I Cô-rinh-tô | Niềm Vui Của Người Rao Giảng Tin Lành
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | Ô-sê | Lu-ca | I Cô-rinh-tô | I Giăng |
Lời ngỏ
Có một vị mục sư lão thành từng hầu việc Chúa tại Việt Nam và hải ngoại đã tâm tình về chức vụ với chúng tôi rằng: “Nếu người hầu việc Chúa rao giảng Tin Lành tại Việt nam thì cần có câu Kinh Thánh: “Ai rao giảng Tin lành thì được nuôi mình bởi Tin lành” (I Cô-rinh-tô 9:14b) làm nền tảng. Bởi vì trong môi trường đó các tôi tớ Chúa thường được trải nghiệm một cách diệu kỳ về sự chăm sóc của Chúa trong từng nhu cầu vật thực hằng ngày. Còn cho người hầu việc Chúa và rao truyền Tin Lành tại hải ngoại, nhất là các nước phát triển thì cần lấy câu Kinh Thánh: “Ấy là khi giảng Tin Lành, thì giảng nhưng không, chẳng dùng quyền tôi có như người giảng Tin Lành.” (I Cô-rinh-tô 9:18) làm nền tảng cho chức vụ. Bởi vì tôi tớ Chúa tại đây không bị áp lực về nhu cầu vật chất. Người hầu việc Chúa tự túc không bị áp lực bởi vật chất được sự tự do trong Thánh Linh để mạnh mẽ rao giảng đúng tinh thần Lời Chúa.”
Lời tâm tình ấy thật thấm thía nhưng đối với tôi thì dù hoàn cảnh thế nào đi nữa, dù hầu việc Chúa ở đâu đi nữa thì người nào được sự kêu gọi để trở nên người rao giảng Tin Lành, hay người tín hữu có thể làm chứng ơn phước Chúa thì cả hai đều có được niềm vui lớn. Lời Chúa hôm nay dành cho chúng ta trong thư tín I Cô-rinh-tô 9:15-18 đã bày tỏ về điều này.
15 Phần tôi thì chẳng từng dùng quyền ấy chút nào, và viết thơ nầy chẳng phải để đòi quyền ấy lại; vì tôi thà chết còn hơn là chịu ai cất lấy cớ khoe mình nầy đi.
16 Ví bằng tôi rao truyền Tin Lành, tôi chẳng có cớ khoe mình, vì có lẽ cần buộc tôi; còn không rao truyền Tin Lành, thì khốn khó cho tôi thay.
17 Nếu tôi vui lòng làm việc đó, thì được thưởng; lại nếu tôi không vui lòng mà làm, thì cái chức vụ cũng vẫn phó thác cho tôi.
18 Thế thì phần thưởng của tôi là gì? Ấy là khi giảng Tin Lành, thì giảng nhưng không, chẳng dùng quyền tôi có như người giảng Tin Lành.
Giải thích
Tác giả Phao-lô thổ lộ rằng người có sứ mạng rao giảng Tin Lành đáng được hưởng quyền lợi của người đảm trách sứ mạng này, đây là điều đương nhiên theo thông lệ đời này. Tuy nhiên, sứ giả của Đức Chúa Trời thường không được hưởng đầy đủ quyền lợi ấy trên đất. Ngược lại các đầy tớ Chúa thường bị nhiều lời trách móc và phê bình rằng “đã là người hầu việc Chúa, sâu nhiệm điều thiêng liêng mà sao còn đòi hỏi quyền lợi vật chất”. Vì thế mà trong cương vị là sứ giả thật của Chúa, là người chuyên tâm rao giảng Tin Lành như sứ đồ Phao-lô thì ông không đòi hỏi bất cứ điều gì về vật chất nơi con người, kể cả của người thân. Trong mọi sự thì chỉ nhờ cậy Chúa và kêu cầu Ngài cung cấp nhu cầu cần thiết. Bởi vì Chúa là Đấng biết rõ nhu cầu khi Ngài sai phái, nên Ngài nghe tiếng đầy tớ Chúa kêu cầu khi có nhu cầu.
Điều tiếp theo là khi nhận được sứ mạng rao truyền Tin Lành thì tôi tớ Chúa cần có thái độ thế nào là đúng đắn? Chúng ta biết công tác rao truyền Tin Lành là điều không phải ai muốn hay theo đuổi mà được. Công tác này cần phải được chính Đức Chúa Giê-xu Christ trực tiếp kêu gọi và sai phái. Tuỳ theo công việc mà Chúa có thể chọn người rao giảng chỉ một vài lần trong một vài nơi cho một vài người. Chẳng hạn như chấp sự Ê-tiên, chấp sự Phi-líp. Nhưng Chúa Giê-xu cũng có thể chọn người rao giảng Tin Lành cả cuộc đời người ấy cho nơi này nơi khác, cho người này người khác. Trong đó có Ba-na-ba, Phao-lô, A-bô-lô… Như vậy, nếu chúng ta được Chúa lựa chọn thì nên khiêm nhường và hạ mình hơn là khoe mình và tự cao. Bởi vì tiêu chuẩn Ngài chọn không phải do người đó có tài năng hơn, giỏi hơn, đạo đức hơn hay uyên bác hơn người khác; mà Chúa chọn theo ân điển Ngài và Ngài thấy tấm lòng của người đó đáp lại tiếng gọi của Ngài để thích ứng với môi trường, hoàn cảnh sẽ đến để rao truyền Tin Lành.
Nếu một người đã được Chúa Giê-xu tuyển chọn và kêu gọi, cho dù có tìm nhiều lý do để thoái thác hay trốn chạy thì đến lúc cũng sẽ chịu khuất phục để vâng theo tiếng gọi của Ngài, chẳng hạn như Môi-se. Nếu ai cố tình làm ngược lại ý Ngài, thì Chúa cũng có cách để hướng họ trở về, chẳng hạn như tiên tri Giô-na. Qua đó các tôi tớ Chúa sẽ thật sự nhận ra chương trình của Chúa vượt trên suy tưởng của mình. Một trong những người từng trải đầy đủ những điều ấy không ai xa lạ chính là Phao-lô. Sau này sứ đồ Phao-lô đã tỉnh ngộ ra việc Chúa Giê-xu đã chọn mình vào chức vụ không phải lần đầu gặp Ngài trên con đường đến thành Đa-mách; mà ông được chọn từ khi còn trong lòng mẹ mình.
Điều an ủi và cũng là phần thưởng đặc biệt dành cho tôi tớ Chúa, cho những người rao giảng Tin Lành là khi hoàn toàn vâng phục Chúa thì sứ điệp rao giảng thường rất mạnh mẽ, đầy ơn. Người ấy rao giảng cách tự do trong Thánh Linh khiến cho người nghe nảy sinh đức tin để được cứu rỗi. Khi họ bằng lòng xưng danh Chúa Giê-xu thì cũng được giải phóng tự do trong tâm linh khỏi sự ràng buộc của sự chết và sự phán xét.
Ao ước nhiều người chúng ta được Chúa Giê-xu chọn làm người rao giảng Tin Lành, hay là người làm chứng về ơn phước Chúa hầu tất cả đều hưởng niềm vui mừng trọn vẹn.
Cầu nguyện
Kính lạy Chúa yêu dấu! Tạ ơn Chúa đã chọn lựa và kêu gọi chúng con làm tôi con Chúa. Ngài cũng cho chúng con cơ hội rao giảng và làm chứng về Tin Lành cứu rỗi. Cầu xin Chúa cho chúng con làm công tác đó một cách thoả lòng. Chúng con biết phần thưởng của chúng con không phải là quyền lợi về vật chất, mà phần thưởng ấy là được tự do rao giảng Tin Lành một cách không bị ràng buộc. Qua đó đem lại niềm tin và đường dẫn đến sự ăn năn cho người được nghe đến. Nguyện xin Chúa gia ơn trên chúng con để trước hết tìm kiếm Nước Chúa và rao truyền sứ điệp cứu rỗi. Mọi nhu cầu cần thiết trong đời sống sinh hoạt thì chúng con tin rằng Ngài sẽ từng bước chu cấp cách vừa đủ. Con cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu. Amen.
Thiên Gia Vĩnh
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét