Gia-cơ | Tôi Muốn Hay Chúa Muốn?
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | Giô-ên | Công Vụ | Gia-cơ | I Phi-e-rơ |
Thân gửi lời chào thăm đến với quý khán thính giả của Mana Thuộc Linh! Đã bao giờ bạn tự hỏi: “Tôi của 5 năm, 10 năm tới sẽ ra sao?”
Chúng ta đang sống và đặt ra những mục tiêu cho đời mình. Giả sử có một ngày Chúa muốn rẽ bạn sang một hướng đi hoàn toàn khác, nằm ngoài những dự định của bạn, tại nơi ngã ba đường, trong những tranh đấu giữa điều TÔI MUỐN hay điều CHÚA MUỐN, bạn sẽ quyết định thế nào? Bài học tĩnh nguyện hôm nay trong Gia-cơ 4:13-17 cho chúng ta biết ba thái độ của con người khi đứng trước ý muốn của Đức Chúa Trời. Thân mời bạn cùng suy ngẫm và đưa ra quyết định cho mình nhé!
13 Hỡi anh em, là kẻ nói rằng: Hôm nay hoặc ngày mai, ta sẽ đi đến thành kia, ở đó một năm, buôn bán và phát tài,
14 song ngày mai sẽ ra thế nào, anh em chẳng biết! Vì, sự sống của anh em là chi? Chẳng qua như hơi nước, hiện ra một lát rồi lại tan ngay.
15 Anh em phải nói trái lại: Ví bằng Chúa muốn, và ta còn sống, thì ta sẽ làm việc nọ việc kia.
16 Kìa anh em lấy những lời kiêu ngạo mà khoe mình! Phàm khoe khoang như vậy là xấu.
17 Cho nên, kẻ biết làm điều lành mà chẳng làm, thì phạm tội.
Gia-cơ mở đầu chương 4 khi luận về sự tranh chiến với Đức Chúa Trời với con người trong mình và kết thúc đoạn này khi nói đến ý muốn Đức Chúa Trời. Ở đây ông đề cập đến những thái độ của con người đối với ý muốn Đức Chúa Trời như sau:
1. Nhóm người không quan tâm đến ý muốn Đức Chúa Trời (câu 13, 14, 16)
Có lẽ Gia-cơ muốn nói đến những thương buôn giàu có trong Hội Thánh. Họ bàn bạc việc buôn bán và khoe khoang về kế hoạch mình. Không có chứng cớ nào tỏ ra họ muốn tìm biết ý Chúa hoặc cầu nguyện cho những quyết định của mình. Họ đánh giá thành công trong cuộc đời chỉ qua thời gian cùng những kế hoạch họ đặt ra. Con người có xu hướng muốn kiểm soát tất cả mọi thứ sẽ diễn ra và xảy đến với cuộc đời mình, vì vậy chúng ta thường tập chú vào việc đạt được mục tiêu hơn là việc nhìn xem Chúa. Và ở đây Gia-cơ đưa ra những lý lẽ cho thấy sự dại dột của những con người không chịu tìm biết Chúa.
Thứ nhất, ông nói đến sự phức tạp của đời người (câu 13). Con người không sống yên ổn trong một không gian tại một nơi nhất định và làm công việc hằng ngày. Họ phải bôn ba rày đây mai đó làm lụng, buôn bán kiếm sống, đối diện với những được mất trong thương trường. Phức tạp là vậy nhưng họ vẫn chọn để cá cược cuộc đời mình thay vì tìm đến sự đảm bảo chắc chắn từ Đấng Thiên Thượng.
Thứ hai, là tính phù du của đời người (câu 14a). Những thương buôn này đã hoạch định mục tiêu hoạt động buôn bán cho mình suốt một năm một cách đầy tự phụ nhưng liệu ngày mai có điều gì xảy đến, họ có chắc chắn biết được không? Châm Ngôn 27:1 chép rằng: “Chớ khoe khoang về ngày mai, vì con chẳng biết ngày mai sẽ sanh ra điều gì.”
Thứ ba, bên cạnh tính phù du, Gia-cơ còn cho chúng ta biết đời người thật rất ngắn ngủi. (câu 14b). Đối với chúng ta, đời người dường như rất dài vì chúng ta “đo” cuộc đời bằng năm tháng, nhưng nếu so với sự vĩnh cửu, đời người khác nào như “hơi nước”.
Thứ tư, chính là sự bất toàn của con người (câu 16). “Kìa anh em lấy những lời kiêu ngạo mà khoe mình! Phàm khoe khoang như vậy là xấu.” Tính khoe khoang chỉ là cách để con người che đậy sự bất toàn của mình mà thôi. Như vậy một người không quan tâm đến ý muốn Đức Chúa Trời chính là đang mang theo trong mình sự dại dột nhất. Họ như người vượt qua khu rừng tăm tối mà không có tấm bảng chỉ đường, hoặc như người phải vượt qua những cơn bão ngoài biển khơi mà không có la bàn định hướng.
2. Nhóm người KHÔNG LÀM THEO ý muốn Đức Chúa Trời (câu 17)
Đây là những người biết ý muốn Đức Chúa Trời nhưng không chịu vâng theo. Thái độ này còn kiêu ngạo hơn thái độ ban đầu, vì con người nói với Đức Chúa Trời: “Con biết Chúa muốn con làm gì, nhưng con không thích làm vậy. Về điều này, con nghĩ mình biết rõ hơn Ngài!” Thái độ này cũng được sứ đồ Phi-e-rơ nhắc đến: “Chúng nó đã biết đường công bình, rồi lại lui đi về lời răn thánh đã truyền cho mình.” (II Phi-e-rơ 2:21).
Lý do của sự không nghe lời này xuất phát từ lòng kiêu ngạo. Con người muốn làm chủ chính mình và cho rằng chỉ có tôi mới hiểu rõ về những gì xảy ra quanh tôi mà thôi! Có lý nào một chiếc xe máy lại tự cho bản thân mình giỏi hơn người kỹ sư tạo ra nó? Một điều mà chúng ta phải biết là ý muốn của Đức Chúa Trời không phải là điều cho chúng ta lựa chọn làm hay không làm, nhưng đó là nhiệm vụ của vật thọ tạo. Chúng ta biết rõ ý muốn Chúa là thể nào nhưng vẫn cứ phớt lờ hay xem nhẹ, cố ý không làm theo thì bị kể là phạm tội.
3. Nhóm người VÂNG THEO ý muốn Chúa (câu 15)
“Ví bằng Chúa muốn… ” không phải chỉ là lời nói trên môi miệng Cơ Đốc nhân nhưng là thái độ thường trực trong lòng người ấy. Chúa Giê-xu Christ phán: “Đồ ăn của Ta tức là làm theo ý muốn của Đấng sai Ta đến, và làm trọn công việc Ngài.” (Giăng 4:34). Phao-lô cũng thường nói đến ý muốn của Đức Chúa Trời trên cuộc đời ông trong các thư tín và ông không xem ý muốn Đức Chúa Trời là xiềng xích trói buộc mình, ngược lại đó là chìa khóa mở mọi cánh cửa để ông được tự do.
Những người chọn vâng theo Chúa và đặt Ngài làm trung tâm trong tất cả những kế hoạch hay mục tiêu cuộc đời mình đều sẽ không bao giờ phải hối hận hay thất vọng. Trái lại, chính sự vâng theo sẽ dẫn người ấy đến gần với mối liên hệ sống động hơn với Đức Chúa Trời thông qua ý muốn Ngài. Hôm nay bạn sẽ chọn thái độ nào khi đứng trước ý muốn của Chúa?
Cầu nguyện
Thưa Chúa yêu dấu! Con đến cùng Ngài giờ này với lòng ăn năn, thống hối vì tấm lòng kiêu ngạo, xem nhẹ ý muốn Chúa. Xin Chúa tha thứ những cố chấp, ương ngạnh của con. Cảm ơn Chúa vì Lời Ngài hôm nay giúp con nhận ra tội và xưng tội ấy ra trước mặt Chúa. Xin Chúa giúp con sống vâng theo Chúa cách trung tín. Xin Thánh Linh dùng Lời Chúa dạy dỗ con mỗi ngày. Con cảm tạ Chúa và cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu. Amen.
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét