I Phi-e-rơ | Thái Độ Mới Để Làm Việc
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | A-mốt | Công Vụ | Gia-cơ | I Phi-e-rơ |
Kính chào quý anh chị em thân mến! Thư tín I Phi-e-rơ 2:18-20 là phân đoạn Kinh Thánh đã từng bị lợi dụng cho mục đích cai trị hà khắc trong xã hội đương thời. Nhưng lại là điều gây nhiều tranh cãi trong xã hội hiện đại với điều gọi là công bằng xã hội, tôn trọng nhân quyền.
Trước hết, chúng ta cần biết ngôn từ “tôi tớ” trong phân đoạn Kinh Thánh này không phải là “nô lệ” (douloi, δοῦλοi), mà là “người làm công” (oiketai, οἰκέται). Tức là, những người “tôi tớ” này không phải là những nô lệ bị bắt do dân tộc họ bị thua trong chiến tranh mà bản thân họ phải chịu làm tù binh, hay đất nước họ quá nghèo khổ nên đã bị bán như một hàng hoá trong chế độ nô lệ. Nói cách khác thì đây là những người làm công ăn lương với những công việc phụ giúp trong nhà của các địa chủ, những quan chức lớn có nhiều tiền và nhiều quyền. Vậy thì nếu áp dụng cho thời nay thì đó là những người làm công ăn lương nơi các cơ quan công cộng. Trong đó có cả những y tá hay bác sĩ, binh lính hay sĩ quan, người đi thâu thuế hay quan thâu thuế, người dạy các trẻ em hay giáo sư, người làm chứng hay luật gia… Vậy thì theo Lời Chúa dạy hôm nay chúng ta cần có một THÁI ĐỘ MỚI ĐỂ LÀM VIỆC như thế nào trong chính môi trường hiện tại của mình?
18 Hỡi kẻ làm tôi tớ, hãy lấy lòng rất kính sợ mà phục theo chủ mình, chẳng những phục người chủ hiền lành mà thôi, lại phải phục người chủ khó tánh nữa.
19 Vì nhân cớ lương tâm đối với Đức Chúa Trời, mà chịu khốn nạn trong khi bị oan ức, ấy là một ơn phước.
20 Vả, mình làm điều ác, bị đánh mà hay nhịn chịu, thì có đáng khoe gì? Nhưng nếu anh em làm lành, mà nhịn chịu sự khốn khó, ấy là một ơn phước trước mặt Đức Chúa Trời.
Hiển nhiên, chúng ta không phủ nhận rằng trong xã hội đế quốc Rô-ma thời bấy giờ vẫn còn duy trì chế độ nô lệ. Trong những gia đình giàu có, quan chức của chính phủ Rô-ma vẫn có nhiều người đang chịu làm thân phận nô lệ. Chẳng hạn gia đình của Xa-chê là quan thâu thuế có nhiều người hầu kẻ hạ trong nhà hay gia đình của đại gia Phi-lê-môn có nhiều người tôi tớ như Ô-nê-xim. Tuy nhiên, Cơ Đốc nhân cần phải nhận thức và cần có thái độ mới tích cực theo Lời dạy của Chúa trong sự đòi hỏi của chế độ xã hội đương thời nói riêng và trong xã hội hiện nay cũng như trong tương lai.
Tại đây, chúng ta có thể nhận ra có ba nguyên tắc quan trọng trong nếp sống đạo.
Thứ nhất, đó là thái độ mới mẻ về mối liên hệ giữa người làm công với người làm chủ trong tinh thần Cơ Đốc. Cơ Đốc giáo không chủ trương phá bỏ những khác biệt trong xã hội; nhưng bày tỏ một mối liên hệ mới mẻ về tình huynh đệ thay cho mối quan hệ khắc nghiệt về chủ tớ. Bởi vì nơi nào biến đổi trong tinh thần của tình huynh đệ thì sẽ không còn tranh chấp về việc người này là chủ kẻ kia là tớ. Giữa họ có một sự biến đổi về chất bên trong thay cho sự phải duy trì cái vỏ bọc bên ngoài mà xã hội hay chế độ đã khoác lên cho họ.
Thứ hai, Cơ Đốc giáo bày tỏ một thái độ mới đối với công việc mà mỗi người phải làm hay được giao phó cho làm. Kinh Thánh tin quyết rằng mọi việc Cơ Đốc nhân làm đó là làm cho Chúa Giê-xu, vì vinh hiển Cha (I Cô-rinh-tô 10:31). Nên chúng ta phải nhân danh Chúa Giê-xu mà làm trong tinh thần cảm tạ Chúa Cha (Cô-lô-se 3:17). Như vậy, lý tưởng của công việc mình làm không nhằm tạo uy tín, danh tiếng cá nhân mình, không phải để có nhiều tiền bạc trở nên giàu có cho mình. Lý tưởng của công việc chúng ta làm là vì Chúa, làm đẹp lòng Chúa. Hiển nhiên, người làm công thì cần phải được hưởng tiền lương đúng với sức lao động mình bỏ ra. Nhưng Cơ Đốc nhân tin quyết rằng mình cần làm việc thật siêng năng và nỗ lực hết sức để trình dâng lên cho Chúa. Cho dù người chủ có khắt khe giám sát kỹ hay cho làm việc một cách thoải mái thì Cơ Đốc nhân vẫn trung tín mà làm. Bởi vì tin rằng Chúa thấy trong sự kín nhiệm đó mà thưởng cho, cũng như ban phước hạnh lâu bền cho chúng ta và con cháu chúng ta.
Thứ ba, ngay trong những trường hợp Cơ Đốc nhân bị đối xử bất công, chịu sỉ nhục và bị đánh thương tích là điều thường xảy ra trong xã hội phong kiến thời bấy giờ, thì trong những lúc ấy hãy nhìn xem Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời cũng từng hạ mình chịu khổ như là một Đầy tớ khốn khổ. Ngài đã chấp nhận sỉ nhục và khổ đau để rồi mang lại con đường giải cứu cho nhiều người. Trong những lúc ấy chúng ta hãy tín thác Chúa hoàn toàn. Tức là thật lòng tin cậy và giao phó mình trong tay Chúa toàn năng để kêu cầu Chúa thương xót giải cứu. Việc giải cứu này không chỉ cho từng cá nhân chúng ta cách tức thì những vấn đề trước mắt; nhưng sẽ trở nên một luật định tốt lành cho sự giải cứu toàn thể thế giới và cộng đồng nhiều người. Đến đúng thời điểm của Chúa thì mọi sự sẽ được thay đổi vì Ngài đang tể trị thế giới.
Thái độ cần có của cả người chủ hay người làm công là Cơ Đốc nhân là cần phải giữ tinh thần yêu thương, tha thứ và có sự tích cực trong nếp sống, trong mọi công việc mình đang làm.
Cầu nguyện
Lạy Cha từ ái! Cảm tạ Chúa vì chính Chúa đã thương xót và cứu rỗi chúng con từ trong linh hồn cho đến thể xác. Ngài cũng giải cứu chúng con từ từng cá nhân cho đến toàn thể cộng đồng. Chúng con tin rằng khi Chúa thăm viếng thì không chỉ cá nhân con mà sẽ ảnh hưởng tốt đến gia đình, đến dân tộc và đất nước nữa. Cảm tạ Chúa vô cùng. Chúng con cầu nguyện trong danh Thánh Chúa Giê-xu Christ. Amen.
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét