I Cô-rinh-tô | Ân Tứ & Tình Yêu Thương
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | Ô-sê | Lu-ca | I Cô-rinh-tô | I Giăng |
Lời ngỏ
Thưa quý anh chị em! Qua lời của Phao-lô trong thư I Cô-rinh-tô 12:8-10, chúng ta có cảm tưởng như Hội Thánh Cô-rinh-tô đã có tất cả các ân tứ như có lời nói khôn ngoan, tri thức, đức tin, ơn chữa bệnh, làm phép lạ, nói tiên tri, phân biệt các thần linh, nói tiếng lạ, thông dịch tiếng lạ. Thế nhưng dường như các phần khác nhau trong chi thể Đấng Christ lại tách rời nhau, không phối hợp một cách liền lạc với nhau để tạo nên lợi ích chung cho toàn thân. Có một ân tứ mà họ còn thiếu, chính ân tứ đó là con đường tuyệt diệu mà Phao-lô muốn chỉ cho họ. Hôm nay chúng ta sẽ cùng đọc với nhau I Cô-rinh-tô 13:1-3 để biết rõ hơn điều này.
1 Dù tôi nói được các thứ tiếng loài người và thiên sứ, nhưng không có tình yêu thương thì tôi chỉ như cồng chiêng kêu lên hay là chập chõa vang tiếng.
2 Dù tôi được ơn nói tiên tri và biết hết các sự mầu nhiệm cùng mọi tri thức; dù tôi có tất cả đức tin đến nỗi dời núi được, nhưng không có tình yêu thương thì tôi chẳng ra gì.
3 Dù tôi phân phát cả gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, lại bỏ thân mình để chịu đốt, nhưng không có tình yêu thương thì điều đó chẳng ích gì cho tôi.
Giải thích
Chúng ta có thể khát khao hiểu biết được nhiều ngôn ngữ để có thể đến với nhiều dân tộc, hiểu được nhiều nền văn hóa khác nhau. Hiểu được một ngôn ngữ loài người là một kỳ công và có ai có thể học được tiếng thiên sứ để có thể hiểu được thiên sứ? Nhưng nếu tôi có nói được tiếng thiên sứ đi chăng nữa mà không có tình yêu thương, tiếng nói của tôi sẽ như những âm thanh chói tai. Bạn có nghe tiếng hai dụng cụ bằng đồng chạm nhau chưa? Có lẽ nó tương tự như những lưỡi gươm sát phạt nhau đem lại chết chóc của những người đối thủ trong chiến trận thời ông Phao-lô. Bạn có thấy khó chịu không khi ban nhạc hòa tấu mà người ta nghe tiếng chập chõa trỗi hơn tiếng các nhạc cụ khác? Mọi ân tứ phải giống như những tiếng nhạc vang ra từ tất cả các nhạc cụ, để bản hòa tấu có thể đem lại sự hài hòa cho người nghe. Nói được nhiều thứ tiếng liệu có ích gì khi các thứ tiếng đó không đem lại sự hài hòa trong Hội Thánh? Nói tiếng thiên sứ để tương thông với Đức Chúa Trời mà mối quan hệ với anh chị em thì lỏng lẻo chẳng ra làm sao, liệu có nên tự hào về điều ấy hay không?
Tương tự như vậy với những ân tứ siêu nhiên như nói tiên tri, có thể bày tỏ được những điều thầm kín trong đời sống người khác như câu chuyện Đức Chúa Giê-xu với người đàn bà Sa-ma-ri hay những gì A-ga-bút bày tỏ cho Phao-lô; biết hết các sự mầu nhiệm cùng mọi tri thức như Phi-e-rơ biết A-na-nia và Sa-phi-ra đã nói dối Đức Thánh Linh (Công vụ. 5:3), biết thuật sĩ Si-môn đang “ở trong mật đắng và trong xiềng xích tội ác” (Công vụ. 8:23), hoặc có đức tin đến nỗi dời được núi khiến nhiều người phải thán phục và ngưỡng mộ. Nhưng chính tình yêu thương làm cho tôi có giá trị trước Chúa chứ không phải những thành công lớn lao của tôi.
Ngoài ra còn một số việc làm khác mà Phao-lô kể ra, như làm việc từ thiện và tử đạo. Cứu giúp người nghèo là một điểm đặc trưng của Hội Thánh ban đầu. Anh chị em trong Hội Thánh hiệp lại với nhau, lấy mọi vật làm của chung, một hình thức xã hội thật lý tưởng. Họ bán hết gia tài điền sản mình mà phân phát cho nhau, tùy sự cần dùng của từng người (Công vụ. 2:44-45), nhờ đó mà những thành phần nghèo khó, cô thế trong xã hội Do Thái khi xưa được sự trợ cấp mỗi ngày. Cơ Đốc giáo thuở ban đầu giống như một cuộc cách mạng đem đến sự biến cải trong đời sống xã hội, chinh phục được nhiều người nhờ vào sự hy sinh tài sản cho người nghèo của anh chị em tín hữu. Đáng tiếc thay, có khi những việc làm từ thiện ấy đã không xuất phát từ động cơ chân chính là tình yêu thương.
Chết vì Chúa, vì chính nghĩa của Ngài có thể được xem là cái chết cao quý và ý nghĩa nhất. Ê-tiên, thánh tử đạo đầu tiên bị ném đá vì giảng đạo cho dân sự. Gia-cơ bị chém đầu. Truyền thống giáo hội cho chúng ta biết Phi-e-rơ bị đóng 20 đinh ngược, Phao-lô bị chết chém. Và còn biết bao nhiêu gương tử đạo của các thánh đồ từ ngày xưa cho đến ngày nay. Chắc chắn khi bước vào cái chết ấy, không ai có thể dám nói rằng người tử đạo ấy có một động cơ nào khác ngoài chính Chúa. Có ích lợi gì nếu một người chết vì Chúa mà không có chính Ngài, bởi vì theo định nghĩa Đức Chúa Trời là tình yêu thương (I Giăng 4:16).
Những cách nói cường điệu trên của ông Phao-lô phản ánh một chân lý tuyệt vời: Nếu bạn sống mà không có tình yêu thương là bạn chưa thật sự có Chúa trong lòng. Và do đó những gì bạn làm đều trở nên vô nghĩa, kể cả tử đạo.
Cầu nguyện
Lạy Cha ái từ, là tình yêu thương và nguồn của tình yêu thương. Xin cho chúng con tình yêu của Ngài trước hết. Để khi có chính Ngài trong lòng, chúng con mới có thể yêu tha nhân như Chúa đã yêu. Con cầu nguyện trong danh Đức Chúa Giê-xu Christ. Amen.
Ân Điển
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét