Gia-cơ | Tin Đạo & Sống Đạo
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | Ru-tơ | Lu-ca | Gia-cơ | I Phi-e-rơ |
Lời ngỏ
Kính chào anh chị em yêu mến trong Chúa! Cùng với sự phát triển của cuộc sống văn minh thì xã hội con người đang tiến đến một cuộc sống chất lượng, vì thế nên người ta đề cao việc ăn uống khoa học, nâng cao việc chăm sóc thể chất và thể dục thể thao đều đặn để có sức khoẻ dồi dào và tuổi thọ dài lâu. Tương tự như thế, để đời sống thuộc linh khoẻ mạnh thì con cái của Chúa ngoài đức tin chưa đủ mà cũng cần thực hành đức tin để có một đời sống tâm linh trưởng thành, mạnh mẽ, hầu có thể vững vàng, không sa ngã trước cám dỗ. Hôm nay dựa trên Lời Chúa trong Gia-cơ 1:26-27 dạy chúng ta cùng thực hành song song việc TIN ĐẠO & SỐNG ĐẠO để có thể bày tỏ nếp sống Cơ Đốc chứ không chỉ là tín ngưỡng tôn giáo mà thôi.
26 Nhược bằng có ai tưởng mình là tin đạo mà không cầm giữ lưỡi mình, nhưng lại lừa dối lòng mình, thì sự tin đạo của người hạng ấy là vô ích.
27 Sự tin đạo thanh sạch không vết, trước mặt Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, là: thăm viếng kẻ mồ côi, người góa bụa trong cơn khốn khó của họ, và giữ lấy mình cho khỏi sự ô uế của thế gian.
Giải thích
Trong cuộc sống đôi khi có nhiều điều chúng ta đã tự suy tưởng mà thực ra đó chỉ là ảo tưởng. Có những ảo tưởng không ảnh hưởng gì, nhưng nếu là ảo tưởng liên quan đến đức tin thì có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng cho đời sống của chúng ta. Lời Chúa trong Gia-cơ cho biết “ai tưởng mình là tin đạo mà không cầm giữ lưỡi mình, nhưng lại lừa dối lòng mình, thì sự tin đạo của người hạng ấy là vô ích.” (câu 26). Chúng ta cần hiểu từ “tin đạo” như là một niềm tin tôn giáo, một sự “sùng đạo” như thế gian này vẫn thường hiểu. Niềm tin tôn giáo có thể là việc giữ những nghi thức tôn giáo bên ngoài như cầu nguyện, đi nhà thờ, dâng hiến… nhưng nếu đời sống không “cầm giữ lưỡi mình” thì sự tin đạo đó chỉ là vô ích, không giúp được gì cho đời sống tâm linh cả.
Vậy thế nào là việc “không cầm giữ lưỡi mình”? Đó là không giữ cẩn thận trong lời ăn tiếng nói, không quản lý được lời nói của mình mà nói những lời gian dối, nói khoác, nói tục, nói xấu, nói hành, phê phán, chỉ trích, chửi rủa… người khác, nói chung là tất cả những hình thức dùng lời nói gây hại, gây tổn thương người khác thì chứng tỏ đức tin của người ấy chỉ là đức tin tôn giáo, đức tin bên ngoài mà thôi, thế thì sự “tin đạo” ấy chỉ là sự “lừa dối lòng mình” và không ích lợi gì cho đời sống thuộc linh cả.
Nhiều người có thể nghĩ rằng Gia-cơ đang nói đến những người chưa hiểu biết nhiều về niềm tin, hoặc là những tín hữu yếu đuối thường bỏ qua sự nhóm thờ phượng Chúa, nhưng thực ra trước đó ông nói đến những người thường xuyên nghe Lời Chúa (câu 22) thậm chí còn dùng Lời Chúa như tấm gương để soi mình (câu 23), họ có thể là những tín hữu trung tín đi nhà thờ, đọc Kinh Thánh, cầu nguyện sốt sắng nhưng đã không “cầm giữ lưỡi mình”. Đó là không để Lời Chúa biến đổi lối sống của mình, không để Lời Chúa loại bỏ những thói hư tật xấu của mình mà đã tự ảo tưởng rằng mình là người “tin đạo” nhưng thực ra dưới cái nhìn của Gia-cơ thì những người ấy không hơn gì người “vô đạo” vì đã không thực hành “sống đạo” theo Lời Chúa dạy.
Ngoài việc giữ gìn lời nói thì trong câu 27 còn đưa ra hai điều nữa để trắc nghiệm việc sống đạo của một người. Đó là phải có hành động yêu thương. Hành động yêu thương được thể hiện qua sự quan tâm đến nhu cầu của người khác, tinh thần sẵn sàng phục vụ, giúp đỡ qua những việc làm cụ thể như: chăm sóc trẻ mồ côi, người nghèo khó, góa bụa đang thiếu thốn, người cô thế, cô đơn bị xã hội xem thường, và bị bỏ rơi. Khi Chúa Giê-xu thi hành chức vụ, Ngài luôn bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến những người cô thế như trẻ em, phụ nữ, người bệnh và người có tội. Vì thế, là người tin nhận Chúa Giê-xu và yêu mến Ngài thì chúng ta phải học theo gương của Ngài trong nếp sống yêu thương, quan tâm chăm sóc người khác. Ngày nay, ngoài xã hội có rất nhiều người làm việc từ thiện, tuy nhiên mục đích của họ khác với chúng ta, họ làm việc lành với mục đích tạo danh tiếng, tìm sự ủng hộ, còn con cái Chúa xuất phát từ lòng yêu thương Chúa ban và chia sẻ là hành động tự nhiên của đức tin.
Và cuối cùng “tin đạo” được thể hiện qua nếp “sống đạo” là “giữ mình khỏi sự ô uế của thế gian”. Con cái Chúa thật cần phải có một nếp sống thanh sạch trước mặt Chúa, nghĩa là phải từ bỏ và xa lánh những điều xấu xa tội lỗi của thế gian. Đồng thời, phải có nếp sống tìm kiếm những điều thánh khiết và đời sống phải sinh bông trái Thánh Linh.
Vậy thì, điều chúng ta cần xem xét đời sống mình, đó là sự “tin đạo” của chúng ta có song hành bằng việc “sống đạo” trong nếp sống hằng ngày qua lời nói, qua cách cư xử với người khác và qua nếp sống tin kính, thanh sạch trước mặt Chúa không?
Cầu nguyện
Lạy Chúa yêu dấu! Xin cho con đối diện với Chúa cách chân thật và nhận thức được tình trạng thuộc linh của chính mình. Lạy Chúa, xin cứu con khỏi sự tin đạo theo hình thức bề ngoài nhưng có một nếp sống đạo phản ánh sự biến đổi từ bên trong bởi sự thực hành theo Lời Chúa, và có một đời sống gắn bó với Chúa càng hơn. Xin giúp con biết thể hiện đức tin cách thực tiễn qua việc giúp đỡ người khác, và giữ mình khỏi sự ô uế của thế gian. Con cảm tạ ơn Chúa và cầu nguyện trong danh Cứu Chúa Giê-xu Christ. Amen.
Grace Ngo
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét