Sáng Thế Ký | Điều Đức Chúa Trời Làm
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | A-mốt | Công Vụ | Gia-cơ | I Phi-e-rơ |
Kính chào quý anh chị em thân mến trong tình yêu của Chúa Cứu Thế Jesus!
Trong Thánh Kinh Cựu Ước, có hai người được ơn giải điềm chiêm bao, một là Giô-sép, hai là Đa-ni-ên. Cả hai có những điểm chung là đều ở trong thân phận nô lệ khi thực hiện công việc này và cả hai đều được tín nhiệm. Họ có mối tương giao đặc biệt với “Thần của mình” là Đức Chúa Trời. Sống trong thế giới ngoại giáo nhưng họ không ngần ngại bày tỏ niềm tin của mình nơi Đức Chúa Trời. Còn trong Tân Ước, trước khi về trời Chúa Jesus đã dặn các môn đồ “đừng ra khỏi thành Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở đó chờ điều Cha đã hứa, là điều các ngươi đã nghe ta nói”. Họ vâng lời Chúa, và phép lạ đã xảy ra trên cuộc đời họ, được đánh dấu bằng một sự kiện mang tính xác thực giá trị, đó chính là sự hiện hữu của Đức Thánh Linh trong ngày Lễ Ngũ Tuần của người Do Thái. Họ chỉ là những người rất bình thường, nhưng khi được chọn làm sứ ngôn cho Ngài, Chúa đã ban ơn đặc biệt, khiến lời chứng của họ có tính thuyết phục người nghe. Còn chúng ta ngày nay thì sao? Chúng ta có bằng lòng để Chúa làm việc của Ngài qua đời sống chúng ta không? Mời quý anh chị em cùng suy ngẫm Lời Chúa hôm nay trong Sáng Thế Ký 41:25-32.
25 Giô-sép tâu cùng Pha-ra-ôn rằng: Hai điềm chiêm bao của bệ hạ thấy đó đồng một nghĩa mà thôi; Đức Chúa Trời mách cho bệ hạ biết trước những việc Ngài sẽ làm.
26 Bảy con bò mập tốt đó, tức là bảy năm; bảy gié lúa chắc đó cũng là bảy năm. Ấy chỉ đồng một điềm chiêm bao vậy.
27 Bảy con bò xấu dạng gầy guộc lên theo sau bảy con bò kia, tức là bảy năm; và bảy gié lúa lép bị gió đông thổi háp đó, tức là bảy năm đói kém.
28 Ấy là điều tôi đã tâu cùng bệ hạ rồi: Đức Chúa Trời có cho bệ hạ thấy những việc Ngài sẽ làm.
29 Nầy, trong khắp xứ Ê-díp-tô sẽ có bảy năm được mùa dư dật.
30 Nhưng bảy năm đó lại liền tiếp bảy năm đói kém; dân bổn xứ đều sẽ quên sự dư dật đó, và ách đói kém sẽ làm cho toàn xứ hao mòn.
31 Và vì sự đói kém liên tiếp nầy lớn quá, nên thiên hạ chẳng còn thấy chi về sự dư dật đó nữa.
32 Nếu điềm chiêm bao đến hai lần cho bệ hạ, ấy bởi Đức Chúa Trời đã quyết định điều đó rồi, và Ngài mau mau lo làm cho thành vậy.
Tháng năm chờ đợi trong tù, cuối cùng quan tửu chánh cũng nhớ tới lời thỉnh cầu của Giô-sép vì giấc chiêm bao của vua Pha-ra-ôn. Giô-sép được diện kiến Pha-ra-ôn với lý do: “Ta có một giấc mộng mà chẳng ai giải được. Nhưng ta nghe nói ngươi có tài giải mộng.” Giô-sép đáp: “Không phải tôi có tài, nhưng Thượng Đế sẽ giải đáp thắc mắc cho bệ hạ.” (Sáng Thế Ký 41:15-16). Khi tiến cử Giô-sép với vua, quan tửu chánh đã tường thuật lại sự việc xảy ra với mình và quan thượng thiện với nhận định: “Quả nhiên, việc xảy ra đúng như lời anh ấy nói.” Nhưng Giô-sép không nhận mình có tài mà khẳng định: “để đem lại sự bình an cho vua Đức Chúa Trời sử dụng tôi như là một công cụ truyền đạt với vua việc Ngài muốn thực hiện”.
Điều đầu tiên Giô-sép muốn bày tỏ cho vua biết đó là: Đức Chúa Trời là Đấng thực hữu. Trước đó, khi giải mộng cho quan tửu chánh, Giô-sép đã từng nói điều này với quan: “Giải mộng là việc của Thượng Đế” (Sáng Thế Ký 40:8b). Nhưng có lẽ quan tửu chánh chẳng bao giờ dám nói chi tiết này với vua, vì quần thần của vua có thừa những nhà thuật sĩ, bói khoa. Họ được vua sử dụng để phục vụ cho vua, nhưng trong giấc chiêm bao lần này của vua, họ bất lực, các thần mà họ đang tôn thờ không giải quyết được vấn đề họ cần. Điều này chứng tỏ những vị thần đó không có thật. Việc Giô-sép khẳng định Đức Chúa Trời có liên quan đến các giấc mộng không chỉ bày tỏ niềm tin vào “vị thần” của mình mà còn chứng minh cho cả triều đình của Pha-ra-ôn biết sự thực hữu Đức Chúa Trời.
Điều thứ hai: Đức Chúa Trời là Đấng tể trị mọi sự. Trong phân đoạn Kinh Thánh chúng ta suy ngẫm hôm nay, không dưới ba lần Giô-sép quả quyết với vua rằng Đức Chúa Trời sẽ hành động trên thiên nhiên, điều đó ảnh hưởng đến kinh tế, đời sống của con người (câu 25, 28, 32). Ngài báo trước cho vua biết, hai giấc chiêm bao vua thấy có cùng ý nghĩa để khẳng định việc Đức Chúa Trời sẽ hành động.
Chúng ta thử suy nghĩ, làm thế nào để Giô-sép có thể thuyết phục được vua và các quần thần trong sự việc này? Chàng chỉ là một tên nô lệ người Hê-bơ-rơ mà họ không rõ lai lịch, ngoài việc làm quản gia cho nhà quan thị vệ và bị tống vào ngục với tội danh quấy rối tình dục với vợ quan thị vệ, trong địa vị thấp hèn như thế, sao có thể sánh với các vị học giả, pháp sư Ai Cập của hoàng cung? Hơn ai hết, vua là người cảm nhận được tính chất nghiêm trọng của hai giấc chiêm bao vì nó làm tâm thần vua bất định. Giô-sép là ai mà “Thần của chàng” cho vua biết sự việc sẽ xảy ra trong tương lai? Vậy còn các thần của vua thì sao, có đoán định được gì cho vua và đất nước của người không? Chắc chắn trong lời giải mộng của Giô-sép có uy quyền của Đức Chúa Trời, Đấng tể trị mọi sự mới có thể bắt phục được vua và các triều thần. Lúc này, Giô-sép là ai không còn quan trọng bằng hai giấc chiêm bao của vua đã được hóa giải khiến lòng vua được bình an như lời Giô-sép đã nói: “Đức Chúa Trời đem sự bình an đáp cho bệ hạ vậy.” (câu 16).
Trường hợp của Giô-sép, rõ ràng có điều rất đặc biệt giúp chúng ta học biết: Người được Chúa đại dụng là người có uy quyền của Chúa chứ không theo đánh giá của con người.
Cầu nguyện
Kính lạy Đức Chúa Trời, Đấng đang tể trị mọi sự, cảm ơn Ngài về những bài học từ cuộc đời Giô-sép. Xin sử dụng con trở nên người hữu dụng trong nhà Ngài, con cảm ơn Ngài và cầu nguyện trong danh Chúa Jesus Christ. Amen.
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét