Công Vụ Các Sứ Đồ | Thê-ô-phi-lơ Là Ai?
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | Giô-ên | Công Vụ | Gia-cơ | I Phi-e-rơ |
Thưa quý anh chị em! Điều đầu tiên chúng ta biết rằng Thê-ô-phi-lơ là người được nhắc tên hai lần trong hai phần giới thiệu của Phúc Âm Lu-ca và sách Công Vụ Các Sứ Đồ. Thê-ô-phi-lơ là người được tác giả đề tặng sách Lu-ca như một tài liệu được tra cứu cẩn thận và sắp xếp theo thứ tự dựa vào các văn bản tường thuật của những người từng chứng kiến và phục vụ Đức Chúa Giê-xu. Câu đầu tiên của sách Công Vụ Các Sứ Đồ, cũng được gửi đến Thê-ô-phi-lơ và là một ký thuật không dựa vào bất kỳ một tài liệu nào. Trước khi học về sách Công Vụ Các Sứ Đồ, thiết tưởng chúng ta nên biết tìm hiểu đôi chút về nhân vật Thê-ô-phi-lơ này. Sách Công Vụ Các Sứ Đồ 1:1-3 viết:
1 Hỡi Thê-ô-phi-lơ, trong sách thứ nhất ta, ta từng nói về mọi điều Đức Chúa Jêsus đã làm và dạy từ ban đầu,
2 cho đến ngày Ngài được cất lên trời, sau khi Ngài cậy Đức Thánh Linh mà răn dạy các sứ đồ Ngài đã chọn.
3 Sau khi chịu đau đớn rồi, thì trước mặt các sứ đồ, Ngài lấy nhiều chứng cớ tỏ ra mình là sống, và hiện đến với các sứ đồ trong bốn mươi ngày, phán bảo những sự về nước Đức Chúa Trời.
Cho dù không hề có một thông tin nào khác về Thê-ô-phi-lơ ngoài những gì đã được kể ở trên, nhưng theo dòng thời gian các học giả, giáo sư Kinh Thánh đã có những giả thuyết khiến cho sự tưởng tượng về nhân vật này trở nên hấp dẫn. Các giả thuyết đó trước hết là:
Phải chăng Thê-ô-phi-lơ là một người Do Thái ở Ai Cập?
Truyền thống của Hội Thánh Coptic ở Ê-thi-ô-pi từ rất sớm nói rằng Thê-ô-phi-lơ là một người Do Thái có địa vị, sống ở Alexandria, Ai Cập. Mục sư John Wesley, người lập ra hệ phái Giám Lý trong một số bài viết của ông, đã đi theo quan điểm này.
Phải chăng Thê-ô-phi-lơ là một quan chức người La Mã?
Từ cách gọi “Hỡi Thê-ô-phi-lơ, quý nhân“ hay trong cách dịch của bản truyền thống hiệu đính “Thưa ngài Thê-ô-phi-lơ khả kính” cách nói rất trân trọng của Lu-ca trong Lu-ca 1:1, một số bình luận gia cho rằng Thê-ô-phi-lơ là một quan chức La Mã, như quan tổng đốc Phê-lít mà khi người cấp dưới thưa chuyện, nên mới có cách nói lễ độ, tôn kính như thế (Công Vụ 23:26, 24:3). Cách gọi này của Lu-ca dành cho Thê-ô-phi-lơ phải chăng đã chứng tỏ rằng ông là một luật gia, có thể là người luật sư sẽ bênh vực cho vụ án của Phao-lô? Nếu đúng như vậy, thì việc có được một bản tường trình “có thứ tự” được “xem xét cẩn thận từ đầu” như cách làm của Lu-ca là việc rất cần thiết cho công việc bênh vực của Thê-ô-phi-lơ cho Phao-lô. Một lý do khác ủng hộ cho giả thuyết này, đó là trong cả hai bản tường trình Lu-ca và Công Vụ Các Sứ Đồ chúng ta thấy không hề có một lời nào tiêu cực về chính quyền La Mã.
Phải chăng Thê-ô-phi-lơ chỉ là một cái tên tưởng tượng, dùng để chỉ tất cả những người kính yêu Chúa?
Có một số người nghĩ rằng Thê-ô-phi-lơ không phải là một nhân vật có thật. Tên ông trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “người bạn của Chúa” hay “người được Chúa yêu thương”. Cái tên này chỉ là một cái tên tượng trưng, dùng để chỉ tất cả những độc giả có thiện cảm với đạo của Chúa mọi thời đại, những người được Chúa thương yêu, cần đến sự cứu rỗi và đã nhận được ân điển của Ngài. Phải chăng khi viết các sách của mình Lu-ca đã có ý định dùng một cái tên có ý tượng trưng như vậy?
Ngoài các giả thuyết trên, còn có một số người cho rằng Thê-ô-phi-lơ là một nhân vật rất giàu có và có ảnh hưởng trong thành phố An-ti-ốt trong thời của Lu-ca. Các học giả tin rằng Thê-ô-phi-lơ này có thể là một ân nhân đã tài trợ, giúp đỡ Phao-lô trong hành trình truyền giáo của ông. Chính vì vậy nên Lu-ca đã viết gửi cho ông công trình nghiên cứu của mình.
Một giả thuyết khác dựa vào tài liệu của sử gia Josephus, cho rằng Thê-ô-phi-lơ này là một thầy tế lễ thượng phẩm ở Giê-ru-sa-lem vào năm 37-41 SC, là con trai của An-ne và là anh rể của Cai-phe. Đây là một thuyết ít có người theo. Một ý kiến khác cho rằng Lu-ca đã viết cho thầy tế lễ thượng phẩm Mattathias ben Theophilus, phục vụ trong đền thờ Giê-ru-sa-lem những năm 65-66 SC.
Cho dù Thê-ô-phi-lơ có là một người Do Thái giàu có, có địa vị hay một người ngoại, một luật gia, một quan chức La Mã, chúng ta tạ ơn Chúa vì biết rằng ngài Thê-ô-phi-lơ là một người có địa vị trong xã hội thời đó, được Lu-ca trân trọng gửi tới công trình nghiên cứu của mình về cuộc đời Đức Chúa Giê-xu và lịch sử của Hội Thánh ban đầu. Thật tuyệt vời và vô cùng phước hạnh cho chúng ta, những độc giả của Kinh Thánh ngày nay ở những chân trời xa lạ khi biết mình được Chúa yêu, được gọi là người bạn của Ngài.
Cầu nguyện
Lạy Chúa dấu yêu, cảm tạ Chúa vì cho dù không thể xác định rõ Thê-ô-phi-lơ là ai, nhưng chúng con có được những tài liệu quý báu về cuộc đời Đức Chúa Giê-xu, Đấng cứu chuộc nhân loại, được biết về quyền năng của Đức Thánh Linh vận hành như thế nào trên Hội Thánh ban đầu. Xin tiếp tục soi sáng, ban ơn Ngài để chúng con học được nhiều điều trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ. Chúng con cầu nguyện nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ. Amen.
Tài liệu tham khảo
Pawson, David. Unlocking The Bible. London. HarperCollins 2015
https://www.bibleinfo.com/en/questions/who-was-theophilus, truy cập ngày 10/05/23
https://www.crosswalk.com/faith/bible-study/who-is-theophilus-and-why-are-two-books-of-the-bible-addressed-to-him.html, truy cập ngày 11/05/23
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét