Sáng Thế Ký | Những Sự Cũ Đã Qua

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýChâm NgônRu-tơLu-caGia-cơI Phi-e-rơ

Lời ngỏ

Thân chào quý anh chị em trong tình yêu của Chúa Cứu Thế Giê-xu!

Xe đạp là một phương tiện di chuyển đơn giản nhưng đó là một sự kết hợp rất chặt chẽ của các bộ phận. Khi ta đạp tới, một chuyển động dây chuyền được thực hiện, bánh xe cần phải quay liên tục, nếu không khi bánh xe dừng lại, người ngồi trên xe sẽ ngã vì không giữ được thăng bằng. Cuộc sống là sự tổng hợp của những chuyển động không ngừng. Trước những hoạn nạn, khó khăn trong cuộc sống nếu chúng ta nản lòng, buông xuôi, không phấn đấu thì một điều tất yếu là chúng ta sẽ ngã. Đã bước chân lên “xe đạp của cuộc đời”, chúng ta phải đạp, không thể chần chờ. Bên cạnh đó, chúng ta còn tham gia vào một cuộc đua hào hứng khác, đó là cuộc đua về Thiên Quốc. Hãy nỗ lực hơn nữa để đời sống thuộc linh chúng ta vững vàng, đều đặn bước chân với Chúa, tấn tới trong sự hiểu biết Ngài càng hơn. Con đường phước hạnh đã được sắm sẵn, khi chúng ta bươn tới, chúng ta sẽ trải nghiệm phước hạnh như Gia-cốp đã từng trải trong phân đoạn Kinh Thánh Sáng Thế Ký 35:9-12.

9 Khi ở xứ Pha-đan-A-ram đến, Đức Chúa Trời lại hiện ra cùng Gia-cốp nữa, ban phước cho người,
10 và phán rằng: Tên ngươi là Gia-cốp, sau nầy sẽ chẳng gọi Gia-cốp nữa, nhưng sẽ đặt là Y-sơ-ra-ên. Rồi Ngài đặt tên người là Y-sơ-ra-ên.
11 Đức Chúa Trời lại phán rằng: Ta là Đức Chúa Trời toàn năng; ngươi hãy sanh sản và thêm nhiều; một dân cho đến nhiều dân đều sẽ do nơi ngươi mà sanh, cùng các vua sẽ do nơi mình ngươi mà ra.
12 Xứ ta đã cho Áp-ra-ham và Y-sác thì ta sẽ cho ngươi cùng dòng dõi ngươi.

Giải thích

Cuộc đời của Gia-cốp khiến chúng ta phải kinh ngạc vì cớ những phước hạnh ông được Chúa ban, phước hạnh dường như theo đuổi cuộc đời ông. Sau cuộc vật lộn với thiên sứ tại núi Phê-ni-ên, tên Gia-cốp đã được đổi thành Y-sơ-ra-ên: “Tên ngươi sẽ chẳng là Gia-cốp nữa, nhưng tên là Y-sơ-ra-ên, vì ngươi đã có vật lộn cùng Đức Chúa Trời và người ta; ngươi đều được thắng.” (Sáng Thế Ký 32:28). Chúng ta như tìm thấy một tính cách khác nữa trong con người của ông đó là phải đạt được điều mình đang làm: “… Tôi chẳng cho người đi đâu, nếu người không ban phước cho tôi.” (Sáng Thế Ký 32:26). Phước hạnh, chính là phần thưởng Gia-cốp nhận được trong cuộc đời của mình.

Từ một cậu con trai yếu đuối, luôn nghe theo sự chỉ dẫn sắp xếp của mẹ. Ông phải rời khỏi nhà để tránh cơn phẫn nộ của Ê-sau vì sự gian dối của mình khi muốn cướp phước lành của anh. Trên con đường trốn chạy, Gia-cốp từng trải qua sự cô đơn, lạnh lẽo, mệt nhọc… Có lẽ Gia-cốp thấm thía được cái giá của phước hạnh mà ông giành giật bởi sự dối trá, nên giờ đây ông thật sự muốn được cái phước ấy từ chính Chúa cho mình. Không có cái phước nào mà Gia-cốp không phải trả giá. Để được cái phước theo sự sắp xếp của mẹ thì giờ đây ông phải trốn chạy. Chưa thấy phước đâu mà chỉ thấy họa. Sau đó trong cuộc vật lộn với thiên sứ ông cũng đòi cho được cái phước từ Chúa, dấu ấn cho sự kiện này là “… ông đi khập khểnh vì trật khớp xương hông” (Sáng Thế Ký 32:31).

Khi đã có một gia đình đông đúc, hùng mạnh, dám chống trả lại vua, dân của một thành ngoại bang để đòi lại sự công bằng cho người nhà của mình. Để đạt được cái phước về của cải vật chất như theo quan niệm của thế gian, Gia-cốp cũng phải trả giá bằng sự lo lắng phiền muộn vì đứa con gái của mình. Nhưng khi quyết định đi theo sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời, cuộc đời ông khởi sắc vì lời hứa ban phước từ Ngài luôn được nhắc lại trong cuộc đời ông (câu 9).

Tên Gia-cốp khi được nhắc đến người ta chỉ nghĩ đến một cá nhân nhưng với tên Y-sơ-ra-ên, chúng ta nghĩ đến một quốc gia, một dân tộc sở hữu trí thông sáng bậc nhất thế giới. Từ những vùng đất có giới hạn về khoảng cách địa lý hữu hình mà Đức Chúa Trời hứa ban cho gia tộc Áp-ra-ham thì đến đời Gia-cốp bắt đầu nhận được khi họ rời Ai-cập. Cho đến những vùng đất thuộc linh vô hạn định được hứa ban cho một dân Y-sơ-ra-ên thuộc linh ở khắp mọi nơi trên thế giới.

Không riêng gì những người ngoại giáo, Cơ Đốc nhân chúng ta cũng ước ao hay khẩn cầu phước hạnh nhưng có một điều chúng ta cần phải suy xét lại là chúng ta cầu xin phước hạnh gì? Đã đến lúc chúng ta cần phải có một cái nhìn mới về phước hạnh. Đời sống được phước không phải đến từ nỗ lực làm lành mà chính là sống theo ý muốn Chúa. Ai đã từng trải qua kinh nghiệm làm theo ý muốn sẽ cảm nhận được những thách thức mình phải vượt qua khó khăn là thế nào. Đó là một trận chiến thuộc linh. Khi trải qua được trận chiến đó, tự khắc đời sống chúng ta sẽ cảm nhận được phước hạnh từ Chúa mà không phải khẩn cầu. Có một cuộc sống tiện nghi, vật chất sung túc là điều tốt. Tuy nhiên vì điều đó mà đẩy tâm trí chúng ta vào sự lo lắng, tính toán đến suy sụp tinh thần thì không phải là phước thiên thượng mà chính là địa ngục trần gian. Nguyện Chúa cho tấm lòng chúng ta hướng thượng để vững vàng trong cuộc đua về Thiên Quốc, những lúc té ngã trong linh trình là một kinh nghiệm được thêm lên cho chúng ta có cái nhìn mới về Đấng chúng ta tin cậy.

Cầu nguyện

Cha kính yêu của con, mỗi ngày trôi qua đối với con là một trải nghiệm mới về Ngài, con thật sự thoả lòng khi nương cậy nơi sự dẫn dắt của Cha. Xin gìn giữ lòng và ý tưởng con luôn luôn hướng về Ngài trong sự khao khát làm theo ý muốn Chúa. Nhân danh Chúa Giê-xu. Amen.

Nguyên Ngọc

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa