Công Vụ Các Sứ Đồ | Tác Giả Sách Công Vụ Các Sứ Đồ

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýChâm NgônGiô-ênCông VụGia-cơI Phi-e-rơ

Thưa quý anh chị em! Trước khi học về sách Công Vụ Các Sứ Đồ, thiết tưởng chúng ta nên biết qua về Lu-ca, là người được cho là tác giả của hai cuốn sách quan trọng trong Tân Ước. Cho đến ngày nay Phúc Âm Lu-ca và Công Vụ Các Sứ Đồ được xem là của Lu-ca, vì cả hai đều đề tặng cho một người tên là Thê-ô-phi-lơ mà Lu-ca trân trọng gọi là “quý nhân” hay “thưa ngài”, đây là cách xưng hô của người thời đó với một người có chức vị cao trọng trong xã hội.

1 Hỡi Thê-ô-phi-lơ, trong sách thứ nhất ta, ta từng nói về mọi điều Đức Chúa Jêsus đã làm và dạy từ ban đầu.

Lu-ca, người thầy thuốc

Qua các thư tín của Phao-lô, chúng ta thấy Lu-ca được nhắc đến như người “thầy thuốc rất yêu dấu” (Cô-lô-se 4:14). Lời nói đầy thân thương này chứng tỏ tình cảm sâu đậm của Phao-lô dành cho người đã đi cùng ông trong các hành trình truyền giáo và chắc chắn cũng là người chăm sóc sức khỏe cho Phao-lô. Người thầy thuốc yêu dấu của Phao-lô đã để lại dấu vết của mình qua độ chính xác về mô tả bệnh lý của một bác sĩ trong văn phong của ông. Trong Lu-ca 14:2 ông diễn tả người bị phù thủng là “số là có một người mắc bịnh thủy thũng ở trước mặt Ngài” hay trong Công Vụ Các Sứ Đồ 28:8 ông mô tả một bệnh nhân khác: “Vả, cha của Búp-li-u nầy đang nằm trên giường đau bịnh nóng lạnh và bịnh lỵ. Phao-lô đi thăm người, cầu nguyện xong, đặt tay lên và chữa lành cho.” Khi mô tả sự chữa lành của người bại liệt bẩm sinh được Phi-e-rơ và Giăng chữa lành, chúng ta lại bắt gặp một sự mô tả chính xác các chi tiết “Phi-e-rơ nắm tay phải anh và đỡ dậy. Lập tức hai bàn chân và mắt cá anh trở nên cứng vững” (Công Vụ 3:7) và thêm nhiều bằng chứng khác…[1]

Lu-ca, một người bạn đồng công với Phao-lô

Người ta cho rằng Lu-ca là người đàn ông Ma-xê-đoan mà Phao-lô thấy trong giấc mơ của mình trong Công Vụ 16:9. Sau đó, cho dù không hề nhắc tên của mình, nhưng cách diễn tả của Lu-ca cho thấy ông đã cùng gia nhập đoàn truyền giáo của Phao-lô đi từ Trô-ách đến thành Phi-líp (Công Vụ 16:11). Ở hành trình truyền giáo thứ hai chỉ có Phao-lô và Si-la (Công Vụ 17:1), nhưng sang hành trình truyền giáo thứ ba Lu-ca lại cùng đi với Phao-lô (Công Vụ 20:5). Lu-ca đã đi cùng với Phao-lô đến Giê-ru-sa-lem. Khi Phao-lô bị bắt và bị giải đến Rô-ma cũng chính Lu-ca là người đi cùng và kể lại mọi sự một cách hết sức sống động các trải nghiệm về việc đắm tàu và được cứu thoát trên đảo Man-ta. Trong thời gian trong tù ở Rô-ma, Phao-lô đã gửi thư cho Phi-lê-môn, qua thư đó chúng ta biết Lu-ca cũng đang ở với ông và được nhắc tên như người “bạn cùng làm việc với Phao-lô” (Phi-lê-môn 1:24). Ở giai đoạn cuối cuộc đời mình, Phao-lô đã viết thư cho Ti-mô-thê, người con tinh thần của ông. Trong đó, ông nói rằng “chỉ còn mình Lu-ca ở với ta” (II Ti-mô-thê 4:11).

Lu-ca, một sử gia

Khi viết hai sách đề tặng cho Thê-ô-phi-lơ, có lẽ Lu-ca không nghĩ rằng một ngày kia những gì mình viết ra là những tài liệu lịch sử chính xác, sống động và đáng tin. Ký thuật về cuộc đời Đức Chúa Giê-xu của ông chẳng những vừa là Phúc Âm về sự cứu chuộc mà còn là những câu chuyện đáng tin vì luôn có những bối cảnh lịch sử đi kèm mà người ta có thể lần theo để biết rõ hơn về thời đại đó. Chỉ riêng câu chuyện về sự giáng sinh của Đức Chúa Giê-xu, độc giả của Phúc Âm Lu-ca biết được sự trị vì của Hê-rốt, vua xứ Giu-đê (Lu-ca 1:5), biết có một cuộc kiểm tra dân số của Sê-sa Au-gút-tơ, thời Qui-ri-ni-u làm tổng đốc xứ Sy-ri. Các niên hiệu và các nhân vật lịch sử mà Lu-ca kể ra (Lu-ca 3:1-2) đã làm tăng độ tin cậy của người đọc. Trong khi các tác giả Phúc Âm khác không hề nói đến tuổi của Đức Chúa Giê-xu khi Ngài bắt đầu chức vụ thì Lu-ca ghi chép thật rõ ràng. Ngoài tài năng của một người viết sử, Lu-ca cũng được đánh giá là một văn sĩ.

Lu-ca, một văn sĩ

Văn phong Hy Lạp của Lu-ca thật xuất sắc theo đánh giá của các học giả Kinh Thánh. Ông viết một thứ văn Hy Lạp trí thức, chải chuốt giống những sử gia Hy Lạp. Câu chuyện đắm thuyền ở đảo Man-ta được mô tả như một kiệt tác văn chương thời cổ. Với tài viết văn và vốn từ vựng phong phú những gì Lu-ca viết ra lôi cuốn độc giả từ đầu cho đến cuối.

Lu-ca, tác giả Phúc Âm và người truyền giảng Phúc Âm

Ông là người viết sách Phúc Âm và cũng là một nhà truyền giảng Phúc Âm. Học giả David Pawson cho rằng Lu-ca dùng ngòi viết của mình để giảng Phúc Âm chứ không phải là dùng tiếng nói. Chủ đề chính trong cả hai sách ông viết là “Sự Cứu Rỗi”. Với tư cách dân ngoại, Lu-ca rất quan tâm đến sự cứu rỗi đến với mọi “loài xác thịt”. Ông ký thuật việc Giăng Báp-tít trích dẫn lời của tiên tri Ê-sai “mọi xác thịt sẽ thấy sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời”. Sách Phúc Âm của ông có những câu chuyện quan tâm đến dân ngoại mà các sách Phúc Âm khác không có: Chỉ trong Phúc Âm Lu-ca có việc Ngài quở Gia-cơ và Giăng về việc họ muốn sai lửa từ trời thiêu đốt những người Sa-ma-ri không tiếp rước họ và câu chuyện người Sa-ma-ri nhân lành, cho thấy rằng Lu-ca rất quan tâm đến sự cứu rỗi Chúa dành cho dân ngoại.

Như vậy, trước khi đi vào việc suy ngẫm sách Công Vụ Các Sứ Đồ, chúng ta đã được biết tác giả Lu-ca là một người thầy thuốc đầy yêu thương, một cộng sự viên đắc lực trong công tác truyền giáo với Phao-lô và là một sử gia, một nhà văn tuyệt vời đã được Đức Thánh Linh dùng để viết lên Phúc Âm cứu rỗi của Ngài. Là những độc giả của thế kỷ 21, chúng ta biết ơn Lu-ca và cũng học được nơi ông sự trung thành cho đến cuối cùng.

Cầu nguyện

Lạy Chúa ái từ! Tạ ơn Chúa đã dùng một con người tài giỏi và trung thành như Lu-ca để viết nên lời Kinh Thánh cho chúng con. Xin Thánh Linh soi sáng để chúng con hiểu rõ Chúa Cứu Thế Giê-xu yêu dấu và sống cho Ngài. Xin giúp chúng con thấy Thánh Linh luôn vận hành trên từng trang Kinh Thánh và trên Hội Thánh của Ngài từ ban đầu cho đến hôm nay. Con cầu nguyện nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ. Amen.

[1] Xem thêm các bằng chứng trong Lu-ca 4:23, 4:38, 5:12, 5:19, 5:24, 5:31, 6:6, 7:15, 8:27-39, 8:43-44, 9:39, 13:11-13, 18:25; Công Vụ. 8:7, 9:33, 11:5, 22:50

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa