Gia-cơ | Khi Người Công Bình Cầu Nguyện
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | A-mốt | Gia-cơ | I Phi-e-rơ |
Mến chào anh chị em trong tình yêu và ân điển dư dật của Chúa Cứu Thế Giê-xu!
“Chúa ơi, sao mẹ con vẫn chưa tỉnh lại? Chúa có đang lắng nghe lời cầu nguyện của con không?” Đây là lời cầu nguyện trong nước mắt với một tấm lòng đầy đau đớn và nghi ngờ của Lisa. Mẹ của cô gái nhỏ 8 tuổi này bị tai nạn xe hơi trên đường đi làm về, đã hơn một tuần nay, bà ấy cứ nằm đó với một mớ lộn xộn những dây nhợ chằng chịt khắp người. Lisa ngày nào cũng cầu nguyện cho mẹ mau tỉnh lại, thậm chí em còn nhịn ăn để bày tỏ tấm lòng thành khẩn của mình với Chúa. Vậy mà Chúa vẫn dường như im lặng. Trong những hoàn cảnh dường như tối tăm nhất xảy đến với cuộc đời mình, chúng ta yếu ớt kêu cầu với Chúa xin Ngài đem chúng ta ra khỏi. Chúa không khoanh tay đứng nhìn khi thấy con trai, con gái yêu quý của Ngài đang ngày đêm đối diện với muôn vàn hiểm nguy, đau đớn, chỉ là vì Chúa đang chờ để thấy chúng ta dốc lòng và đến với Chúa cách khẩn thiết hơn. Khi đối diện với thử thách, khó khăn thì thái độ trong sự cầu nguyện là điều quan trọng hơn hết. Thân mời quý anh chị em cùng suy ngẫm Lời Chúa hôm nay trong sách Gia-cơ 5:16-18 với chủ đề KHI NGƯỜI CÔNG BÌNH CẦU NGUYỆN.
16 Vậy hãy xưng tội cùng nhau và cầu nguyện cho nhau, hầu cho anh em được lành bịnh: người công bình lấy lòng sốt sắng cầu nguyện, thật có linh nghiệm nhiều.
17 Ê-li vốn là người yếu đuối như chúng ta. Người cầu nguyện, cố xin cho đừng mưa, thì không mưa xuống đất trong ba năm rưỡi.
18 Đoạn người cầu nguyện lại, trời bèn mưa, và đất sanh sản hoa màu.
Sau khi nói về vai trò của sự cầu nguyện đối với bệnh tật (Gia-cơ 5:13-15), Gia-cơ đưa ra một lời tóm tắt mang tính suy diễn để làm rõ năng quyền của sự cầu nguyện. Tội mà Gia-cơ đang đặc biệt đề cập đến có thể là tội của người bệnh, vốn có thể là căn nguyên của những đau đớn về thể xác người đó đang mang, hoặc cũng có thể là tội nói chung của các tín hữu. Dù thế nào chăng nữa thì chính tội lỗi đã làm cho lương tâm chúng ta bị vấy bẩn, và để cho lương tâm trở nên trong sạch về tội lỗi, Gia-cơ khuyên chúng ta hãy xưng tội với nhau, tức là xưng tội với những cá nhân bị tổn hại do tội lỗi chúng ta gây ra. Thật ra, xưng tội với Đức Chúa Trời vốn dễ dàng hơn là xưng tội với người ta. Thế nhưng nguyên tắc vận hành của vương quốc Thiên Đàng chính là yêu thương và thành thật. Việc chúng ta xưng tội cùng nhau không chỉ thể hiện nếp sống thành thật với nhau mà còn là tinh thần sẵn sàng yêu thương và tha thứ cho nhau. Từ đó chúng ta được khỏe mạnh cả về thể xác lẫn phần tâm hồn.
Cuối câu 16, sứ đồ Gia-cơ đề cập đến “người công bình lấy lòng sốt sắng cầu nguyện, thật có linh nghiệm nhiều”. Thánh Kinh thường dùng chữ “người công bình” để chỉ những người đã được Chúa tha tội. Ở câu trước ông nói đến việc xưng tội cùng nhau cho nên chữ “người công bình” ở đây nói đến người đã xưng tội và đã được tha thứ. Như vậy lời cầu nguyện của một người có lòng trong sạch chắc chắn sẽ được Chúa lắng nghe và nhậm lời. Giăng 9:31 cũng khẳng định điều này, “Chúng ta vẫn biết Đức Chúa Trời chẳng nhậm lời kẻ có tội, mà nếu ai kính sợ Đức Chúa Trời, làm theo ý muốn Ngài, thì Ngài nhậm lời.” Lời cầu nguyện đầy linh nghiệm của người công bình có những đặc điểm như tha thiết, nhiệt thành, sốt sắng, và mạnh mẽ. Và trường hợp của Ê-li trong câu 17-18 là một ví dụ minh họa.
Câu chuyện về tiên tri Ê-li được chép trong sách I Các Vua 17-19 cho chúng ta thấy rằng dù là một tiên tri vĩ đại, Ê-li cũng có những lúc yếu đuối rất đỗi bình thường của một con người. Ông đã mạnh mẽ chiến đấu với 450 tiên tri của Ba-anh nhưng lại sợ hãi trốn chạy chỉ với một lời hăm dọa của hoàng hậu Giê-sa-bên. Tuy vậy Gia-cơ vẫn nêu gương cầu nguyện của tiên tri Ê-li để dạy dỗ cho các tín hữu. Yếu tố làm cho lời cầu nguyện của Ê-li được nhậm là cố xin: “Người cầu nguyện, cố xin cho đừng mưa, thì không mưa xuống đất trong ba năm rưỡi. Đoạn người cầu nguyện lại, trời bèn mưa, và đất sanh sản hoa màu.” (câu 17-18). Cố xin hàm ý bền chí, kiên trì, hết lòng, sốt sắng trong khi cầu nguyện. Qua đó chúng ta có thể thấy rằng sự cầu nguyện linh nghiệm không bị giới hạn cho một số ít người như các tiên tri ngày xưa, hay mục sư, truyền đạo, các chấp sự trong Hội Thánh ngày nay. Tất cả những người tin Chúa đều có thể trở thành những người cầu nguyện, cầu thay một cách đầy linh nghiệm như nhau mà không giới hạn ở chức vị, kiến thức hay bất kỳ yếu tố nào. Trong sự cầu nguyện, yếu tố bền lòng, sốt sắng và kiên trì trở nên rất quan trọng. Đức Chúa Trời có thừa khả năng để đáp ứng ngay tức khắc những điều chúng ta cầu xin nhưng Ngài vẫn dành thời gian để nhìn xem chúng ta có đủ tấm lòng sốt sắng, chuyên tâm trong sự mình cầu xin hay không.
Cầu nguyện
Lạy Chúa yêu dấu, cảm ơn Chúa vì hôm nay con được đến và cầu nguyện với Ngài giờ này. Có những khi con nản lòng và khó chịu vì Chúa không nhậm lời con cầu xin, vì vậy mà con thờ ơ, xao lãng trong thì giờ đến với Ngài. Chúa ơi xin tha thứ cho những yếu đuối của con. Xin Chúa giúp con bền lòng, sốt sắng trong khi cầu nguyện để được nhìn thấy kết quả lớn lao và kỳ diệu Chúa ban cho. Có những lúc nào con yếu lòng thì xin Thánh Linh Chúa thôi thúc và đầy dẫy trong lòng con, giúp con kiên trì cầu nguyện cho đến cuối cùng. Con cảm tạ Chúa và cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu. Amen.
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét