Gia-cơ | Thương Xót Người Lầm Lạc
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | A-mốt | Gia-cơ | I Phi-e-rơ |
Xin gửi lời chào thân ái đến quý anh chị em. Chúc anh chị em một ngày bình an!
Cuộc sống trên đất của chúng ta là một hành trình với muôn vàn những ngã rẽ. Trên những con đường ấy với niềm đam mê, sở thích, tài năng, tình yêu hay định hướng khác nhau, chúng ta có những quyết định và lựa chọn cho riêng mình. Hành trình tâm linh cũng như vậy, kể từ ngày chúng ta mở lòng mình để tin nhận Chúa Cứu Thế Jesus, chúng ta cũng bắt đầu có một hành trình thuộc linh với Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Nhưng đâu đó vẫn có những ngã rẽ, những lời mời gọi “quyến rũ” khiến chúng ta dễ tẻ bước, rời bỏ con đường chính. Cho đến thời điểm này, chúng ta cảm tạ ơn Chúa vì Ngài gìn giữ chúng ta trước những ngã rẽ của hành trình bước đi theo Chúa. Nhưng khi nhìn thấy anh em mình đang ở trong những lầm lạc, sai lệch trong niềm tin, chúng ta thường có thái độ như thế nào với họ? Đoạn Kinh Thánh hôm nay trong Gia-cơ 5:19-20 dạy chúng ta về lòng THƯƠNG XÓT với những NGƯỜI LẦM LẠC ấy, chúng ta cần phải hành động để đưa họ trở lại với con đường đúng đắn.
19 Hỡi anh em, trong vòng anh em nếu có ai lầm lạc cách xa lẽ thật mà có người khác làm cho nó trở lại,
20 thì phải biết rằng kẻ làm cho người có tội trở lại, bỏ đường lầm lạc, ấy là cứu linh hồn người khỏi sự chết và che đậy vô số tội lỗi.
Trong những dòng cuối thư, sứ đồ Gia-cơ nhắc đến một nhóm đối tượng là những người “lầm lạc cách xa lẽ thật”. Đây có thể là những người đã tin Chúa nhưng rồi lại yếu đuối, sống không phù hợp với những điều mình tin, rời bỏ chân lý của Đức Chúa Trời. Chữ “cách xa” nghĩa là “dần dần đi xa khỏi ý muốn của Đức Chúa Trời. Trong Cựu Ước, thuật ngữ thường dùng cho tình trạng này gọi là “sa ngã”. Chính tội lỗi là kết quả của sự sa sút thuộc linh từ từ. Bản thân người đó có thể đối diện với những sự quở trách của Chúa, đồng thời họ cũng có thể trở thành yếu tố gây hại cho Hội Thánh, kéo theo nhiều người cùng lầm lạc cách xa lẽ thật. Vì vậy các tín hữu cần phải bắt tay ngay vào việc gây dựng, giúp đỡ những ai đang đi sai lạc. Chúng ta cần chủ động bước đi trước, cầu nguyện cho người ấy và hành động bằng tình yêu thương. Đừng e ngại nói thẳng với người ấy về sự sai phạm của họ, nhưng nói với tinh thần khích lệ, đầy dẫy lòng thương yêu nhằm giúp người ấy trở lại cùng Đức Chúa Trời và tìm kiếm sự tha thứ của Ngài.
Mặt khác, những tín hữu trong Hội Thánh cũng phải vững vàng, chớ rúng động. Chúng ta có chân lý là Lời Đức Chúa Trời, lời cầu nguyện của Chúa Jesus trong Giăng 17:17 đã khẳng định cho chúng ta điều này “Lời Cha tức là lẽ thật”. Nếu người tin Chúa không sống với lẽ thật của Lời Ngài, người ấy sẽ dễ bị dao động, dễ bị cuốn theo những đạo lý lầm lạc. Vì vậy, những Cơ Đốc nhân cần phải chú tâm và học biết kỹ càng về những gì mình đã nghe. (Chúa Jesus từng cho Phi-e-rơ biết trước rằng Sa-tan sẽ ở gần cám dỗ ông, nhưng Phi-e-rơ không tin lời Chúa. Ngược lại ông còn lý luận với Chúa nữa. Lẽ ra ông cần cầu nguyện nhiều hơn, nhưng Phi-e-rơ lại chọn đi ngủ. Vì thế mà không lạ gì khi ông chối Chúa tận 3 lần.)
Hậu quả của sự lầm lạc này là tội lỗi và có thể là sự chết (câu 20). Một người xưng mình là Cơ Đốc nhân mà phạm tội dừng ấy thì còn tệ hại hơn cả một người không tin. Vì họ biết lẽ thật nhưng đã chọn không làm theo lẽ thật. Chứng kiến người anh em của mình sa ngã như thế chúng ta sẽ cảm thấy thế nào? Là xót xa, đau đớn cho họ hay dửng dưng, thờ ơ vì nghĩ rằng họ phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình? Cầu xin Đức Thánh Linh hành động trong lòng chúng ta ngay lúc này, để chúng ta cảm thấy đau xót, buồn rầu cho những người đang đi đường lầm lạc. Từ đó thôi thúc chúng ta mau chóng hành động, khẩn thiết cầu nguyện để có thể đưa người ấy quay trở lại, từ bỏ con đường tà. Đây là hành động bởi lòng yêu thương giúp người ấy có thể phục hồi lại mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Cũng chính sự phục hồi này giúp cứu linh hồn người khỏi sự chết và che đậy vô số tội lỗi (câu 20). “Che đậy” ở đây không hàm ý mang nghĩa tiêu cực, lấp liếm hay giấu giếm mà có ý nghĩa là được tha thứ, được bôi xóa (Thi Thiên 32:1, I Phi-e-rơ 4:8). Với Gia-cơ, tình yêu hành động khiến cho người ta mềm mại lại ăn năn. Sự ăn năn đó được Đức Chúa Trời tiếp nhận và tha thứ cho.
Hội Thánh cần phải trở nên một tấm gương phản chiếu hình ảnh của Thiên Đàng cho người thế gian về tình yêu của Đức Chúa Trời và lòng yêu thương lẫn nhau trong cộng đồng. Lời Chúa là lẽ thật không chỉ để chúng ta đọc và suy nghĩ, nhưng là để chúng ta làm theo nữa.
Cầu nguyện
Lạy Chúa yêu dấu, xin ban cho con tấm lòng đau xót và yêu thương những người đang đi lầm lạc khỏi chân lý của Lời Chúa. Xin Chúa Thánh Linh thôi thúc con trong sự cầu nguyện cho người đó, đứng dậy hành động với lòng yêu thương để khuyên nhủ, dắt đưa họ trở lại. Cũng xin cho con mỗi ngày được vững vàng trong lẽ thật Lời Chúa để con không bị lung lay, dao động trước những điều sai trật. Con cảm tạ Chúa và cầu nguyện trong danh Chúa Jesus. Amen.
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét