Sáng Thế Ký | Ân Điển Chúa Đã Đủ

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýChâm NgônGiô-ênCông VụGia-cơI Phi-e-rơ

Thân chào quý anh chị em yêu dấu trong tình yêu của Chúa Cứu Thế Jesus!

Prebendary Webb Peploe là một trong số các giáo sư lừng danh của giáo hội Anh quốc, đã từng trải qua một sự đau buồn lớn trong đời. Lúc cả gia đình ông đang chơi ở bờ biển thì thình lình một đứa con của ông qua đời. Sau khi chôn cất, ông quỳ gối trong văn phòng, cầu xin Đức Chúa Trời cất sự đau buồn ra khỏi mình. Song ông không nhận được sự an ủi nào, trái lại nước mắt cứ tuôn trào ra. Ông đọc Lời Chúa nhưng cũng thấy buồn bã. Một lúc sau, ông đọc trong nước mắt câu Kinh Thánh được treo ở phía trên tủ áo: “Ân điển ta đủ cho ngươi rồi!” (II Cô-rinh-tô 12:9). Ông la lớn lên: “Lạy Chúa xin tha tội cho con! Con đã cầu xin Ngài ban ân điển đầy đủ cho con, và Ngài đã luôn luôn phán với con: Ân điển ta đủ cho con rồi! Con tạ ơn Ngài vì ân điển đầy đủ ấy và con đang nhận được đây!” Từ đó ông được thêm sức để chiến thắng sự buồn bã. Khi đối diện với thử thách đau buồn mà chưa biết được ý muốn Chúa, chúng ta sẽ làm gì? Chúng ta có chấp nhận hoàn cảnh như Giô-sép trong bài học Kinh Thánh hôm nay trong Sáng Thế Ký 39:16-20 không? Xin Chúa soi sáng chúng ta mỗi khi suy ngẫm Lời Ngài.

16 Người bèn để áo của Giô-sép bên mình đợi khi chủ về nhà,
17 học lại cùng chủ y như lời trước, rằng: Thằng nô lệ Hê-bơ-rơ mà ông khéo đem về nhà đã đến gần đặng chọc ghẹo tôi;
18 nhưng khi tôi cất tiếng la lên, nó tuột áo lại bên tôi, rồi chạy trốn ra ngoài.
19 Vừa khi chủ của Giô-sép nghe lời vợ nói rằng: Đó, kẻ nô lệ ông làm điều như vậy, thì nổi giận phừng phừng,
20 bèn bắt chàng đem bỏ vào tù, là nơi cầm các kẻ phạm tội của vua. Vậy, chàng ở tù tại đó.

Nếu trong phân đoạn Kinh Thánh Sáng Thế Ký 39:1-7 chúng ta thấy một chàng nô lệ vạm vỡ, đẹp trai, được chủ tín nhiệm trong công việc quản gia, mọi sự đối với chàng thật thuận lợi. Bức tranh cuộc đời thật tươi sáng dù mới trải qua biến cố đau buồn vì ly hương, phải xa lìa cha vì sự thù hằn ghen ghét của các anh mình. Thì trong phân đoạn Kinh Thánh hôm nay, một lần nữa bão tố lại ập đến trên cuộc sống tha hương trong thân phận nô lệ của Giô-sép.

Ngoại hình phong độ của mình lúc này là tai hoạ mà có lẽ Giô-sép không ngờ tới. Thân hình lực lưỡng của chàng trai đôi mươi quyến rũ bà chủ không ngừng, bà thèm muốn được chiếm hữu. Bà càng muốn thì Giô-sép lại càng từ chối với lý do: “Trong nhà không có ai lớn hơn tôi, chủ không giữ lại bất luận điều gì ngoại trừ bà vì bà là vợ ông chủ.” (Sáng Thế Ký 39:9). Có lẽ bà chủ suy nghĩ “dù biết là vậy, nhưng tự ta cho phép, thì ngươi cứ thuận theo ý ta, việc gì phải suy nghĩ”. Bà không biết Đức Chúa Trời mà Giô-sép đang thờ phượng còn lớn hơn lệnh của bất cứ ai. Thông đồng với bà, Giô-sép không chỉ phạm phép với ông chủ mà còn phạm tội với Đức Chúa Trời. Suy nghĩ của chàng hoàn toàn đúng với niềm tin của mình. Thế nhưng tại sao Giô-sép lại bị đẩy vào tình cảnh tồi tệ nhất là bị vu oan và đi tới cái kết đắng là phải vào tù?

Bà Phô-ti-pha nghĩ Giô-sép ngại ngùng nên bà hành động trước để Giô-sép không thể tránh khỏi bà, nhưng bà không ngờ Giô-sép cởi áo ngoài và bỏ chạy, một hành động dứt khoát từ chối. Điên tiết vì một tên nô lệ mà dám từ chối mình, bà lật ngược tình thế, vu oan cho Giô-sép rằng đã gạ gẫm mình, vì chiếc áo của chàng còn trong tay bà. Không một ai có mặt để làm chứng rằng Giô-sép bị oan, mà nếu có chắc cũng chẳng dám làm chứng vì biết đâu sẽ bị liên lụy. Một mình Giô-sép đành chịu oan trước mặt chủ. Chủ nổi giận đẩy Giô-sép vào ngục. Chúng ta hãy suy nghĩ tại sao Giô-sép lại bị như vậy? Tại sao Đức Chúa Trời không bày tỏ hành động gì để bênh vực cho Giô-sép?

Điều thứ nhất: Quan thị vệ Phô-ti-pha có khi hiểu rất rõ về vợ mình nên đẩy Giô-sép vào tù để ông khỏi mất mặt với Giô-sép vì bà vợ dâm loạn.

Điều thứ hai: Đức Chúa Trời cho phép Giô-sép bị vu oan là để bảo vệ Giô-sép khỏi sự quấy rầy của bà chủ.

Điều thứ ba: Ở trong tù, Giô-sép sẽ có nhiều thời gian tương giao với Đức Chúa Trời của mình hơn. Giô-sép ở tù chung với các phạm nhân của vua nên sẽ có những trải nghiệm mới về cuộc sống khi tiếp xúc với các phạm nhân.

Có thể, còn có lý do khác nhưng đôi khi chúng ta thắc mắc tại sao Đức Chúa Trời lại đối xử nghiệt ngã với Giô-sép như vậy. Nếu để bảo vệ Giô-sép, Đức Chúa Trời có thể đưa Giô-sép vào môi trường làm việc khác thay vì ở tù. Liệu với tuổi đời còn trẻ như thế, Giô-sép có vượt qua được không? Một cuộc đời ở trong sự tôi luyện của Chúa để tạo nên thành phẩm hoàn mỹ có đôi lúc phải chịu đau đớn như vậy. Sứ đồ Phao-lô là một nhân chứng trải nghiệm điều này đã cho biết Chúa phán với ông: “Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối.” Có trải nghiệm thử thách, đau khổ mới trưởng thành và hữu dụng. Nguyện Chúa cho chúng ta vững vàng trong đức tin trước mọi thử thách.

Cầu nguyện

Lạy Chúa kính yêu! Con không biết tương lai mình sẽ thế nào, trước những thách thức trong cuộc sống, có lúc con không có đủ can đảm từ chối và hành động dứt khoát như Giô-sép. Xin Chúa cho con năng lực mạnh mẽ trước mọi thử thách. Con cám ơn Ngài với lòng thành kính và cầu nguyện trong danh Chúa Jesus Christ. Amen.

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa