Sáng Thế Ký | Thương Tổn Được Xoa Dịu
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | A-mốt | Gia-cơ | I Phi-e-rơ |
Kính chào quý anh chị em thân mến trong tình yêu của Chúa Cứu Thế Jesus!
Một vị mục sư ở Hoa kỳ, ngày kia đi ra phố thấy có cửa hiệu ghi tấm bảng quảng cáo như sau: “Chúng tôi nhận sửa chữa, vá, hàn, gắn tất cả mọi thứ, chỉ trừ những tấm lòng tan vỡ”. Vị mục sư bèn ghé lại hỏi bà chủ cửa hiệu: “Bà ơi, vậy nếu gặp người có tấm lòng tan vỡ thì bà làm sao?” Bà chủ cửa hiệu trả lời: “Thì đưa họ vào bệnh viện.” Chúng ta biết rằng bệnh viện cũng chẳng chữa được tấm lòng tan vỡ. Vậy ai có thể hàn gắn được một tấm lòng tan vỡ, đầy thương tổn? Có lẽ quý anh chị em đã có câu trả lời, đó là chẳng ai khác ngoài Chúa Giê-xu. Thật đúng vậy, nhưng chỉ có Chúa làm cho chúng ta thì vẫn chưa đủ, mà còn cần đến sự tương tác của chúng ta nữa. Chúng ta cần có tấm lòng mềm mại đón nhận sự hàn gắn của Chúa, đó là cách chúng ta tự xoa dịu những thương tổn do người khác đem đến cho mình. Nghe thật dễ, nhưng thực tế chẳng dễ làm chút nào. Chúng ta cùng nhau suy ngẫm Lời Chúa qua phân đoạn Kinh Thánh Sáng Thế Ký 41:50-52 để học cách xoa dịu những tổn thương trong tâm hồn của Giô-sép như thế nào.
50 Trước khi đến năm đói kém, thì Ách-nát, con gái Phô-ti-phê-ra, thầy cả thành Ôn, sanh cho Giô-sép hai con trai.
51 Giô-sép đặt tên đứa đầu lòng là Ma-na-se, vì nói rằng: Đức Chúa Trời đã làm cho ta quên điều cực nhọc, và cả nhà cha ta.
52 Người đặt tên đứa thứ nhì là Ép-ra-im, vì nói rằng: Đức Chúa Trời làm cho ta được hưng vượng trong xứ mà ta bị khốn khổ.
Khi chính thức làm tể tướng xứ Ai Cập, Giô-sép được Pha-ra-ôn đổi tên là Xa-phơ-nát-Pha-nê-ách, theo bản dịch hiện đại thì có nghĩa là “người cứu mạng”. Được trở thành nhân vật quan trọng hàng đầu sau vua của Ai Cập, Giô-sép còn được Pha-ra-ôn cưới cho một người vợ là Ách-nát. Kết quả đầu tiên của cuộc hôn nhân này là Ma-na-se ra đời. Cũng như người Việt Nam chúng ta, cái tên đặt cho con đều mang một ý nghĩa nào đó hoặc nói lên điều ao ước, kỳ vọng cha mẹ đặt vào con cái. Tên Ma-na-se với ý nghĩa “làm cho quên”, Giô-sép như muốn tự nhắc nhở chính mình cần phải quên đi quá khứ đau buồn, cay đắng. Tự ông có thể làm được điều đó chăng? Khi mà xâu chuỗi lại những sự kiện đen tối trong cuộc đời Giô-sép.
Đầu tiên là tình cảm của các anh trong gia đình. Trên đường bị bán qua Ai Cập, Giô-sép nhớ cha thế nào, có ai hiểu cho chàng? Còn các anh thì vứt bỏ đứa em trong một hố nước mà vẫn điềm nhiên ngồi lại ăn uống với nhau. Tệ hơn là đạp em mình xuống thân phận một tên nô lệ biệt xứ.
Trong nhà quan thị vệ, thời gian được biệt đãi, Giô-sép đã hết lòng, nhọc công đem lại sự phồn thịnh cho nhà chủ. Vậy mà không một chút do dự, người chủ tống chàng vào ngục chỉ vì nghe lời bà vợ dâm đãng. Có phải vị quan này trút cơn giận đối với bà vợ lên Giô-sép không? Thật oan uổng và ấm ức biết bao.
Còn thời gian trong tù thì vô thời hạn, nếu không nhờ hầu hạ cho hai quan tửu chánh và quan thượng thiện. Hi vọng được giải oan đặt cả vào quan tửu chánh mà cũng phải mất đến hai năm sống trong sự thấp thỏm đợi chờ.
Qua những sự kiện đen tối trong cuộc đời đã dạy cho Giô-sép những bài học quý giá:
Thứ nhất, xa gia đình Giô-sép phải tự thân vận động, học cách thích ứng với hoàn cảnh khiến chàng trở thành một người mạnh mẽ, bản lĩnh, tự tin và điều quan trọng nhất là nhờ cậy vào Đức Chúa Trời.
Thứ hai, tại nhà quan thị vệ dù trong phạm vi nhỏ Giô-sép học được cách quản lý, điều hành công việc giống như công việc sau này của quan tể tướng.
Thứ ba, trong tù Giô-sép học được cách phục vụ trong hoàng cung, được tiếp xúc với thành phần thuộc hoàng triều, điều này có thể làm cho chàng không ngỡ ngàng lúng túng khi trở thành tể tướng, bắt đầu tiếp xúc với văn hoá Ai Cập – một văn hoá ngoại giáo.
Từ những tổn thương do người khác đem lại cho mình, Giô-sép lại thêm lên được vốn sống cho bản thân như ý nghĩa của tên Giô-sép là “thêm vào” (Sáng Thế Ký 30:24). Trong những biến cố đen tối của cuộc đời, Giô-sép cảm nhận được bàn tay tể trị của Đức Chúa Trời trên cuộc đời mình nên khi bắt đầu một giai đoạn mới trong cuộc sống, Giô-sép biết mình cần phải thêm vào tâm trí sự quên lãng về quá khứ đau buồn, không nên để điều đó ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại. Ông sẽ được nhắc nhở hằng ngày qua Ma-na-se.
Ứng nghiệm lời giải nghĩa của Giô-sép về giấc chiêm bao của vua, Ép-ra-im ra đời trong những năm được mùa của Ai Cập, Giô-sép làm công việc theo chức vị và thẩm quyền của một vị tể tướng. Giô-sép được xoa dịu những nỗi đau quá khứ qua kết quả của công việc và hạnh phúc trong gia đình, ý nghĩa của tên Ép-ra-im nhắc Giô-sép biết mình là người “có kết quả” nhưng không tự tôn, tự đại mà chỉ biết rằng mọi sự đều do “Đức Chúa Trời làm cho ta”.
Nguyện bài học về Giô-sép hôm nay nhắc nhở chúng ta: Đức Chúa Trời là Đấng tể trị mọi sự trong cuộc đời chúng ta, để chúng ta thêm lòng tin cậy Ngài.
Cầu nguyện
Lạy Chúa yêu dấu, cuộc sống với nhiều sự xung đột trong các mối quan hệ đem đến cho con nhiều thương tổn trong lòng khó quên. Con chỉ biết trình dâng cho Ngài, xin Chúa thêm lên trong tâm trí con sự quên lãng những thương tổn đó và con ước ao được Ngài xoa dịu những thương tổn trong cuộc đời con. Con cảm ơn Ngài với lòng thành kính con cầu nguyện trong danh Chúa Jesus Christ. Amen.
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét