Lu-ca | Danh Ngài Là Jesus
Tuần Lễ Giáng Sinh
Lời ngỏ
Kính thưa quý vị và các bạn! Triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam là nhà Nguyễn. Triều đình nhà Nguyễn bắt đầu do Nguyễn Ánh mang hiệu Gia Long lên ngôi năm 1802, lấy tên nước là Việt Nam. Vua Gia Long khi lên ngôi thì đặt hiệu Tôn Thất họ Nguyễn Phước cho tất cả các hệ. Đến triều vua Minh Mạng, năm 1823 ông đã sai người soạn ra bộ thơ “Đế Hệ Thi”.
“Huân nghiệp lớn do Tổ Tiên gầy dựng,
Gắng giữ gìn cho xứng ân sau.
Phồn vinh thịnh đạt dài lâu,
Anh tài hiền đức cùng nhau bảo toàn.
Đời đời nối nghiệp tiền nhân,
Nước nhà hưng vượng muôn phần phát huy.”
Thông điệp của bài thơ này là vua Minh Mạng muốn truyền bá cho dân chúng Việt Nam biết vương triều nhà Nguyễn của mình sẽ tiếp tục được truyền nối đến 20 đời trong thời gian khoảng 500 năm. Thế nhưng cuối cùng thì vương triều này cũng chỉ tồn tại đến đời thứ 5 là vua Bảo Đại, và chỉ kéo dài có 143 năm mà thôi (1802-1945). Điều đó cho thấy, vua chúa trong thế gian này mong muốn danh mình được lưu lại và triệu đại của mình trường tồn, nhưng đó chỉ là hư danh và ảo vọng. Lời Chúa cho chúng ta ngày hôm nay được chép trong Lu-ca 2:21 bày tỏ về việc Chúa đã đặt tên cho Đức Chúa Trời Ngôi Hai khi Ngài giáng sinh vào thế giới này với DANH NGÀI LÀ JESUS.
21 Đến ngày thứ tám, là ngày phải làm phép cắt bì cho con trẻ, thì họ đặt tên là Jêsus, là tên thiên sứ đã đặt cho, trước khi chịu cưu mang trong lòng mẹ.
Giải thích
Thiên sứ Gáp-ri-ên là thiên sứ trưởng về sứ giả truyền thông đã hiện đến cùng người nữ đồng trinh Ma-ri trong tình trạng đã được hứa gả cho Giô-sép. Thiên sứ báo tin là Ma-ri được mặc lấy hồng ân của Đức Chúa Trời là Đấng Rất Cao để mang thai trong lúc còn đồng trinh. Việc nàng mang thai trong lúc nàng còn đồng trinh, là thời gian nàng chưa hề ăn ở cùng người nam nào hay tác động liên quan đến xác thịt như thông thường của con người. Ấy là do quyền năng của Đức Thánh Linh hành động cách mầu nhiệm, chứ không phải bởi tình dục của xác thịt. Cho nên Ngài được xưng là Con Đức Chúa Trời (Lu-ca 1:35), và Ngài thật là Chúa, tức là Đức Chúa Trời.
Giô-sép là chồng hứa của Ma-ri đang ưu tư về việc trinh nữ Ma-ri là vợ hứa của mình đang có thai, vì thế chàng đang phân vân muốn từ hôn để khẳng định cái thai đó hoàn toàn không phải do sự “ăn cơm trước kẻng” hay “ăn ở vụng trộm trước khi chính thức thành hôn” với Mai-ri, mặc khác chàng cũng muốn cứu nàng Ma-ri khỏi tội gian dâm, vì có thai trước khi lập gia đình. Để giải tỏa triệt để vấn đề này thì thiên sứ Gáp-ri-ên đã hiện ra trong giấc chiêm bao để tái khẳng định về hài nhi trong lòng Ma-ri là bởi Đức Thánh Linh. Thiên sứ cũng dặn bảo rằng khi con trẻ được sinh ra thì phải đặt tên là “JESUS” (Ἰησοῦν) theo phiên âm tiếng Hy-lạp, và “JOSHUA” (יְהוֹשֻׁ֣עַ) theo phiên âm tiếng Hy-bá. Thiên sứ đã giải thích ý nghĩa tên ấy là “Đức Giê-hô-va là Đấng Cứu chuộc” hay “Ngài cứu dân sự mình khỏi tội lỗi” (Ma-thi-ơ 1:21). Theo nghĩa tiếng Hán Việt của chúng ta thì Danh của Ngài là “Đấng Cứu Thế”, “Đấng Cứu Tinh của nhân loại”.
Vâng theo lời dặn rất kỹ càng của thiên sứ Gáp-ri-ên đã truyền và theo sứ mạng từ Đức Chúa Trời sai phái, Giô-sép và Ma-ri đã chính thức bước vào hôn nhân. Thế nhưng họ đã giữ khoảng cách trong cách ăn nếp ở để giữ sự tinh sạch, thánh khiết cho đến sau khi sinh Hài nhi Giê-xu. Ngài là con đầu lòng của Ma-ri. Nhưng khi sinh thì không phải tại nhà ở Na-xa-rét là nơi họ di cư đến mà tại chuồng súc vật bên đường, là nơi họ đang đi về quê nhà tại Bết-lê-hem, là nguyên quán của Giô-sép và Ma-ri đã đăng ký theo gia phả, trong việc thực hiện theo lệnh kiểm tra dân số rất gắt gao của hoàng đế Sê-sa. Cho nên Thánh Nhi JESUS đã được sinh ra cách bất ngờ trên đường di chuyển trong đêm khuya, theo cái nhìn của con người là tình cờ và bất ngờ nhưng trong chương trình của Chúa thì đó là sự ứng nghiệm lời tiên tri đã được báo trước.
Theo luật lệ của dân tộc Giu-đa thì một đứa trẻ mới sinh sẽ được đặt tên chính thức vào ngày thứ tám sau khi sinh. Nếu là bé trai thì cần được làm lễ cắt bì, là biểu trưng cho giao ước của tuyển dân, đã được Chúa lập từ thời của Áp-ra-ham. Ngày thứ tám được kể là được tinh sạch về thân thể. Vì thế, Hài Nhi JESUS cũng được cha mẹ Ngài mang đến để chịu lễ cắt bì. Có thể nói Chúa Giê-xu đã chịu thương khó lần đầu tiên trong thân thể Ngài qua phép cắt bì để gánh tội lỗi chúng ta và điều này cũng biểu trưng cho việc Đấng Christ trả giá cho tội lỗi của chúng ta trên thập tự giá (Phi-líp 3:1-3; Ga-la-ti 6:15).
Trong ngày ấy Giô-sép chính thức tuyên bố với dòng họ và mọi người xung quanh tên của con trẻ là “JESUS”. Đó không phải là cái tên do ông bà suy nghĩ và đặt ra; mà do Thiên sứ truyền phải đặt. Tên của Ngài như là thông điệp gửi đến cho nhân loại, Ngài chính là “Đấng Cứu Thế”. Nhưng điều đó không có nghĩa Ngài sẽ trở nên một vị vua thay thế cho vua Hê-rốt Đại đế của nước Giu-đa, hay Sê-sa Au-gút-tơ của đế quốc Rô-ma hay vua của một cường quốc mới nào cả. Ngài là Vua trên muôn vua, Chúa của các chúa trong Vương Quốc Đức Chúa Trời liên quan đến thế giới thuộc linh. Ngài không phải ra chỉ dụ để khởi nghĩa giải phóng dân tộc Giu-đa khỏi sự cai trị của đế quốc Rô-ma, hay mở ra một đế quốc mới thay cho đế quốc Rô-ma đang thống trị bằng quân sự, hay là đế quốc Hy-lạp về mặt văn hoá, tư tưởng triết học. Ngài là Vua đến để giải cứu toàn nhân loại khắp đông tây kim cổ khỏi quyền lực của tội lỗi, khỏi sự phán xét và sự chết, khỏi sự kìm kẹp của ma quỷ và thế giới tối tăm.
Bạn đã xưng nhận DANH NGÀI LÀ JESUS – ĐẤNG CỨU THẾ trong đời sống mình chưa?
Cầu nguyện
Lạy Chúa! Cảm tạ Chúa vì DANH NGÀI LÀ JESUS – Đấng Cứu chuộc linh hồn con khỏi sự chết đời đời, cứu thân thể và tâm hồn con khỏi những hành vi dẫn đến sự bế tắc và hư hoại. Nguyện xin Chúa JESUS cho chúng con kinh nghiệm sự giải cứu của Ngài từ linh hồn đến tâm hồn và cả thân thể nữa. Cảm tạ Chúa, nhân danh Chúa Giê-xu. Amen.
Thiên Gia Vĩnh
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét