I Giăng | Yêu Thương Là Ở Trong Chúa
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | Ô-sê | Lu-ca | I Cô-rinh-tô | I Giăng |
Lời ngỏ
Kính chúc quý anh chị em ngày cuối tuần tràn đầy tình yêu và ân điển Chúa!
Gần đây có một vài bức thư ghi nhận sự đau lòng của một số tôi tớ con cái Chúa về tình hình chung của Hội Thánh và xin cầu thay cho họ như sau: “… rất buồn khi thấy một số anh em chưa tin cậy hoàn toàn nơi Chúa. Hội Thánh có bề mặt phát triển nhưng bề trong thật đau lòng. Từ Bắc đến Nam, nhiều nơi con cái Chúa ghen ghét lẫn nhau, tôi tớ Chúa tố nhau, có nơi hành hung với nhau tại nhà thờ đến nỗi… xin cầu nguyện nhiều cho!”. Nhìn vào Hội Thánh, người thế gian có thể thấy sự hiện hữu của Đức Chúa Trời để tin Ngài thực hữu không? Chúng ta hãy cúi đầu nhìn nhận sự thật đau lòng này mà hạ mình ăn năn, tha thiết cầu xin Chúa đoái thương dân tộc Việt Nam và Hội Thánh Chúa, cầu xin Thánh Linh đưa những con cái Chúa đến kinh nghiệm đời sống thực sự “ở trong Chúa và có Chúa ở trong mình” với tình yêu thương như Chúa đã yêu theo như Lời Ngài dạy trong I Giăng 4:11-16.
11 Hỡi kẻ rất yêu dấu, nếu Đức Chúa Trời đã yêu chúng ta dường ấy, thì chúng ta cũng phải yêu nhau.
12 Chưa hề có ai thấy Đức Chúa Trời; nếu chúng ta yêu nhau, thì Đức Chúa Trời ở trong chúng ta, và sự yêu mến Ngài được trọn vẹn trong chúng ta.
13 Bởi điều nầy chúng ta biết mình ở trong Ngài và Ngài ở trong chúng ta, là Ngài đã ban Thánh Linh Ngài cho chúng ta.
14 Chúng ta lại đã thấy và làm chứng rằng Đức Chúa Cha đã sai Đức Chúa Con đặng làm Cứu Chúa thế gian.
15 Ví bằng có ai xưng Đức Chúa Jêsus là Con Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời ở trong người, và người ở trong Đức Chúa Trời.
16 Chúng ta đã biết và tin sự yêu thương của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Đức Chúa Trời tức là sự yêu thương, ai ở trong sự yêu thương, là ở trong Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời ở trong người ấy.
Giải thích
Tình yêu của Đức Chúa Trời là khuôn mẫu cho chúng ta noi theo và đây cũng là dấu hiệu cho thấy Chúa đang ngự trong chúng ta. Yêu thương nhau là một bằng chứng về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời ở trong chúng ta, và do đó mà người ta nhận biết sự thực hữu của Đức Chúa Trời. “Chẳng hề ai thấy Đức Chúa Trời” (Giăng 1:18) vì “không ai thấy mặt Đức Chúa Trời mà còn sống” (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:20). Phi-líp đã thưa với Chúa Giê-xu: “Xin chỉ Cha cho chúng tôi thì đủ rồi”. Đức Chúa Giê-xu đáp rằng: “Ai đã thấy ta tức là đã thấy Cha… Người há không tin rằng ta ở trong Cha và Cha ở trong ta hay sao?” (Giăng 14:8-10). Thấy Chúa Giê-xu là thấy Đức Chúa Cha vì Ngài ở trong Đức Chúa Cha và Đức Chúa Cha ở trong Ngài. Thấy tín hữu yêu nhau là thấy Đức Chúa Trời vì họ ở trong Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời ở trong họ. Đức Chúa Giê-xu giải thích thêm trong Giăng 13:35: “Nếu các ngươi yêu nhau thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đệ ta.”
Khi chúng ta yêu thương nhau thì sự yêu mến Ngài được trọn vẹn trong chúng ta. Điều này được Giăng nhắc đến bốn lần (I Giăng 2:5; 4:12, 17-18), mỗi lần cho thấy một khía cạnh khác nhau trong mối quan hệ giữa chúng ta với Chúa. Tình yêu của Đức Chúa Trời được trọn vẹn trong chúng ta khi chúng ta: 1. Vâng giữ Lời Chúa (I Giăng 2:5), 2. Yêu thương nhau (I Giăng 4:12) và 3. Không sợ hãi trong ngày đoán xét (I Giăng 4:17-18). Tác giả Kruse nói rằng: “Chu kỳ tình yêu của Đức Chúa Trời chỉ hoàn tất khi chúng ta yêu thương nhau.”
“Bởi điều nầy chúng ta biết mình ở trong Ngài và Ngài ở trong chúng ta, là Ngài đã ban Thánh Linh Ngài cho chúng ta.” (câu 13). Yêu thương là thể hiện bên ngoài của việc chúng ta có Chúa ngự trị trong lòng và Đức Thánh Linh là dấu hiệu bên trong về sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong đời sống người tin Chúa. Đức Thánh Linh chẳng những là bằng chứng về sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong chúng ta, mà Ngài cũng xác chứng về tình yêu của Đức Chúa Trời khi sai Chúa Giê-xu đến trần gian để cứu chuộc chúng ta.
Qua đây, sứ đồ Giăng nhấn mạnh đến sự kiện Đức Chúa Cha đã sai Đức Chúa Con đặng làm Cứu Chúa thế gian (câu 14). Đây là niềm tin chân chính về Chúa Giê-xu cũng như niềm tin về sự nhập thể hoàn toàn của Ngài (I Giăng 4:2). Chúa Giê-xu mang thân xác con người đến trần gian với mục đích cứu chuộc thế gian qua sự chết thay thế của Ngài trong thân xác con người. Đó là niềm tin về sự nhập thể và cứu rỗi của Chúa Giê-xu.
Vì vậy, xưng Đức Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời là niềm tin chân chính và căn bản. Cuối cùng sự đảm bảo của niềm tin đó là: Đức Chúa Trời ở trong người và người ở trong Đức Chúa Trời. Đây là lẽ thật mầu nhiệm về sự liên hiệp với Chúa: chúng ta có sự sống của Chúa và sự sống của chúng ta liên hiệp một cách nhiệm mầu với sự sống của Chúa như nhánh nho trong cây nho (Giăng 15:4-6). Sự sống Đức Chúa Trời ở trong chúng ta và chúng ta ở trong Đức Chúa Trời được nhắc đến nhiều lần trong lá thư này.
Cuối cùng, khi nói đến việc Đức Chúa Trời ở trong chúng ta sứ đồ Giăng kết luận trong câu 16: “Chúng ta đã biết và tin sự yêu thương của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Đức Chúa Trời tức là sự yêu thương, ai ở trong sự yêu thương, là ở trong Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời ở trong người ấy.”
Giữa một xã hội đầy ganh ghét và thù hận nhưng khi con dân Chúa yêu thương nhau, thế gian sẽ nhận thức quyền năng siêu nhiên của Thánh Linh hành động và biết về Đức Chúa Trời của chúng ta. Một cục đá ở trong dòng suối nước có thể là ví dụ về chúng ta ở trong Chúa, nhưng không thể là ví dụ về Chúa ở trong chúng ta. Chúng ta ở trong không khí và không khí ở trong chúng ta là ví dụ rõ hơn nhưng cũng chưa trọn vẹn. Có lẽ miếng bông gòn trong nước hay là miếng sắt trong lửa thì rõ ràng hơn về chân lý ta ở trong Chúa và Chúa ở trong ta. Chúa Giê-xu đã dùng ví dụ về gốc nho và nhánh mà Giăng trước thuật trong Phúc Âm Giăng 15:1-11. Giăng 15:5 chép rằng: “Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh, ai cứ ở trong ta và ta trong họ thì sinh ra lắm trái, vì ngoài ta các ngươi không làm chi được.” Ở trong Chúa và Chúa ở trong chúng ta như miếng sắt trong lửa và lửa ở trong sắt sẽ khiến chúng ta trở nên trong sạch, mềm mại để uốn nắn rèn luyện trở nên khí dụng hữu ích cho nhà Chúa.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, xin tha tội cho chúng con và xin cho lòng con được đầy dẫy tình yêu của Ngài và ở trong Ngài một cách trọn vẹn để con có thể yêu thương nhau một cách chân thành và tha thiết để đẹp lòng Chúa và làm vinh hiển danh Ngài giữa thế gian đầy hận thù và đau khổ này. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Giê-xu Christ. Amen.
Grace Ngo
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét