Sáng Thế Ký | Phước Hạnh & Sự Thương Xót

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýChâm NgônGiô-ênCông VụGia-cơI Phi-e-rơ

Thân chào quý anh chị em yêu dấu trong tình yêu của Chúa Cứu Thế Jesus!

Trong một lần giảng đạo ngoài trời, mục sư George Whitefield đề cập đến câu chuyện mười người nữ đồng trinh không chuẩn bị đủ dầu khi chàng rể đến: “Song trong khi họ đang đi mua, thì chàng rể đến; kẻ nào chực sẵn, thì đi với người cùng vào tiệc cưới, và cửa đóng lại.” (Ma-thi-ơ 25:10) và ông nhắc lại câu: “rồi cửa đóng lại”. Có một thanh niên nghịch ngợm nghe như vậy liền nói với bạn mình đứng bên cạnh rằng: “có sao đâu, nếu có một cánh cửa đóng lại thì sẽ có một cánh cửa mở ra”. Đọc mẩu chuyện này đến đây, tôi chợt nghĩ đến cuộc đời Giô-sép cũng từng trải qua những biến cố đau thương. Khi cánh cửa yêu thương, đùm bọc của cha bị đóng lại, cánh cửa của gia đình quan thị vệ Phô-ti-pha mở ra cho chàng một trải nghiệm mới trong cương vị quản gia rất được tín nhiệm. Nhưng rồi tai hoạ ập đến, đẩy chàng qua một cánh cửa khác để vào một thế giới xa lạ khác, đằng sau cánh cửa này điều gì sẽ xảy ra tiếp theo trong cuộc đời của Giô-sép? Chúng ta cùng bước vào phân đoạn Kinh Thánh hôm nay trong Sáng Thế Ký 39:21-23 để cùng nhau suy ngẫm.

21 Đức Giê-hô-va phù hộ Giô-sép và tỏ lòng nhân từ cùng chàng, làm cho được ơn trước mặt chủ ngục.
22 Chủ ngục giao hết các kẻ tù trong tay Giô-sép, chẳng việc chi làm qua khỏi được chàng.
23 Chủ ngục chẳng soát lại những việc đã ở nơi tay Giô-sép, vì có Đức Giê-hô-va phù hộ chàng, xui cho việc chi chàng làm cũng được thạnh vượng.

Giải thích

Trong phân đoạn Kinh Thánh Sáng Thế Ký 39:1-6, chúng ta gặp hình ảnh một chàng quản gia tháo vát, trung thực, được chủ hết lòng tin cậy giao quản lý toàn bộ cơ ngơi của mình mà không chút bận tâm lo lắng ngoài việc lựa chọn thức ăn yêu thích. Nhưng chỉ được một khoảng thời gian thì cũng chính người chủ đó đẩy chàng vào ngục chỉ vì thói lẳng lơ của vợ mình mà chẳng nghĩ đến công sức của chàng đã bỏ ra để vun vén, bồi đắp cho cái gia sản của ông. Nghĩ thế nào cũng thấy thật bất công cho chàng. Nếu nhìn trong thời điểm hiện tại của Giô-sép lúc đó, chúng ta sẽ suy nghĩ: thật khó khăn cho chàng chấp nhận thử thách này. Nhưng Thánh Kinh chép rất rõ ràng rằng: “Đức Giê-hô-va phù hộ Giô-sép và tỏ lòng nhân từ cùng chàng, làm cho được ơn trước mặt chủ ngục.” Trong hoàn cảnh tối tăm ấy, thế nhưng vẫn không có một lời ca thán nào từ Giô-sép mà Thánh Kinh ghi lại. Một cậu ấm như chàng làm thế nào để tồn tại trong hoàn cảnh ngục tù mà lại được chủ ngục yêu mến, đây là điều đáng để chúng ta học hỏi.

Trong bản dịch Kinh Thánh hiện đại ghi rằng: “Nhưng Chúa vẫn ở với Giô-sép trong ngục tối.” Rõ ràng, Đức Chúa Trời của Gia-cốp cũng là Đức Chúa Trời của Giô-sép, dù trong hoàn cảnh nào thì mối liên hệ này cũng không thay đổi. Người được Chúa lựa chọn để trở nên hữu dụng phải là người có mối liên hệ khăng khít với Chúa để học biết ý muốn của Ngài. Có thể trong thời điểm đau khổ của cuộc đời, Giô-sép chưa nhận ra ý định của Đức Chúa Trời trên cuộc đời chàng. Nhưng nhịn nhục, học cách chấp nhận hoàn cảnh, học cách thuận phục người khác, có tấm lòng mềm mại, đó mới chính là điều Chúa cần và cũng là điều kiện để được sự tín nhiệm.

Chàng trai trẻ Giô-sép một lần nữa lại được chủ ngục tin dùng trong việc quản lý lao xá, coi sóc phạm nhân. Có một điều khích lệ khiến chúng ta phải suy nghĩ đó là chủ ngục không cần phải bận tâm hay kiểm tra lại bất cứ việc gì đã giao cho chàng làm, vì tất cả đều tốt đẹp và toàn hảo. Cho đến thời điểm này, ngoài việc cho thấy chàng là người tính tình thẳng thắn (Sáng Thế Ký 37:2b), Kinh Thánh còn mô tả: “Giô-sép hình dung đẹp đẽ, mặt mày tốt tươi” nhưng không chép chàng là người năng động, khôn ngoan. Chúng ta thật ngạc nhiên vì sự thành công trong công việc được coi là lạ lẫm đối với chàng ở một đất nước ngoại giáo, văn hóa khác biệt. Dù là nô lệ trong dinh quan thị vệ hay phạm nhân trong nhà tù hoàng gia, mọi việc tay Giô-sép làm đều thạnh vượng, vì sao như thế? Chỉ có thể là vì Đức Chúa Trời hằng ở với chàng. Cả hai lần Kinh Thánh đều khẳng định như thế trong câu 2 và câu 23 của đoạn 39. Ngày nay chúng ta thường áp đặt bằng cấp, kiến thức vào công việc, điều này rất đúng nhưng không có nghĩa là luôn luôn đúng. Trong công việc Chúa nếu không đặt mình vào mối liên hệ với Chúa để được chỉ dẫn thì bằng cấp kiến thức sẽ không có giá trị gì.

Theo đánh giá của con người, hoàn cảnh của Giô-sép được coi là “trong cái rủi có cái may”, nhưng đối với chúng ta theo quan điểm Cơ Đốc, chính Đức Chúa Trời là Đấng tể trị trong mọi việc. Giô-sép vẫn tồn tại được, dù đơn độc và thành công trong công việc ở thế giới ngoại giáo đã minh chứng điều đó. Trong việc nhào nặn một hữu thể hữu dụng, Đức Chúa Trời đặt cả tình yêu thương của Ngài vào sản phẩm đó, nó bao gồm cả phước hạnh và sự thương xót, điều này khích lệ chúng ta mạnh mẽ dâng đời sống mình vào trong tay Chúa.

Cầu nguyện

Lạy Chúa kính yêu! Cuộc đời của Giô-sép thật khích lệ con khi đối diện với những hoàn cảnh đau buồn. Khi cánh cửa của sự hanh thông bị đóng lại đằng sau, trước mắt dù phải đối diện với cánh cửa của sự thử thách gian nan, thì Chúa ôi, xin cho con đủ sự nhịn nhục để học cách chấp nhận theo ý muốn Chúa với lòng tin cậy: phước hạnh và sự thương xót sẽ theo con luôn. Con cám ơn Ngài với lòng thành kính và cầu nguyện trong danh Chúa Jesus Christ. Amen.

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa