Lu-ca | Kẻ Giả Hình
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | Ô-sê | Lu-ca | I Cô-rinh-tô | I Giăng |
Lời ngỏ
Thân chào quý anh chị em yêu dấu trong tình yêu của Chúa Cứu Thế Jesus!
Trong câu chuyện ngụ ngôn Cô Bé Quàng Khăn Đỏ, đoạn cô bé đến nhà bà, thấy bà đắp chăn nằm trên giường, sau khi nhìn bà cô bé liền hỏi: “Bà ơi! sao mắt, sao mũi bà to thế kia? …” Sau đó cô bé phát hiện ra ngay những bất thường trên khuôn mặt bà. Dù là câu chuyện ngụ ngôn nhưng chi tiết này nhắc chúng ta đến mối liên hệ thân thiết giữa cô bé với bà của mình khiến cô dễ dàng nhận ra sự thay đổi nơi bà. Trong mối liên hệ với anh chị em cùng niềm tin, bạn có bao giờ quan tâm đến sự thay đổi của họ khi chúng ta tiếp xúc không? Nếu sự thay đổi bắt nguồn từ bên trong bởi quyền năng tái tạo của Chúa Thánh Linh thì sẽ biểu hiện như thế nào? Hoặc nếu chỉ là sự thay đổi hành vi bên ngoài, chúng ta sẽ nhận biết làm sao? Bài học suy ngẫm trong phân đoạn Kinh Thánh Lu-ca 11:37-41 hôm nay sẽ giúp chúng ta nhìn nhận con người thật của chính mình.
37 Đức Chúa Jêsus đương phán, có một người Pha-ri-si mời Ngài về nhà dùng bữa. Ngài vào ngồi bàn.
38 Người Pha-ri-si thấy Ngài không rửa trước bữa ăn, thì lấy làm lạ.
39 Nhưng Chúa phán rằng: Hỡi các ngươi là người Pha-ri-si, các ngươi rửa sạch bề ngoài chén và mâm, song bề trong đầy sự trộm cướp và điều dữ.
40 Hỡi kẻ dại dột! Đấng đã làm nên bề ngoài, há không làm nên bề trong nữa sao?
41 Thà các ngươi lấy của mình có mà bố thí, thì mọi điều sẽ sạch cho các ngươi.
Giải thích
Người Pha-ri-si mời Chúa Jesus về dùng bữa có lẽ là người đã nghe Ngài quở trách: “dòng dõi này là dòng dõi độc ác …”, mặc dù nghe được lời quở trách nhưng không biết ông ta đã mời Chúa Jesus dùng bữa với động cơ gì, nhưng rõ ràng ông đang quan sát Chúa Jesus nên thấy Ngài không rửa tay trước khi ăn. Là một người Do Thái, chắc hẳn Chúa Jesus hiểu rất rõ luật lệ của họ. Chúng ta không thể biết Chúa Jesus không quan tâm việc này hay vì Ngài có suy nghĩ khác trong việc không thực hiện theo các lễ nghi của người Pha-ri-si. Dù thế nào, đây cũng là lạc điểm để Chúa Jesus phơi bày bản chất của sự việc.
Việc rửa tay này không phải vì vấn đề sức khoẻ, mà nó như một biểu tượng tẩy uế: “sạch theo nghi lễ”. Họ tin rằng, nếu họ dùng tay “chưa tinh sạch để ăn” thì thức ăn của họ vì đó sẽ trở nên ô uế. Bên cạnh đó họ còn rửa cả chén, mâm, bình bằng đất, bình bằng đồng… Một lý do khác nữa, là hằng ngày khi ra vào phố chợ đông đúc, nếu có vô ý va chạm với người ngoại bang thì nghi thức tắm rửa trước khi ăn giúp họ tẩy uế. Người Pha-ri-si thực hiện nghi thức truyền thống tôn giáo này với mục đích phô trương bản thân. Không chỉ vậy, họ còn truyền cho người khác phải thực hiện, mà việc này ban đầu chỉ được dành cho thầy tế lễ.
Vấn nạn mà Chúa Jesus đang muốn cho họ nhận ra chính là sự bất nhất trong hành động và tư tưởng của họ. Chúa Jesus gọi họ là những kẻ ngu dại (câu 40) bởi họ nghĩ những điều họ đã làm là để những lời truyền khẩu của người xưa trở nên ngang bằng với các điều răn của Đức Chúa Trời được viết trong Cựu Ước. Những truyền thống của người xưa chỉ là sự dạy dỗ của con người, không phải của Đức Chúa Trời. Có nhiều điều trong những truyền thống này đi ngược lại với điều răn của Đức Chúa Trời. Nếu họ thật lòng yêu mến Đức Chúa Trời thì không cần phải phô trương những việc đó. Họ nghĩ Chúa Jesus không biết được tư tưởng của họ, ngoài Chúa Jesus ra, không ai dám nói thẳng, nói thật với họ những điều bất nhất như thế trong câu 42-44: “Nhưng khốn cho các ông là người Pha-ri-si, vì các ông dâng phần mười bạc hà, rau cần, và mọi thứ rau cỏ, mà bỏ qua công lý và lòng yêu kính Đức Chúa Trời. Các ông cần phải làm các điều này, nhưng đừng bỏ các điều kia. Khốn cho các ông, người Pha-ri-si, vì các ông thích ngồi ghế danh dự trong hội đường và ưa được chào hỏi giữa phố phường. Khốn cho các ông vì các ông giống như mồ hoang không còn tàn tích, người ta đạp lên mà không biết!” (BDM).
Khi đọc phân đoạn Kinh Thánh này, có khi nào quý anh chị em dừng lại và suy nghĩ: “Có cái bóng của tôi trong những người Pha-ri-si kia không?” Để được ghi tên hàng đầu trong danh sách dâng hiến của Hội Thánh, là chủ doanh nghiệp, chúng ta sẵn sàng cắt giảm quyền lợi của người lao động để có một số dư dâng vào quỹ Hội Thánh mà không ảnh hưởng gì đến lợi nhuận của doanh nghiệp hay không? Hay dù là thành viên của ban chăm sóc, nhưng không tiếc lời chỉ trích, vạch lá tìm sâu những thiếu sót của ban chấp sự Hội Thánh và cả Mục sư quản nhiệm không? Còn vô số điều mà nhiều lúc chúng ta không nhận ra mình đã từng làm với anh em mình gây tổn thương, vấp phạm cho họ. Cái tôi trong mỗi con người rất lớn, nếu chúng ta không thành thật với chính mình, với Chúa, sẽ là cơ hội cho ma quỷ dẫn chúng ta vào lối sống giả hình. Không ai hiểu biết chúng ta bằng Chúa Jesus, hãy để Ngài hướng dẫn cuộc đời chúng ta, dâng cái tôi của mình để Chúa làm chủ, để Ngài ban giải pháp cứu chúng ta khỏi lối sống giả hình.
Cầu nguyện
Kính lạy Chúa Jesus yêu quý, con biết Ngài yêu thương con đã chịu chết trên thập tự giá để cứu con khỏi án phạt của tội lỗi mà Đức Chúa Trời dành cho con người, ban cho con sự sống đời đời trong nước vinh hiển của Ngài. Nhưng trong khi còn bôn ba trong trần thế này, con vẫn thường bị sự yếu đuối của xác thịt điều khiển, khiến con đặt cái tôi của mình làm chủ, trở thành kẻ sống giả hình trước mặt anh em mình. Xin Chúa thương xót cứu con, ban Chúa Thánh Linh hằng ngự trị trong đời sống con, giúp con sống đắc thắng. Con cảm tạ Chúa và thành kính cầu nguyện trong danh Chúa Jesus. Amen.
Nguyên Ngọc
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét