I Phi-e-rơ | Gánh Thay
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | A-mốt | Gia-cơ | I Phi-e-rơ |
Kính thưa quý vị và các bạn! Trên trường thế giới, mỗi quốc gia đều có một vài biểu tượng mà khi nhìn vào đó có thể nhận biết được đó là thuộc quốc gia nào. Đất nước và con người Việt Nam chúng ta có nhiều biểu tượng đẹp, trong đó hình ảnh một người đội nón lá và trên vai với đôi gánh là biểu tượng mang nhiều ý nghĩa. Biểu tượng này tượng trưng cho hình ảnh về người cha hay người mẹ gánh trên vai những gánh gạo, những gánh hàng hoá trong việc tảo tần mưu sinh để nuôi con cái của mình, hay là gánh những đứa con của mình trong những cuộc di tản vì chiến tranh trong lịch sử để cứu các con thơ dại của mình tránh khỏi bom đạn.
Như vậy, biểu tượng đôi gánh của người Việt Nam chúng ta mang ý nghĩa vừa cao đẹp vừa tốt lành, nhưng cũng vừa vất vả vừa đau thương. Trong thư tín I Phi-e-rơ 2:24 cũng bày tỏ về hình ảnh Chúa Giê-xu đã GÁNH THAY tội lỗi của nhân loại trên đôi vai của Ngài. Nhờ đó mà nhân loại được giải cứu khỏi sự phán xét của Đức Chúa Trời.
24 Ngài gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ, hầu cho chúng ta là kẻ đã chết về tội lỗi, được sống cho sự công bình; lại nhân những lằn đòn của Ngài mà anh em đã được lành bịnh.
Hình ảnh Đức Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên cây gỗ hình chữ thập trên đồi Sọ Gô-gô-tha là một trong những biểu tượng mang ý nghĩa thuộc linh sâu nhiệm liên quan đến nhân loại chúng ta. Lời Kinh Thánh ghi: “Ngài gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ, hầu cho chúng ta là kẻ đã chết về tội lỗi, được sống cho sự công bình.” Khi ấy hai bàn tay của Ngài bị giang ra và bị đóng bằng đinh vào thân cây gỗ. Đó là hình ảnh bày tỏ Chúa Giê-xu đã giang cánh tay ra để gánh lấy toàn bộ tội lỗi của nhân loại trên đôi vai của Ngài. Ấy là điều mà câu Kinh Thánh trên bày tỏ rõ ràng cả nội dung và hình thức. Biểu tượng ấy cũng nói lên việc Chúa Giê-xu đã sẵn sàng chết thay cho chúng ta, Ngài bằng lòng mang tội lỗi của con người tại thập tự giá trên chính thân thể của Ngài.
Như vậy, chúng ta là người tin Chúa Giê-xu là Đấng Cứu Thế cũng hiệp một với Ngài trong sự chết chuộc tội ấy. Chúng ta cũng đã quyết định và tuyên bố rằng mình đồng chịu chết với Ngài về phương diện tội lỗi. Nói cách khác, bản ngã hay bản chất con người bề trong của chúng ta đã cùng với Chúa Giê-xu chết tại thập tự giá trên đồi Gô-gô-tha. Và cũng đồng một ý nghĩa đó, tại ngôi mộ trống của Ngài tại chân đồi Gô-gô-tha thì chúng ta được đồng sống lại với Chúa Giê-xu trong sự công bình. Sự công bình của chúng ta có được đó không phải của nỗ lực bản thân chúng ta, mà của sự xưng công bình bởi đức tin nơi Chúa Giê-xu là Cứu Chúa của chúng ta.
“Lại nhân những lằn đòn của Ngài mà anh em đã được lành bịnh.” Trước khi Đức Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên thập tự giá thì trước đó Ngài đã bị đánh 40 roi bằng roi da móc sắt tan thân nát thịt. Điều này mang ý nghĩa liên hệ đến sự chữa lành bệnh tật của chúng ta nữa. Nhờ đó mà chúng ta ngày nay được an ủi và kinh nghiệm sự chữa lành thật sự. Khi chúng ta ăn năn, xưng nhận tội lỗi của mình thì những căn bệnh trong thân thể, những bệnh tật liên quan đến tâm hồn của chúng ta có gốc rễ liên quan đến tội lỗi từ trong tâm linh bị sa ngã cũng được chữa lành thông qua sự chết và những đòn roi mà Chúa Giê-xu đã chịu vì cớ chúng ta. Đó là điều đã làm ứng nghiệm lời tiên tri mà Ê-sai đã từng rao báo về Ngài: “Thật người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta; mà chúng ta lại tưởng rằng người đã bị Đức Chúa Trời đánh và đập, và làm cho khốn khổ. Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh.” (Ê-sai 53:4-5).
Một lần nữa chúng ta hãy suy ngẫm về điều diệu kỳ này cùng với sứ đồ Phao-lô và nhận thức đây là sự kiện thuộc linh quan trọng cho đời sống của chúng ta khi chúng ta xưng nhận đức tin của mình trước Chúa: “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi.” (Ga-la-ti 2:20).
Cầu nguyện
Lạy Chúa! Tạ ơn Chúa vì Ngài đã tự nguyện hy sinh vì cớ yêu thương chúng con khi chúng con đang là người có tội, đáng chịu chết mất vì cớ tội lỗi của mình. Tạ ơn Chúa vì sự tha thứ của Ngài cho chúng con, chữa lành bệnh tật chúng con và cứu chúng con khỏi sự phán xét khủng khiếp. Con cảm tạ Chúa, trong danh Chúa Giê-xu Christ. Amen.
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét