Gia-cơ | Cầu Nguyện Trong Mọi Hoàn Cảnh

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýChâm NgônA-mốt

Công Vụ   Các Sứ Đồ

Gia-cơI Phi-e-rơ

Thân chào quý anh chị em yêu dấu trong tình yêu của Chúa Giê-xu!

Ai trong chúng ta cũng đều từng trải qua những thăng trầm của cuộc sống phải không? Cuộc đời có khi lên voi xuống chó, có lúc bế tắc nhưng cũng có khi nở hoa. Quý anh chị em thường làm gì khi ở trong những gam màu sáng tối ấy của cuộc sống? Đặc biệt hơn chúng ta là những Cơ Đốc nhân, là người thuộc về Đức Chúa Trời, đâu là điều chúng ta nên làm trong những hoàn cảnh ấy? Cầu nguyện là hai từ luôn gắn bó mật thiết với đời sống của một Cơ Đốc nhân. Cầu nguyện là một đặc quyền thiêng liêng cao quý. Trong địa vị con cái Đức Chúa Trời, nếu chúng ta suy nghĩ như vậy, chúng ta có thể tự do và dạn dĩ đến trước Ngôi Chúa để thưa với Ngài những điều xảy đến với cuộc sống của mình. Chúa không chỉ nhìn thấy chúng ta trong những khi tăm tối của cuộc đời, Ngài cũng thấy và hòa chung niềm vui với chúng ta cả trong những giờ phút vui sướng, hạnh phúc nữa. Cầu nguyện giúp chúng ta gần Chúa hơn. Thân mời quý anh chị em cùng suy ngẫm Lời Chúa hôm nay qua Gia-cơ 5:13-15 và tìm hiểu lời khuyên CẦU NGUYỆN TRONG MỌI HOÀN CẢNH của sứ đồ Gia-cơ dành cho các tín hữu ngày xưa, và cho cả chúng ta ngày hôm nay.

13 Trong anh em có ai chịu khổ chăng? Người ấy hãy cầu nguyện. Có ai vui mừng chăng? hãy hát ngợi khen.
14 Trong anh em có ai đau ốm chăng? hãy mời các trưởng lão Hội thánh đến, sau khi nhân danh Chúa xức dầu cho người bịnh đoạn, thì các trưởng lão hãy cầu nguyện cho người.
15 Sự cầu nguyện bởi đức tin sẽ cứu kẻ bịnh, Chúa sẽ đỡ kẻ ấy dậy; nếu kẻ bịnh có phạm tội, cũng sẽ được tha.

Chủ đề chính trong phân đoạn Kinh Thánh hôm nay là sự cầu nguyện. Gia-cơ nêu lên 3 trường hợp và có lời khuyên cụ thể cho tín hữu cần phải làm gì trong những hoàn cảnh như thế.

Thứ nhất: Khi chịu khổ – hãy cầu nguyện
Thứ hai: Khi vui mừng – hãy ca ngợi
Thứ ba: Khi ốm đau – hãy mời các trưởng lão trong Hội Thánh đến để xức dầu và cầu nguyện.

Con người ta thường có xu hướng than vãn, buồn rầu, thất vọng, hay oán trách khi ở trong những hoàn cảnh khổ sở, khó khăn. Đó là phản ứng thông thường của người thế gian, nhưng là một người con của Chúa, chúng ta phải có thái độ khác. Là người của Chúa chúng ta biết và phải tin rằng không có bất cứ gì xảy ra nằm ngoài tầm kiểm soát của Chúa. Chúa mà chúng ta đang tin là Đấng luôn luôn đúng, luôn có lý do “chính đáng” để cho phép chuyện gì đến với cuộc đời chúng ta. Thế chỗ cho những thái độ tiêu cực, chúng ta cần phải cầu nguyện. Hành động cầu nguyện nghĩa là chúng ta bày tỏ lòng tin cậy nơi Chúa, giao phó và ủy thác mọi việc cho Ngài.

Với những người có điều vui mừng, Gia-cơ khuyên hãy hát ngợi khen. Con người vốn hay oán trách than vãn trong những lúc tối tăm của cuộc đời, nhưng rồi ở những ngày tươi sáng, đầy ắp niềm vui, sung túc đủ đầy thì chúng ta lại có khuynh hướng quên Chúa. Chúa Giê-xu hiểu và đồng cảm với những cảm xúc của chúng ta. Ngài buồn đau khi thấy chúng ta khổ sở nhọc nhằn, nhưng Ngài cũng rất vui khi chúng ta hạnh phúc, vui tươi. Vậy mà trong những giây phút “màu hồng” trong đời chúng ta lại nỡ quên Chúa sao? Hãy hát ca ngợi Ngài vì những ơn lớn Chúa vẫn dành cho cuộc đời chúng ta nhé!

Trường hợp thứ ba nói về bệnh tật, ốm đau. Gia-cơ nói với đọc giả hãy mời trưởng lão trong Hội Thánh đến để xức dầu và cầu nguyện. Trưởng lão là những người chăm sóc đời sống thuộc linh cho tín hữu lúc bấy giờ. Ngày nay chúng ta có thể mời Mục sư hay những người lãnh đạo tinh thần đến để xức dầu và cầu nguyện. Chữ “xức dầu” trong nguyên văn có nghĩa như việc xức dầu nóng hay dầu gió để chữa bệnh. Động từ chính được nhấn mạnh trong câu vẫn là từ cầu nguyện hơn là từ xức dầu. Hành động xức dầu và cầu nguyện ở đây có nghĩa là giao thác vấn đề cho Chúa, đồng thời vẫn có những thuốc men, chữa trị giúp người đau được khỏi bệnh. Chúa ban cho con người sự khôn ngoan để tìm tòi, phát triển không ngừng về y học. Vì thế ở trong những đau ốm, bệnh tật của cơ thể chúng ta cũng cần đến bác sĩ và thuốc. Chữa bệnh bằng thuốc không phải là chúng ta không đặt lòng tin cậy Chúa, nhưng chỉ có nghĩa là chúng ta sử dụng những phương tiện Chúa ban cho con người. Vẫn có những trường hợp được Chúa chữa bệnh không cần thuốc men hay điều trị. Chúng ta tin rằng ngày nay Chúa vẫn ban ơn chữa bệnh cho nhiều người. Tuy nhiên đây là ân tứ đặc biệt và những người này đặt tay cầu nguyện cần phải biết cách chắc chắn về ơn mình được nhận. Về phần người bệnh không nên xem việc “xức dầu” này có tác dụng y học hay ma thuật nhưng là cách để giúp chúng ta thêm lòng tin nơi Chúa mà thôi. Hai tác dụng của việc xức dầu cầu nguyện là được chữa bệnh và tha tội (câu 15). Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là “bệnh tật có phải là hậu quả của tội lỗi không?” Có thể nói bệnh tật là hậu quả của tội lỗi, nhưng không phải tất cả các trường hợp đều giống nhau. Phúc Âm Giăng 9:3 cho chúng ta biết một trường hợp khác rằng bệnh tật không phải là hậu quả của tội lỗi nhưng “ấy để cho những việc Đức Chúa Trời được tỏ ra trong người”. Sứ đồ Gia-cơ cũng dùng mệnh đề giả định “nếu kẻ bệnh có phạm tội, cũng sẽ được tha”. Như vậy bệnh tật có thể là hậu quả của tội lỗi nhưng KHÔNG PHẢI LUÔN LUÔN là như vậy.

Cầu nguyện với Chúa không phải là điều chúng ta lựa chọn làm lúc này hay khi khác. Đó phải như hơi thở trong cuộc sống chúng ta mọi lúc mọi nơi. Nghĩa là dù trong những lúc sóng gió ba đào, khi đau yếu hay khỏe mạnh, hay lúc hanh thông chúng ta cũng đều cần ở trong mối tương giao với Chúa qua sự cầu nguyện.

Cầu nguyện

Kính thưa Chúa kính yêu, trước hết con muốn cảm tạ Chúa vì Ngài ở với con và hằng lắng nghe tiếng con nguyện cầu trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời con. Con biết Chúa sẽ rất vui lòng khi con quỳ gối đến với Chúa trong lúc vui cũng như buồn, khi khỏe mạnh cũng như lúc ốm đau. Xin Chúa Thánh Linh nhắc nhở con từng hồi từng lúc trong sự cầu nguyện với Chúa. Con cảm tạ Chúa và cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu. Amen.

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa