả nào đó kết thúc thì người ta hay “tự thưởng” cho mình bằng những điều mình ưa thích nhất. Có thể đó là món ăn thật ngon, hay những chuyến du lịch hưởng thụ cuộc sống.
Tuy nhiên, nguyên tắc ấy dường như chưa đúng lắm đối với môi trường Hội Thánh và Lời Chúa. Ngược lại, chúng ta cần ôn hoà, hoà nhã với mọi người; ở bậc lãnh đạo càng cao thì càng phải hạ mình, khiêm nhường nhiều hơn. Qua đó khiến cho mọi người có cảm tình với danh Chúa và Hội Thánh Chúa. Còn đối với bản thân thì cần phải tiết độ trong mọi sự, đừng để bản thân quá thoải mái mà làm cớ cho ma quỷ lợi dụng cám dỗ. Bởi vì nhiều tôi con Chúa trong Kinh Thánh và Hội Thánh đã vấp ngã trong những thời gian “tự do” mà vô tình phạm tội. Rồi từ sự vô tình phạm tội nhẹ ấy có thể bị bại lộ mà tìm cách ém nhẹm; nhưng càng giấu thì càng cố tình phạm tội nặng hơn.
Hơn ai hết, sứ đồ Phao-lô đã học được bài học lịch sử từ người đi trước nên ông đã quyết tâm thay đổi sang nguyên tắc thuộc linh theo ý Chúa để có thể hầu việc Chúa một cách lâu dài và có ích lợi nhiều cho Hội Thánh Chúa. Ông đã học nguyên tắc này không chỉ bằng thông tin tri thức của lịch sử và kiến thức thường thức, mà học bằng chính kinh nghiệm mồ hôi, xương máu trong những chuyến hành trình truyền giáo.
Thật vậy, trong từng bước đi và từng chặng đường sứ đồ Phao-lô được cơ hội hầu việc Chúa bằng sự kêu gọi cá nhân đến việc đồng hiệp lực với các đầy tớ Chúa có giàu kinh nghiệm hơn. Ông cũng chịu sự thay đổi từ việc tỏ ra khắt khe với những người phụ tá như Giăng Mác, đến người đồng hiệp lực như Ba-na-ba trong thời kỳ đầu chức vụ truyền giáo. Thậm chí trong thời kỳ đầu tại Hội Thánh An-ti-ốt ông cũng khắc khe và bắt lỗi với cả sứ đồ Phi-e-rơ về việc ăn uống. Những điều ông bắt lỗi ấy không phải là sai; nhưng những điều ấy đã ngăn trở trong sự hiệp một về thuộc linh của Hội Thánh Chúa. Sau này từng bước ông đã khắc phục và thừa nhận sai lầm đáng tiếc ấy.
Ngược lại, sứ đồ Phao-lô trong lúc đầu còn là một thanh niên trẻ, một nhà truyền giáo trẻ đã thường tỏ ra rất tự hào về truyền thống của gia phổ thuần chủng cùng với việc học hành cao với giáo sư nổi tiếng. Trong thời kỳ đó ông rất thoải mái và tự do với bản thân mình đến mức tự cao khiến cho nhiều người không có cảm tình càng thêm ghen ghét và lập mưu ám hại. Thế rồi, chính sứ đồ Phao-lô ấy đã được Chúa huấn luyện vào tù ra khám, chịu nhiều hoạn nạn vì rao giảng Tin Lành. Qua đó ông càng ngày càng thêm khiêm nhường. Ông đã khẳng định Chúa Giê-xu là trên hết, còn mọi sự mà ông từng tự hào đều giống như rơm rác. Đặc biệt, càng về sau thì ông càng tỏ ra nghiêm khắc với bản thân mình hơn. Có thể vì ông đã chứng kiến quá nhiều tôi con Chúa cùng thời đã vấp ngã ngay tại đỉnh cao của danh vọng, quyền lợi và sắc dục. Đó cũng chính là điều ngày nay nhiều bậc lãnh đạo cao cấp, những đại gia giàu sang, những người từng có danh cao tiếng tốt, bằng cấp ưu tú đã vấp phải. Bởi vì ngay sau đỉnh vinh quang và danh vọng chói loà của cuộc đời thường bị tuột dốc đổ dài với tủi nhục và tai tiếng.
Cầu nguyện
Kính lạy Cha yêu dấu! Tạ ơn Chúa vì đã cứu rỗi chúng con và cho chúng con cơ hội hầu việc Chúa cách bình thường giữa Hội Thánh và hầu việc Chúa trọn thời gian giữa cộng đồng người Việt trên thế giới này. Tạ ơn Ngài đã dạy dỗ chúng con để chúng con biết được những điều cần phải nghiêm khắc và điều nào cần phải ôn hoà để giải quyết. Chúng con cầu nguyện xin Chúa cho chúng con hầu việc Chúa trong thời kỳ đầu như thế nào thì cứ trung tín với Chúa cho đến cuối cùng. Trong quá trình đó xin Chúa luyện lọc chúng con để hữu ích cho nhà Chúa hơn. Cảm tạ Chúa! Trong danh Chúa Giê-xu. Amen.
Thiên Gia Vĩnh
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét