Ru-tơ | Bất Hạnh Trở Nên Phước Hạnh
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | Ru-tơ | Lu-ca | Gia-cơ | I Phi-e-rơ |
Lời ngỏ
Kính chào quý vị và các bạn! Chúng ta đang học trong sách Ru-tơ, đây là câu chuyện có thật trong lịch sử dân Do Thái, qua đó Đức Chúa Trời bày tỏ ân điển và chương trình cứu rỗi của Ngài cho từng cuộc đời của các nhân vật trong câu chuyện này. Bà góa phụ Na-ô-mi đã từng oán trách Chúa trong cay đắng khi bà trở về quê hương nhưng hôm nay chúng ta sẽ thấy một thái độ hoàn toàn khác của bà. Xin mời quý vị cùng tôi đọc Ru-tơ 2:17-23 và sẽ cùng suy ngẫm với chủ đề BẤT HẠNH TRỞ NÊN PHƯỚC HẠNH.
17 Vậy, Ru-tơ mót trong ruộng cho đến chiều tối, đập lúa mình đã mót, hứng được chừng một ê-pha lúa mạch.
18 Nàng vác đem trở vào trong thành; bà gia nàng thấy lúa nàng đã mót. Đoạn, Ru-tơ trút phần bữa ăn dư ra mà trao cho người.
19 Bà gia nói: Ngày nay, con có mót ở đâu? Con có làm việc ở đâu? Phước cho người đã nhận tiếp con! Nàng nói cho bà gia mình hay mình có làm việc nơi chủ nào. Nàng nói: Người chủ của nơi tôi có làm việc ngày nay, tên là Bô-ô.
20 Na-ô-mi đáp cùng dâu mình rằng: Nguyện Đức Giê-hô-va ban phước cho người, vì Ngài không dứt làm ơn cho kẻ sống và kẻ chết! Tiếp rằng: Người đó là bà con của chúng ta, vốn là trong những kẻ có quyền chuộc sản nghiệp ta lại.
21 Ru-tơ, người Mô-áp, tiếp rằng: Người cũng có nói cùng tôi rằng: Hãy ở cùng các đầy tớ ta cho đến chừng làm xong hết mùa gặt.
22 Na-ô-mi nói cùng Ru-tơ, dâu mình, rằng: Hỡi con gái ta, lấy làm phải cho con đi với các tớ gái người, chớ cho người ta gặp con trong một ruộng khác.
23 Vậy, nàng ở cùng các tớ gái của Bô-ô, đặng mót cho đến hết mùa gặt lúa mạch và mùa gặt lúa mì; nàng ở nhà của bà gia mình.
Giải thích
Ngày hôm đó, Ru-tơ làm việc với tinh thần rất vui vẻ và tràn đầy hy vọng. Bởi sự bảo hộ của chủ ruộng là ông Bô-ô, cô không còn lo sợ bị những người làm công quấy rầy hay gây trở ngại. Khi nào mệt thì có thể nghỉ, khát có thể uống và đói thì có thể ăn. Với kết quả của lòng rộng rãi của Bô-ô và sự siêng năng trong một ngày mót lúa của Ru-tơ, cô được “chừng một ê-pha lúa mạch” tương đương khoảng nửa giạ, đây là số lượng lúa rất nhiều so với một ngày mót lúa bình thường, số lúa này có thể đủ nuôi sống cho hai mẹ con hơn một tuần lễ. Ru-tơ không chỉ làm lụng siêng năng mà còn rất cẩn thận chu đáo không bỏ phí bất cứ thứ gì mà Chúa ban cho. Cô về nhà với bao ê-pha lúa và mang “phần bữa ăn dư ra” trao cho mẹ chồng.
Sau khi hỏi han Ru-tơ đã mót lúa ở đâu và thấy bao lúa mạch Ru-tơ mang về, chúng ta nghe có một câu mới mẻ phát ra từ môi miệng bà Na-ô-mi: “Phước cho người đã nhận tiếp con!” Rõ ràng chúng ta thấy bà đã chúc phước cho người có lòng hảo tâm cho phép Ru-tơ đến mót lúa trong ruộng của họ. Chúng ta còn nhớ, lúc bà Na-ô-mi trở về với nỗi đắng cay và oán trách Chúa đã giáng họa cho bà, cất đi sinh mạng của chồng và hai con bà, khiến bà bất hạnh, đau thương, sầu não, bà thấy mình phá sản cả thuộc linh lẫn thuộc thể. Nhưng giờ đây bà ngợi khen Đức Chúa Trời, bà không còn thấy mình là người đáng thương, bất hạnh nữa, tấm lòng đắng cay giờ đã trở nên phước hạnh. Sau khi biết người làm ơn cho Ru-tơ là Bô-ô thì một lần nữa bà đã thốt lên: “Nguyện Đức Giê-hô-va ban phước cho người, vì Ngài không dứt làm ơn cho kẻ sống và kẻ chết!” Trong lòng bà nhận thức rằng Chúa không chỉ ban phước cho người đang sống mà còn luôn làm ơn trên “kẻ chết” nữa. Bà nhận biết Chúa đã chuẩn bị một người bà con chồng của bà là ông Bô-ô để giúp gia đình bà, và bà giải thích cho Ru-tơ hiểu: “Người đó là bà con của chúng ta, vốn là trong những kẻ có quyền chuộc sản nghiệp ta lại.” Không phải chỉ có tình yêu thương và lòng tử tế của Bô-ô dành cho Ru-tơ là những điều đã đem lại cho bà Na-ô-mi niềm tin cậy, mà là niềm hy vọng về việc chuộc lại cơ nghiệp cho gia đình bà.
Hơn nữa, khi Ru-tơ nói cho mẹ chồng nghe những điều mà ông Bô-ô đã nói với nàng: “Người cũng có nói cùng tôi rằng: Hãy ở cùng các đầy tớ ta cho đến chừng làm xong hết mùa gặt.” thì niềm hy vọng của Na-ô-mi càng lớn dậy mạnh mẽ hơn. Bà biết Bô-ô là một người bà con gần nên ông có quyền chuộc lại sản nghiệp đất đai khi gia đình bà rời Bết-lê-hem để đi đến Mô-áp đã đem cầm cố, thế chấp cho người ta. Lúc trở về Na-ô-mi không có tiền của để chuộc lại số sản nghiệp ấy, nhưng Bô-ô thì có dư khả năng mua lại sản nghiệp đó và giữ lại chúng cho gia đình bà. Chính điều tuyệt vời này đã làm biến đổi tấm lòng của Na-ô-mi.
Đây cũng là nguyên tắc cứu chuộc của Đức Chúa Trời được ghi trong Kinh Thánh. Sách Ru-tơ chứa đựng nhiều mang ý nghĩa thuộc linh chứ không đơn thuần chỉ là câu chuyện kể lại cuộc hôn nhân của một người nước ngoài đáng bị khước từ với một người Do Thái quyền thế. Tại đây chúng ta thấy được hình ảnh mô tả mối tương giao của Đấng Christ với những ai tin cậy Ngài và thuộc về Ngài. Khi chúng ta nhận biết được Chúa là ai, thấy rõ những điều Ngài đã làm cho chúng ta và đã hiểu được Ngài muốn nói gì với chúng ta qua Lời Ngài, vậy thì chúng ta còn có lý do gì để cứ ở trong sự bất hạnh, thất vọng về chính mình nữa, thay vào đó là niềm hy vọng và phước hạnh mà Chúa đang thực thi trên đời sống chúng ta.
Cầu nguyện
Lạy Chúa nhân từ! Chúng con cảm tạ Chúa vì Ngài không chỉ giải cứu chúng con khỏi tội lỗi và sự hư mất đời đời mà Chúa còn ban cho chúng con biết bao phước hạnh trong đời này nữa. Niềm tin của chúng con nơi Chúa không phải là một “cảm xúc mơ hồ” nông cạn được nảy sinh ra bởi ý tưởng lạc quan nhất thời nhưng đó là một sự tin quyết và chắc chắn vào những lời hứa của Chúa và sự ban ơn, giúp đỡ của Ngài trong cuộc sống hiện tại nữa. Con cảm tạ Chúa vô cùng và cầu nguyện trong danh Thánh Chúa Giê-xu Christ. Amen.
Grace Ngo
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét