Sáng Thế Ký | Thời Điểm Thích Hợp

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýChâm NgônGiô-ênCông VụGia-cơI Phi-e-rơ

Kính chào quý anh chị em thân mến trong tình yêu của Chúa Cứu Thế Jesus!

Có anh tín đồ kia đi đến một nơi xa để làm việc, cuối mỗi tháng anh đem theo số tiền mình đã kiếm được trở về nhà. Bọn cướp quan sát, biết anh này có tiền nên một hôm chặn đường anh để cướp. Anh này vùng vẫy chạy được, nhảy xuống một chiếc thuyền, bọn cướp cũng xuống một chiếc thuyền khác đuổi theo. Khi thấy thuyền bọn cướp gần đến thuyền mình, anh nhảy xuống sông bơi thục mạng vào bờ và thoát được. Về nhà kể lại chuyện, anh luôn cảm tạ Chúa vì Ngài bảo vệ và giải cứu anh. Người bạn anh nghe vậy liền hỏi: “Trong lúc chạy trốn, nguy hiểm như thế anh có nhớ câu Kinh Thánh nào khích lệ mình không?” Anh điềm tĩnh trả lời: “Tại sao còn phải nhớ câu Kinh Thánh nào nữa, vì lúc ấy Chúa đang ở cạnh bên tôi rồi!” Câu chuyện nghe có vẻ hài hước về tính xác thực của nó tuy nhiên câu trả lời của anh với người bạn mình cũng đáng để chúng ta suy nghĩ. Trong lúc anh gặp nguy hiểm, có Chúa bên cạnh và giải cứu. Trên thực tế, không phải ai cũng gặp trường hợp như anh tín đồ này và lúc nào Chúa cũng giải cứu những lúc chúng ta cần. Tại sao như vậy, chúng ta cùng suy ngẫm phân đoạn Kinh Thánh Sáng Thế Ký 41:9-14 hôm nay để hiểu rõ vấn đề này.

9 Quan tửu chánh bèn tâu cùng Pha-ra-ôn rằng: Bây giờ, tôi nhớ đến lỗi của tôi.
10 Ngày trước, bệ hạ nổi giận cùng quần thần, có cầm ngục quan thượng thiện và tôi nơi dinh quan thị vệ.
11 Trong lúc đó, cùng một đêm kia, chúng tôi có thấy điềm chiêm bao, chiêm bao mỗi người đều có ý nghĩa riêng rõ ràng.
12 Tại đó, cùng chung ngục, có một người Hê-bơ-rơ, còn trẻ, kẻ gia đinh của quan thị vệ; chúng tôi thuật lại cho chàng nghe điềm chiêm bao của mình; chàng bàn rõ ra cho ai mỗi chiêm bao nấy.
13 Rồi ra, công việc xảy đến y như lời chàng bàn: Bệ hạ phục chức tôi lại, và xử treo quan kia.
14 Pha-ra-ôn bèn sai đi đòi Giô-sép; họ lập tức tha người ra khỏi ngục, cạo mặt mày cho, biểu thay đổi áo xống, rồi vào chầu Pha-ra-ôn.

Sau khi giải điềm chiêm bao cho quan tửu chánh, Giô-sép hy vọng sẽ có cơ hội để được ra khỏi nơi tù đày. Nhưng niềm mong mỏi bị bào mòn theo năm tháng, Giô-sép tiếp tục các công việc mà quan cai ngục cắt đặt ròng rã suốt hai năm, sự chờ đợi tự do của một người trong chốn lao tù khắc khoải thế nào, chúng ta không thể thấu hiểu được hết, có thể lòng tin cậy Đức Chúa Trời dần được thay thế bằng sự cay đắng chăng? Nhưng tạ ơn Chúa, chúng ta được khích lệ từ điểm này trong cuộc đời Giô-sép, ông không một lời thắc mắc về số phận đen tối hiện tại của mình với Đức Chúa Trời.

Một đêm, vua Pha-ra-ôn nằm mộng “thấy mình đang đứng bên bờ sông Ninh  chợt thấy bảy con bò cái mập tốt từ dưới sông lên ăn cỏ giữa đám sậy. Sau đó, bảy con bò cái khác xấu xí gầy guộc cũng từ sông Ninh lên theo và đứng bên con bò kia trên bờ sông. Các con bò cái xấu xí gầy guộc nuốt mất bảy con bò mập tốt. Pha-ra-ôn thức giấc. Vua ngủ lại, mơ lần thứ hai. Này, bảy gié lúa rắn chắc mọc lên từ một cây lúa. Rồi mọc tiếp bảy gié lúa lép, bị gió đông thổi héo khô. Bảy gié lúa lép khô nuốt trửng bảy gié lúa rắn chắc. Vua thức giấc, biết mình nằm mơ” (Sáng Thế Ký 41:1-7). Hai giấc chiêm bao khiến “tâm trí người bối rối” nên sáng hôm sau, vua sai gọi các pháp sư và học giả người Ai-cập vào cung. Người thuật lại điềm chiêm bao của mình, nhưng không ai có thể giải thích được ý nghĩa. Lúc này, quan tửu chánh mới sực nhớ tới Giô-sép, người đã từng giải mộng cho ông. Quan nói: “Hôm nay mới nhớ ra; tôi thật có lỗi.” Sau hai năm bị quên lãng, Giô-sép bây giờ mới được nhớ tới nhờ vào điềm chiêm bao của vua Pha-ra-ôn. Có phải quan tửu chánh cố tình quên lời thỉnh cầu của Giô-sép không? Giả định ngay sau khi được phục chức, quan tửu chánh đề đạt nguyện vọng của Giô-sép lên Pha-ra-ôn, liệu có điều gì đặc biệt khiến vua phải quan tâm đến một tên nô lệ người Hê-bơ-rơ? Và nếu ra khỏi lao xá, Giô-sép sẽ làm gì và đi về đâu? Xem ra nếu vẫn ở trong tù, vậy mà còn được việc cho cai ngục và có chỗ cư ngụ an toàn hơn là được phóng thích, dù hai năm không phải là khoảng thời gian ngắn ngủi đối với một phạm nhân bị tù oan, đang độ tuổi trẻ mà bị bó buộc trong chốn tù đày. Nhu cầu được tự do của Giô-sép là cần và đúng nhưng thời điểm đó chưa thích hợp để được phóng thích, và chắc rằng: Đức Chúa Trời đã khiến quan tửu chánh quên lời thỉnh cầu của Giô-sép, để đến thời điểm thích hợp cho ý định Ngài muốn và việc Ngài làm, lời thỉnh cầu của Giô-sép sẽ được thành tựu một cách toàn hảo.

Đã bao lần trong cuộc sống chúng ta đối diện với hoàn cảnh bất lợi như Giô-sép, thái độ của chúng ta thế nào đối với Chúa, đối với những người liên quan? Thực tế, chúng ta sẽ muốn tranh đấu để chứng minh rằng: Cơ Đốc nhân không phải là những người yếu thế dễ bị bắt nạt, xin Chúa cho chúng ta uy quyền công dân Nước Trời để thực thi công lý. Tuy nhiên, nếu Chúa muốn chúng ta phải nhịn nhục, chịu đựng như Giô-sép thì chúng ta có bằng lòng không một lời oán trách Chúa không? Nguyện Chúa cho chúng ta học thuận phục với tấm lòng mềm mại.

Cầu nguyện

Lạy Chúa kính yêu, con biết sự yếu đuối bất toàn của mình trong cuộc sống đầy khó khăn này, nếu phải vâng phục ý Ngài trong những hoàn cảnh bất như ý, xin ban cho con tấm lòng mềm mại để thuận phục Đấng con tôn thờ. Con cảm ơn Ngài với lòng thành kính trong danh Chúa Jesus Christ. Amen.

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa