Sáng Thế Ký | Câu Chuyện Về Anh Em Song Sinh
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | Ô-sê | Lu-ca | I Cô-rinh-tô | I Giăng |
Lời ngỏ
Kính chúc quý anh chị em yêu dấu trong Chúa một tuần lễ mới, một tháng mới bình an phước hạnh!
Con cái là phước hạnh và là cơ nghiệp mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta. Việc nuôi dạy và trưởng dưỡng con cái là một thiên chức Chúa giao cho các bậc cha mẹ, và đây là một trọng trách không hề nhẹ nhàng. Bởi vì mỗi một người con đều có nhiều sự khác biệt về tính cách, sở thích, nhu cầu cuộc sống… nên để dung hòa giữa các con là việc không dễ dàng, mặc dù cùng được sinh ra và lớn lên trong một gia đình, thậm chí là anh em sinh đôi đi chăng nữa thì mỗi đứa con đều có một tâm tính và có những tố chất khác nhau. Sáng Thế Ký 25:27-34 ghi lại CÂU CHUYỆN VỀ ANH EM SONG SINH, đây là cặp song sinh duy nhất được đề cập đến trong Kinh Thánh.
27 Khi hai đứa trai nầy lớn lên, thì Ê-sau trở nên một thợ săn giỏi, thường giong ruổi nơi đồng ruộng; còn Gia-cốp là người hiền lành cứ ở lại trại.
28 Y-sác yêu Ê-sau, vì người có tánh ưa ăn thịt rừng; nhưng Rê-bê-ca lại yêu Gia-cốp.
29 Một ngày kia, Gia-cốp đương nấu canh, Ê-sau ở ngoài đồng về lấy làm mệt mỏi lắm;
30 liền nói cùng Gia-cốp rằng: Em hãy cho anh ăn canh gì đỏ đó với, vì anh mệt mỏi lắm. Bởi cớ ấy, người ta gọi Ê-sau là Ê-đôm.
31 Gia-cốp đáp rằng: Nay anh hãy bán quyền trưởng nam cho tôi đi.
32 Ê-sau đáp rằng: Nầy, anh gần thác, quyền trưởng nam để cho anh dùng làm chi?
33 Gia-cốp đáp lại rằng: Anh hãy thề trước đi. Người bèn thề; vậy, người bán quyền trưởng nam cho Gia-cốp.
34 Rồi, Gia-cốp cho Ê-sau ăn bánh và canh phạn đậu; ăn uống xong, người bèn đứng dậy đi. Vậy, Ê-sau khinh quyền trưởng nam là thế.
Giải thích
Kinh Thánh cho biết, cặp anh em song sinh cùng nhau lớn lên. Ê-sau được giới thiệu là “một thợ săn giỏi”. Ông thường rong ruổi ngoài đồng hơn là ở nhà quanh các lều trại. Có lẽ vì thế nên Ê-sau ít có thời gian gần gũi với cha mẹ và em mình. Nếu nói theo cách hiện đại thì Ê-sau đúng chuẩn là một nam nhi mạnh mẽ, có sức khỏe và nhanh nhẹn. Còn Gia-cốp là một người hiền lành. Chữ “hiền lành” ở đây hàm ý là yên lặng, trầm tính, sống nội tâm, trái ngược với tính hướng ngoại và hiếu động của Ê-sau. Gia-cốp cứ ở nơi lều trại, được gần gũi với cha mẹ hơn.
Thế rồi, với sự khác biệt này, ông Y-sác yêu Ê-sau chỉ vì thích ăn thịt rừng, còn bà Rê-bê-ca lại yêu Gia-cốp vì gần gũi, thường hay giúp đỡ bà trong việc nhà. Tình yêu không đồng đều đó đã ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của hai người con. Đây là khởi đầu của sự rối rắm trong gia đình, sự thương yêu thiên vị như thế khiến hai người con thay vì yêu thương nhau thì lại trở thành kẻ thù của nhau.
“Một ngày kia, Gia-cốp đương nấu canh, Ê-sau ở ngoài đồng về lấy làm mệt mỏi lắm.” (câu 29). Giờ đây chúng ta đến điểm mấu chốt quan trọng đầu tiên trong cuộc đời của hai anh em này. Ê-sau nói cùng Gia-cốp rằng: “Em hãy cho anh ăn canh gì đỏ đó với,” rồi ông giải thích lý do muốn ăn đó là “vì anh mệt mỏi lắm” nghĩa là vừa mệt, vừa đói lắm. Đến đây thì Gia-cốp nắm lấy cơ hội “nay anh hãy bán quyền trưởng nam cho tôi đi”. Gia-cốp muốn đánh đổi với Ê-sau điều mà ông vẫn luôn trông mong, mơ ước bấy lâu nay. Đối với Gia-cốp đó là điều quý giá nhất. Lúc nào ông cũng mong ước có thật nhiều phước. Thời đó, con trưởng nam có nhiều đặc quyền, không những sẽ được chia gia sản bằng gấp hai so với các con thứ mà đồng thời sẽ là trưởng tộc trong tương lai, và là người trực tiếp nhận lời phán hứa của Chúa.
Nhu cầu của Ê-sau hiện tại chỉ là muốn được thỏa mãn cơn đói, nên anh thổi phồng cơn đói và mệt của mình bằng cách nói: “Nầy, anh gần thác, quyền trưởng nam để cho anh dùng làm chi?” Ê-sau lý luận rằng mình đói sắp chết đến nơi rồi thì quyền trưởng nam có ích gì nữa. Nghĩa là Ê-sau sẵn sàng đánh đổi quyền trưởng nam cho Gia-cốp chỉ vì miếng ăn lúc đói.
Đến đây thì Gia-cốp đòi hỏi: “Anh hãy thề trước đi. Người bèn thề; vậy, người bán quyền trưởng nam cho Gia-cốp.” Việc thề hứa là sự xác quyết việc mua bán này là hợp pháp. Chỉ vì tô canh lúc đói mà Ê-sau đã thề bán quyền trưởng nam cho Gia-cốp. Có lẽ sự mệt mỏi và cơn đói là nhu cầu cấp thiết đối với ông. Tuy nhiên, lý do sâu xa của việc Ê-sau bán quyền trưởng nam chính là sự thiếu nhận thức giá trị thuộc linh và tinh thần của quyền trưởng nam bên cạnh quyền lợi vật chất. Kinh Thánh cho biết Ê-sau ăn uống xong, bèn đi. Điều này chứng tỏ ông rất coi thường quyền trưởng nam của mình và ông chỉ sống với cái trước mắt mà không nghĩ đến chuyện lâu dài và cũng bất kể hậu quả ra sao.
Sự chọn lựa của Ê-sau đại diện cho lối sống của nhiều người, đôi lúc chỉ vì muốn no bụng mà sẵn lòng làm chuyện dại dột. Những thứ tạm thời không có mấy giá trị vẫn thường lấn áp những thứ lâu dài có giá trị trường tồn, đó cũng là cái bẫy nguy hiểm cho con dân Chúa trong thế giới hiện đại này.
Ngày nay, nhiều người vì cái lợi nhất thời, trước mắt mà từ bỏ niềm hy vọng về phước hạnh vĩnh cửu. Sự thỏa mãn nhất thời dẫn đến sự đau khổ lâu dài. Bài học này nhắc nhở cho mỗi chúng ta là con cái Chúa chúng ta cần đáp ứng những nhu cầu thực tế của đời sống, nhưng cũng cần thực hiện bằng những phương cách hợp pháp và đúng với Lời Chúa. Chúng ta không được xem thường những đặc ân Chúa ban cho và cần củng cố kỷ luật thuộc linh của mình để không có những quyết định sai lầm khi đứng trước sự cám dỗ và cạm bẫy của ma quỷ cũng như cần gìn giữ và sử dụng những đặc ân Chúa ban vào công việc Chúa để trở nên những đồ dùng hữu ích trong tay Ngài.
Cầu nguyện
Kính lạy Cha yêu dấu! Cảm ơn Chúa đã cho con thấy đâu là giá trị vĩnh cửu, đâu là những điều tạm thời và chóng qua. Xin giúp con quyết tâm theo đuổi những giá trị vĩnh cửu chứ không vì những lợi lộc trước mắt mà đánh mất đi quyền làm con cái của Chúa và những phước hạnh dư dật Chúa đang dành cho con. Con cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu. Amen.
Grace Ngo
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét