Châm Ngôn | Lời Dạy Cho Đứa Con Khôn Ngoan

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýChâm NgônÔ-sêLu-caI Cô-rinh-tôI Giăng

Lời ngỏ

Thưa quý anh chị em! Khi nói đến câu chuyện của gia đình ông Lót, nếu lúc ấy các con rể của ông nghe lời khuyên của ông và ra khỏi thành Sô-đôm trước khi lửa từ trời giáng xuống, thì có lẽ họ vẫn còn được sống! Còn về gia đình thầy tế lễ Hê-li, nếu hai con trai của ông nghe lời khuyến cáo của cha, chấm dứt cách ăn ở vô luân, ham hố, hung bạo, có lẽ dân Y-sơ-ra-ên đã không thất trận, hòm Giao Ước không mất về tay quân Phi-li-tin và hẳn ông vẫn còn được sống. Và nếu các con trai của Sa-mu-ên đi theo đường lối của cha họ, có lẽ thời đại Các Quan Xét không chấm dứt sớm như vậy và biết đâu họ sẽ được tiếp nối vai trò của cha mình… rất tiếc là luôn có những đứa con không vâng lời. Hôm nay chúng ta cùng đọc Châm Ngôn của Sa-lô-môn chương 13:1-8 dạy về điều này:

1 Con khôn ngoan nghe sự khuyên dạy của cha; Song kẻ nhạo báng không khứng nghe lời quở trách.
2 Nhờ bông trái của miệng mình, người hưởng lấy sự lành; Còn linh hồn kẻ gian ác sẽ ăn điều cường bạo.
3 Kẻ canh giữ miệng mình, giữ được mạng sống mình; Nhưng kẻ nào hở môi quá, bèn bị bại hoại.
4 Lòng kẻ biếng nhác mong ước, mà chẳng có chi hết; Còn lòng người siêng năng sẽ được no nê.
5 Người công bình ghét lời dối trá; Song kẻ hung ác đáng gớm ghê và bị hổ thẹn.
6 Sự công bình bảo hộ người ăn ở ngay thẳng; Nhưng sự gian ác đánh đổ kẻ phạm tội.
7 Có kẻ làm bộ giàu, mà chẳng có gì hết; Cũng có người làm bộ nghèo, lại có của cải nhiều.
8 Giá chuộc mạng sống loài người, ấy là của cải mình; Còn kẻ nghèo chẳng hề nghe lời hăm dọa.

Giải thích

“Con khôn ngoan nghe sự khuyên dạy của cha; Song kẻ nhạo báng không khứng nghe lời quở trách.” (câu 1). Nghe lời khuyên dạy mà nhất là của người sinh thành ra mình, hiểu biết điều tốt cho mình và mong muốn mình được nên người là điều khôn ngoan, nếu không muốn nói là thái độ khôn ngoan nhất của người làm con. Chỉ có kẻ dại, ở đây là kẻ nhạo báng, mới vứt bỏ, không chịu nghe lời quở trách, bởi đó chính là cơ hội khiến cuộc đời được thay đổi.

“Nhờ bông trái của miệng mình, người hưởng lấy sự lành; Còn linh hồn kẻ gian ác sẽ ăn điều cường bạo.” (câu 2). Câu này có ý nói rằng những lời lành một người nói ra sẽ đem đến cho họ nhiều phước hạnh, và ngược lại những người gian ác, ở đây là người bất trung với Chúa, khước từ sự khôn ngoan của Ngài sẽ gặt lại những tổn hại bởi những lời nói hay việc làm họ gây ra cho người khác.

“Kẻ canh giữ miệng mình, giữ được mạng sống mình; Nhưng kẻ nào hở môi quá, bèn bị bại hoại.” (câu 3). Chính vì hậu quả của lời nói nên chúng ta được khuyên canh giữ miệng mình, là thận trọng khi nói, uốn lưỡi bảy lần trước khi nói một lời mà có thể mình sẽ hối tiếc về sau. Nhất là những lời hại cho danh dự người khác, làm tổn thương đến họ, hoặc những lời gian dối, độc dữ, xảo quyệt, mà ngay ở trong đời này chúng ta sẽ nhận lấy hậu quả của nó trước con người – người ta có thể bị mất mạng vì lời nói của mình; và ở trong đời sau, hậu quả của lời nói trước Đức Chúa Trời có thể sẽ khiến chúng ta vĩnh viễn mất sự sống đời đời.

Những lời khuyên dạy được tiếp tục với từng cặp đôi song hành đối kháng của thể thơ Do Thái, như trong câu 4: “Lòng kẻ biếng nhác mong ước, mà chẳng có chi hết; Còn lòng người siêng năng sẽ được no nê.” Ai cũng có mơ ước, người lười biếng cũng có nhưng đã dừng lại ở đó, chỉ có những ai siêng năng thì mới được no nê.

“Người công bình ghét lời dối trá; Song kẻ hung ác đáng gớm ghê và bị xấu hổ thẹn. Sự công bình bảo hộ người ăn ở ngay thẳng; Nhưng sự gian ác đánh đổ kẻ phạm tội.” (câu 5-6). Hai câu 5 và 6 này thật ra chỉ là một câu, trong đó gồm có hai vế song hành, nói về người công bình và người gian ác. Người công bình không thích dối trá và sẽ được bảo vệ bởi sự công bình của họ. Ngược lại người gian ác là hạng người đáng ghê tởm và bị hổ thẹn, bởi chính sự gian ác của họ sẽ đánh đổi họ.

Câu Kinh Thánh kế tiếp có thể làm chúng ta thắc mắc: “Có kẻ làm bộ giàu, mà chẳng có gì hết; Cũng có người làm bộ nghèo, lại có của cải nhiều.” (câu 7). Tại đây, chúng ta thấy giá trị chân thật của sự giàu và nghèo không nằm ở bề ngoài mà chính là ở thực chất. Giàu và nghèo vật chất ở đời này có giá trị rất tương đối. Có khi chúng ta có rất ít nhưng biết san sẻ cho người bất hạnh thì chính là đang cho đi sự giàu có của mình. Chúng ta đang rất giàu, giàu thương xót, giàu nhân ái, và khi chia sẻ điều đó, Chúa trên trời đang mỉm cười vì Ngài rất vui lòng cách sống của chúng ta.

Cầu nguyện

Lạy Cha ái từ! Xin để những lời dạy này vào lòng chúng con như lời dạy của người cha khôn ngoan, yêu thương, muốn chúng con được phước và được sự sống. Xin giúp chúng con san sẻ mọi phước lành và sự giàu có ở trong Đấng Christ mà chúng con có được, là phước lành cứu rỗi Chúa đã ban cho nhưng không. Con cầu nguyện trong danh Đức Chúa Giê-xu Christ. Amen.

Ân Điển

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa