Sáng Thế Ký | Từ Bỏ Quyền Lợi Của Mình
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | Ô-sê | Lu-ca | I Cô-rinh-tô | I Giăng |
Lời ngỏ
Chúc quý anh chị em một ngày mới bình an và phước hạnh!
Nước là một chất thông thường và phổ biến nhất ở trên đất này. Bảy mươi phần trăm bề mặt của địa cầu đều là nước và 97% nước được chứa ở trong các đại dương. Tuy nhiên, đất nước Do Thái nằm trong vùng đất chủ yếu là sa mạc nên rất ít nguồn nước, chúng ta thấy nhiều chỗ trong Kinh Thánh đã ghi lại những câu chuyện mà ở đó những cái giếng là nơi xảy ra tranh chấp, tranh đấu và thậm chí là giết nhau để giành được nguồn nước này. Bởi vì nước rất quan trọng và không thể thiếu trong cuộc sống. Nếu không có thức ăn con người có thể sống sót tối đa đến hai tháng nhưng nếu không có nước thì sự sống chỉ có thể kéo dài nhiều nhất là khoảng một tuần. Chúng ta cùng đọc Sáng Thế 26:20-33 trong giờ tĩnh nguyện hôm nay để học biết về cách từ bỏ những ích lợi của mình để có được mối giao hảo với người xung quanh.
20 Nhưng bọn chăn chiên Ghê-ra tranh giành cùng bọn chăn chiên của Y-sác, mà rằng: Nước đó của chúng ta; nên người đặt tên giếng nầy là Ê-sết. Vì bọn chăn chiên đó có tranh giành cùng mình.
21 Kế ấy, các đầy tớ đào một giếng khác, thì bị tranh giành nhau nữa; người đặt tên giếng nầy là Sít-na.
22 Đoạn, người bỏ chỗ đó đi đào một giếng khác; về giếng nầy, họ không tranh giành nhau, nên người đặt tên là Rê-hô-bốt, mà rằng: Bây giờ Đức Giê-hô-va đã để cho chúng ta được ở rộng rãi, và ta sẽ đặng thịnh vượng trong xứ.
23 Y-sác ở đó đi, dời lên Bê-e-Sê-ba.
24 Đêm đó Đức Giê-hô-va hiện đến cùng người và phán rằng: Ta là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, cha ngươi; chớ sợ chi, ta ở cùng ngươi, sẽ ban phước cho và thêm dòng dõi ngươi, vì cớ Áp-ra-ham là tôi tớ ta.
25 Y-sác lập một bàn thờ, cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va và đóng trại tại đó. Đoạn, các đầy tớ người đào một cái giếng tại nơi ấy.
26 Vua A-bi-mê-léc ở Ghê-ra đi đến viếng Y-sác, có A-hu-sát, bạn mình, và Phi-côn, quan tổng binh mình, đi theo.
27 Y-sác bèn hỏi rằng: Các người ghét tôi, đã đuổi tôi ra khỏi nơi mình, sao còn đi đến tôi mà chi?
28 Chúng đáp rằng: Chúng tôi đã thấy rõ ràng Đức Giê-hô-va phù hộ người, nên nói với nhau rằng: Phải có một lời thề giữa chúng tôi và người, để chúng ta kết giao ước với người.
29 Hãy thề rằng: Người chẳng bao giờ làm hại chúng tôi, như chúng tôi đã không động đến người, chỉ hậu đãi người và cho đi bình yên. Bây giờ người được Đức Giê-hô-va ban phước cho.
30 Y-sác bày một bữa tiệc, các người đồng ăn uống.
31 Qua ngày sau, chúng dậy sớm, lập lời thề với nhau. Rồi, Y-sác đưa các người đó đi về bình yên.
32 Cùng trong ngày đó, các đầy tớ của Y-sác đến đem tin cho người hay về giếng họ đã đào, rằng: Chúng tôi đã thấy có nước.
33 Người bèn đặt tên cái giếng đó là Si-ba. Vì cớ đó, nên tên thành ấy là Bê-e-Sê-ba cho đến ngày nay.
Giải thích
Giếng hay mạch nước là biểu tượng của sự sống và ơn phước từ Đức Chúa Trời dành cho con dân Ngài. Y-sác đã được Đức Chúa Trời ban phước, và ông càng thịnh vượng do khai thác những giếng nước này. Bởi thế nên các dân xung quanh tranh chấp những giếng nước của ông. Khi bị tranh giành, Y-sác không muốn xung đột, ông dời đi nơi khác và khơi lại các giếng của Áp-ra-ham đã bị lấp cũng như đào thêm giếng mới. Khi sự tranh giành tiếp diễn, ông lại dời đi nơi khác. Câu chuyện cho thấy rằng vấn đề không nằm ở chỗ thiếu nước cho các bầy gia súc, mà là sự ganh tị của các dân xung quanh khi thấy Đức Chúa Trời ban phước cho Y-sác. Tại Bê-e-sê-ba, Đức Chúa Trời đã hiện ra và xác quyết với ông về lời hứa của Ngài với Áp-ra-ham. Để bày tỏ tấm lòng với Đức Chúa Trời “Y-sác lập một bàn thờ, cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va và đóng trại tại đó. Đoạn, các đầy tớ người đào một cái giếng tại nơi ấy” (câu 25). Đối với ông, sự thờ phượng, nơi cư trú và nước là ba điều thiết yếu trong cuộc đời của ông.
Sự ban phước và phù hộ của Đức Chúa Trời đối với Y-sác quá rõ ràng, cho nên, A-bi-mê-léc và quần thần người Phi-li-tin của ông ta trước giờ vẫn tìm dịp quấy phá Y-sác vì sự ganh ghét, nay phải tìm đến gặp ông để thiết lập một hoà ước.
Câu hỏi của Y-sác là một câu hỏi khó: “Các người ghét tôi, đã đuổi tôi ra khỏi nơi mình, sao còn đi đến tôi mà chi?” (câu 27). Câu hỏi ấy khiến người Phi-li-tin phải ngượng ngùng trả lời: “Chúng tôi đã thấy rõ ràng Đức Giê-hô-va phù hộ người, nên nói với nhau rằng: Phải có một lời thề giữa chúng tôi và người, để chúng ta kết giao ước với người.” (câu 28). Họ xác nhận rằng chính Đức Chúa Trời đã che chở và ban phước cho ông. Y-sác đã nồng hậu tiếp đón và mời họ dùng bữa. Hôm sau họ rời nơi ông đóng trại trong sự hòa bình. Y-sác đã thành công trong việc xây dựng tình thân hữu với những người láng giềng. Ông thật sự đã thể hiện đức tính của một người hòa giải: mềm mại, cởi mở, thân thiện và luôn tránh xung đột. Thật ra, Y-sác có quyền chống trả để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, nhưng ông đã không làm thế vì muốn gìn giữ sự hòa bình. Cuối cùng ông được tôn vinh và được Đức Chúa Trời ban phước.
Đây là một thách thức trong đời sống của Cơ Đốc nhân. Chúng ta có bằng lòng từ bỏ quyền lợi của mình như địa vị và của cải để gìn giữ mối quan hệ hòa thuận hay không?
Cầu nguyện
Kính lạy Chúa! Xin dạy con sống đẹp lòng Ngài và không để ý đến những quyền lợi hay những ham muốn ích kỷ gây ra những xung đột không cần thiết trong đời sống. Cầu xin Đức Chúa Trời ban sự khôn ngoan để con biết cách sống hòa thuận với mọi người xung quanh, thậm chí là chấp nhận từ bỏ những quyền lợi của mình để có được mối giao hảo với mọi người. Con cảm tạ Chúa và cầu nguyện nhân danh Chúa Giê-xu. Amen.
Grace Ngo
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét