A-mốt | Lời Kêu Gọi Khẩn Cấp

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýChâm NgônA-mốt

Công Vụ   Các Sứ Đồ

Gia-cơI Phi-e-rơ

Bạn thân mến! Chuyện kể rằng có một thương gia sau chuyến đi buôn thành công thì trở về trên chiếc thuyền buôn của mình với một bao tiền lớn. Không may thuyền bị chìm, nhưng thật may bao tiền lại nổi. Có một chiếc máy bay bay ngang qua, họ quăng xuống cho ông một sợi dây, bảo ông nắm sợi dây để được cứu lên. Ông không chịu buông bao tiền để nắm sợi dây. Người trên máy bay liên tục phát ra lời kêu gọi khẩn cấp: “Hãy buông bao tiền và nắm chắc sợi dây!” Nhưng người thương gia kia tiếc tiền, nghĩ rằng bao tiền lớn sẽ như chiếc phao có thể cứu được mình. Bao tiền giấy thấm nước dần trở nên nặng và chìm xuống, kéo theo người thương gia vào lòng biển. Đây cũng là hình ảnh của dân Y-sơ-ra-ên, họ muốn tự cứu mình bởi tôn giáo thay vì tìm kiếm Đức Chúa Trời. Mời bạn đến với A-mốt 5:4-6 để một lần ngẫm lại chính mình.

4 Đức Giê-hô-va phán cùng nhà Y-sơ-ra-ên như vầy: Hãy tìm kiếm ta, thì các ngươi sẽ sống!
5 Chớ tìm kiếm Bê-tên, chớ vào trong Ghinh-ganh, đừng đi đến Bê-e-Sê-ba. Vì Ghinh-ganh sẽ bị đày, Bê-tên sẽ trở nên một nơi đổ nát.
6 Hãy tìm kiếm Đức Giê-hô-va, thì các ngươi sẽ sống; bằng chẳng vậy, Ngài sẽ như một ngọn lửa thiêu đốt hừng lên trong nhà Giô-sép, ở Bê-tên không ai có thể tắt được.

Có ba địa danh được nhắc trong phân đoạn Kinh Thánh này, mỗi địa danh đều nhắc đến một kỷ niệm tuyệt vời. Bê-tên là địa danh ghi dấu nơi Gia-cốp gặp gỡ Đức Chúa Trời. Với kinh nghiệm thuộc linh đó, Gia-cốp đã đặt tên cho vùng đất này là Bê-tên, nghĩa là “nhà của Đức Chúa Trời”. Khi nhắc đến Ghinh-ganh, Kinh Thánh cho biết đây là địa danh vùng biên giới trước khi bước vào đất hứa. Nơi đây dân Y-sơ-ra-ên được Giô-suê cắt bì tập thể. Tên này có nghĩa là “hòn đá lăn”, muốn nói lên tội lỗi của dân Y-sơ-ra-ên đã được lăn khỏi họ qua sự cắt bì. Bê-e-sê-ba, một địa danh ghi kỷ niệm về sự thề nguyện không xâm phạm lẫn nhau giữa Áp-ra-ham và vua A-bi-mê-léc. Nơi đây nhắc nhở dân sự về sự phân rẽ giữa dân Đức Chúa Trời với thế giới ngoại giáo. Đối với người Y-sơ-ra-ên họ xem ba nơi này rất thiêng liêng, nó trở thành những trung tâm tôn giáo để người Y-sơ-ra-ên đến dâng tế lễ và thờ phượng Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, họ đã biến những nơi này trở thành những nơi ô uế bởi sự thờ phượng hội nhập các thói tục thờ phượng ngoại giáo.

Người Y-sơ-ra-ên nghĩ rằng khi đến Bê-tên, Ghinh-ganh hay Bê-e-sê-ba thờ phượng họ sẽ gặp Chúa, sẽ được Chúa bảo vệ khỏi mọi tai họa. Nhưng A-mốt cho biết, những nơi đó sẽ bị tan hoang bởi chiến tranh. Bởi vì Đức Chúa Trời gớm ghiếc hình thức thờ phượng của họ không theo Lẽ Thật mà Đức Chúa Trời đã chỉ định. Họ phải tìm kiếm Chúa, tức là trở về trong điều răn, giới luật của Chúa trong sự vâng phục trọn vẹn của tấm lòng. Mọi hệ thống tôn giáo hay hình thức thờ phượng Chúa theo tôn giáo trong mắt Chúa thật gớm ghiếc. Cuối cùng, nó giống như Ba-by-lôn lớn sẽ bị sụp đổ khi Chúa thăm phạt (Khải Huyền 17).

Trong cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê-xu và người phụ nữ Sa-ma-ri tại giếng Si-kha, người phụ nữ đã nói lên quan điểm thờ phượng của người Giu-đa và người Y-sơ-ra-ên. Họ quan tâm đến nơi chốn thờ phượng hơn tinh thần thờ phượng. Ngày nay, Hội Thánh cũng thường bị ngộ nhận về nơi chốn thờ phượng. Một số cho rằng đến nhà thờ mới có Chúa, một số thì trở về mô hình của Hội Thánh đầu tiên, thờ phượng tại nhà riêng. Một số khác thì có vẻ thiêng liêng hơn khi áp dụng “Chúa ở khắp mọi nơi” nên thờ phượng ở đâu cũng được. Dù sao thì tất cả chỉ quan tâm về nơi chốn thờ phượng, trong khi Chúa muốn con dân Ngài quan tâm đến Đấng được thờ phượng.

Một xu thế khác của Cơ Đốc giáo ngày nay nhằm hướng về số lượng hơn chất lượng, cho nên tìm kiếm sự hòa đồng tôn giáo hay hội nhập văn hóa với tôn giáo bản địa để tăng số lượng tín đồ. Thư Rô-ma 12:1 cho thấy sự thờ phượng thật mà Đức Chúa Trời đẹp lòng không phải là nơi chốn, không phải là hình thức hay số lượng, mà là tinh thần thờ phượng của con dân Chúa, là cả đời sống hướng về Đấng đáng được thờ phượng. Đành rằng Hội Thánh cần một nơi chốn biệt riêng để thờ phượng, nhưng trọng tâm của sự thờ phượng phải là tìm kiếm chính Chúa chứ không phải làm trọn mọi nghi thức thờ phượng. Lời kêu gọi của A-mốt mang hai ý nghĩa tích cực và tiêu cực. Trong ý nghĩa tích cực ông kêu gọi “hãy tìm kiếm Chúa”. Trong ý nghĩa tiêu cực ông kêu gọi “chớ tìm kiếm… chớ vào… đừng đi…”.

Lời kêu gọi dù rất khẩn cấp nhưng không mang tính áp đặt, mà là sự chỉ dẫn cho con người nhận biết để tự quyết định chọn lựa một con đường cho tương lai: Tìm kiếm Chúa sẽ sống, đi theo tôn giáo sẽ bị diệt vong. Một khi con người quyết định chọn lựa một trong hai con đường đó, thì chính là đã tự quyết định cho số phận đời đời của mình. Đó là nguyên chỉ mà Đức Chúa Trời đã định trước không thay đổi. Vì vậy, suốt chiều dài của lịch sử Kinh Thánh, Chúa luôn dùng các tiên tri cảnh báo về kết quả của sự chọn lựa khôn ngoan, hay hậu quả của sự chọn lựa dại đột. 

Bạn ơi! Bạn quyết định chọn lựa thế nào trước lời kêu gọi khẩn cấp của Chúa? Tôn giáo là cứu cánh hay phương tiện để bạn đạt được mục đích chính yếu của đời bạn?

Cầu nguyện

Kính lạy Đức Chúa Trời Ba Ngôi! Từ trời cao, Ngài nhìn thấy con đang đi trên con đường tôn giáo, việc con đang thực hiện theo sự dẫn dắt của tôn giáo. Ngài thấu hiểu lòng con muốn hầu việc Ngài, tìm kiếm sự sống trong Ngài, nhưng con đang đi sai đường. Hôm nay thông qua Lời Chúa, con nhận thức được tình trạng của con, con nghe được tiếng kêu gọi khẩn thiết Ngài dành cho con. Xin Chúa dẫn con trở lại cùng Ngài, tìm kiếm chính Chúa để được sống. Con cảm ơn Chúa và thành tâm cầu nguyện trong Danh Chúa Giê-xu Christ. Amen.

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa