Lu-ca | Hòn Đá Góc Nhà
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | Ru-tơ | Lu-ca | Gia-cơ | I Phi-e-rơ |
Lời ngỏ
Chào quý anh chị em thân mến! Thời gian gần đây, có những phi vụ mua bán “đá vũ trụ” lên đến cả triệu USD đã khiến dư luận không khỏi tò mò về những tính năng được quảng cáo là siêu phàm của loại đá này. “Đá vũ trụ” hay còn gọi là thiên thạch, đá trời… đang là mặt hàng để các đại gia săn lùng biếu tặng nhau, xem như là món quà vô giá. Trong giới mua bán thiên thạch, mặt hàng này được giới thiệu với những tính năng chỉ có ở vật thể đến từ hành tinh lạ. Ví dụ như đá vũ trụ thì không bắt nhiệt, đốt cả ngày không nóng, không những thế nó còn có lực hút lạ khiến cho thủy ngân chuyển từ thể lỏng sang thể rắn và cứng như thép. Điều này có nghĩa là những nhiệt kế đo nhiệt độ nếu đặt gần thiên thạch sẽ bị mất tác dụng, thủy ngân bị cô cứng.
Ở Việt Nam, có một vụ nổ thiên thạch lớn và gần nhất diễn ra cách đây đã hơn 80 năm ở đồng bằng Nam Bộ. Những mẫu thiên thạch được mang đi giám định và được xác định là “đá trời” vì nó nặng hơn bất cứ một vật thể nào cùng kích thước trên trái đất của chúng ta. Mẫu thiên thạch này đang được lưu giữ tại viện bảo tàng địa chất Việt Nam. Theo các nhà chuyên môn thì đây là viên đá cực kỳ quý và rất hiếm, có thể gọi là “siêu thiên thạch”. Tuy nhiên, chúng ta biết những “siêu thiên thạch” này cũng chỉ là những khối đá của các hành tinh bên ngoài trái đất đã va chạm vào bầu khí quyển nên đã cháy, những mảnh vụn này rơi xuống mà dân gian thường gọi là “sao xẹt”. Những vật thể này quý vì hiếm có và chỉ dành cho sự nghiên cứu của các nhà khoa học thiên văn.
Đoạn Kinh Thánh hôm nay được ghi trong Lu-ca 20:16b-19 cũng nói về một “hòn đá” có một không hai, nhưng không phải vật chất mà là tâm linh.
16 Ai nấy nghe những lời đó, thì nói rằng: Đức Chúa Trời nào nỡ vậy!
17 Đức Chúa Jêsus bèn ngó họ mà rằng: Vậy thì lời chép: Hòn đá thợ xây nhà bỏ ra, Trở nên đá góc nhà, nghĩa là gì?
18 Hễ ai ngã nhằm đá nầy, thì sẽ bị giập nát, còn đá nầy ngã nhằm ai, thì sẽ giập người ấy.
19 Chính giờ đó, các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo tìm cách giết Ngài, vì hiểu Ngài phán thí dụ ấy chỉ về mình; nhưng lại sợ dân chúng.
Giải thích
Lồng trong ví dụ vườn nho ở phần Kinh Thánh trước, Chúa Giê-xu nêu lên hình ảnh “hòn đá” hay “tảng đá” bị những người thợ xây nhà trên đất này loại bỏ, nhưng thật ra đó chính là hòn đá quan trọng nhất cho cả ngôi nhà. Hòn đá ấy chính là Ngài. Chúa Giê-xu xác định Ngài ưu việt hơn tất cả các tiên tri đi trước Ngài. Bởi vì các tiên tri trước Ngài là những sứ giả được sai đến để cảnh báo những nhà lãnh đạo tôn giáo, chính trị đã đi sai đường. Nhưng Ngài là Con của Đức Chúa Trời. Ngài đến để tỉnh thức cả thế giới và cũng thực thi chương trình cứu rỗi cho nhân loại. Chúa Giê-xu cho biết sự đến thế gian của Ngài sẽ vấp phải sự chống đối, sự lập mưu sâu kế độc từ những người làm công gian ác. Thậm chí, Ngài biết họ sẽ tìm cách để bắt bẻ Ngài, giết Ngài ngay trong chính vườn nho mà Cha ban cho Ngài làm sản nghiệp. Dù vậy, Chúa Giê-xu vẫn can đảm, liều mình để vào vườn nho để đối thoại cách hoà bình với họ. Ngài sẵn sàng đối diện với cái chết mà không hề chùn chân nản bước. Điều này tương ứng với việc những nhà lãnh đạo cầm quyền tôn giáo, chính trị đã khước từ Chúa Giê-xu vì tưởng Ngài là kẻ phá rối, phản động. Họ đã ra sức chống đối và lập mưu giết Ngài, nhưng họ đâu biết rằng họ đã chối bỏ Đấng quyền năng. Thầy tế lễ thượng phẩm đã lên kế hoạch là “hy sinh một người để cứu cả dân tộc” với ý nghĩa là giết Chúa Giê-xu để Hoàng đế La Mã không mượn cớ trong xứ có kẻ phản loạn mà đem quân diệt dân tộc này. Nhưng Đức Chúa Trời nhân cớ đó mà làm thành chương trình cứu rỗi cho nhân loại qua Đức Chúa Giê-xu, Chúa Giê-xu chịu hy sinh, để qua sự chết vô tội của Ngài, mà cả nhân loại được cứu và được sống.
Vì vậy, nếu ai tin và đặt nền tảng đức tin nơi Ngài thì sẽ xây dựng được Hội Thánh vững an. Nhưng ai coi Ngài là hòn đá vấp váp mà chống đối Ngài thì cho dù Đức Chúa Trời chưa ra tay phán xét thì họ chẳng khác gì tự đập mình vào đá, cuối cùng thì sẽ bị giập nát và tan tành. Còn đến khi Ngài ra tay phán xét thì như búa đập vỡ, sẽ nghiền nát như Ngài đã từng nghiền nát pho tượng của Nê-bu-cát-nết-sa.
Tóm lại, Chúa đã sử dụng cả hai hình ảnh Con của Chủ vườn nho và Hòn đá góc nhà để bày tỏ về mình theo lời tiên tri trong Cựu Ước; và Ngài làm hoàn thành cả hai ý nghĩa thuộc linh về hai hình ảnh này. Nếu sớm nhận biết Chúa và quay lại ăn năn thì Ngài vẫn cho cơ hội để sống hạnh phước với công lao mình đã bỏ ra và xây dựng ngôi nhà vững chãi trên nền tảng vững chắc. Còn nếu khước từ Chúa và đường lối Ngài, ra tay chống nghịch Chúa thì chẳng khác chi là mình tự đập đầu vào đá khối, tự mình kết án mình trước tòa án phán xét công bình. Hãy sớm nhận biết Chúa và nhờ cậy Ngài để được cứu rỗi và phước hạnh.
Cầu nguyện
Lạy Chúa! Xin Cha tha thứ cho chúng con vì đã cố chấp để tìm cách chối bỏ Chúa bởi lòng tham lam và kiêu ngạo, khiến Chúa đau lòng và tổn thương. Nguyện Chúa đón nhận sự ăn năn của chúng con. Xin ban cho chúng con có cơ hội được phục vụ Chúa và xây dựng mọi việc trên nền tảng đức tin. Đó là nền tảng mà Chúa Giê-xu đã hy sinh để tạo dựng nên. Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.
Thiên Gia Vĩnh
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét