A-mốt | Đôi Mắt Của Người Nông Dân
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | A-mốt | Hê-bơ-rơ | I Phi-e-rơ |
Bạn thân mến! Một nhạc sĩ đã viết về đôi mắt: “Mẹ cho em đôi mắt sáng ngời, để nhìn đời và để làm duyên.” Mỗi người đều có đôi mắt giống nhau, nhưng lại có những cái nhìn khác nhau. Cũng có khi có cái nhìn về một hướng, nhìn một sự việc, nhưng lại thấy khác nhau về bản chất. Sự khác biệt đó không phải do đôi mắt thuộc thể, nhưng do đôi mắt bên trong của mỗi người – đôi mắt thuộc linh. Châm Ngôn 23:7 ghi rằng: “Vì hắn tưởng trong lòng thể nào, thì hắn quả thể ấy.” Là Cơ Đốc nhân, Chúa ban cho chúng ta đôi mắt để nhìn thấy sự tốt đẹp trong nhà Đức Giê-hô-va (Thi Thiên 27:4), để nhìn thấy khải tượng Chúa muốn bày tỏ. Nhưng điều quan trọng hơn để thấy, là khi tấm lòng chúng ta hướng về điều gì, suy tư về điều gì. A-mốt dù là một người nông dân, một kẻ chăn chiên nhưng lòng ông hướng về dân của Ngài, tâm trí ông suy tư về dân của Ngài, và Chúa ban cho ông khải tượng về điều ông suy tư. Chúng ta cùng nhau suy ngẫm sách A-mốt 7:1-9 để hiểu hơn về điều này.
1 Này là điều mà Chúa Giê-hô-va khiến ta xem thấy: Nầy, Ngài làm nên những cào-cào trong lúc cỏ bắt đầu mọc lại; ấy là cỏ mọc lại sau các kỳ cắt cỏ của vua.
2 Khi cào-cào đã cắn-nuốt cỏ trong đất rồi, ta nói rằng: Hỡi Chúa Giê-hô-va, tôi cầu-xin Ngài hãy tha-thứ! Gia-cốp há có thể đứng được sao? Vì nó là nhỏ,
3 Đức Giê-hô-va bèn ăn-năn về việc nầy. Đức Giê-hô-va phán rằng: Điều đó sẽ không xảy ra đâu.
4 Chúa Giê-hô-va cho ta xem thấy như sau nầy: Nầy, Chúa Giê-hô-va khiến lấy lửa mà chống-trả. Lửa ấy thiêu-nuốt vực lớn, đoạn hầu ăn-nuốt đất.
5 Bấy giờ ta nói rằng: Hỡi Chúa Giê-hô-va, tôi cầu-xin Ngài hãy thôi đi! Gia-cốp há có thể đứng được sao? Vì nó là nhỏ.
6 Đức Giê-hô-va bèn ăn-năn về việc nầy. Chúa Giê-hô-va phán rằng: Điều đó cũng sẽ không xảy đến.
7 Ngài bèn cho ta xem thấy như sau nầy: Nầy, Chúa đứng trên một bức tường thẳng nảy mực, và tay Ngài cầm một dây chuẩn-mực.
8 Đức Giê-hô-va phán cùng ta rằng: A-mốt, ngươi thấy gì? Ta thưa rằng: Một dây chuẩn-mực. Chúa bèn phán: Nầy, ta sẽ đặt dây chuẩn-mực giữa dân Y-sơ-ra-ên ta; ta sẽ không còn đi qua nó nữa.
9 Các nơi cao của Y-sác sẽ bị hoang-vu, các nơi thánh của Y-sơ-ra-ên sẽ bị hủy-phá, và ta sẽ dấy lên dùng gươm đánh nhà Giê-rô-bô-am.
Từ chương 7 đến chương 9 có tất cả 5 lần A-mốt nhìn thấy khải tượng. Khải tượng là hình ảnh được nhìn thấy trong tình trạng tỉnh thức, tâm trí hoàn toàn tỉnh táo, Đức Chúa Trời dùng hình ảnh để bày tỏ mặc khải của Ngài về tương lai. Qua khải tượng, Chúa muốn cho A-mốt nhận thấy tình trạng hư nát của dân Y-sơ-ra-ên, và sự đoán phạt mà họ phải chịu.
Sự đoán phạt trước hết đến từ thiên nhiên, sau đó là đến từ chiến tranh. A-mốt nhìn thấy những cảnh tượng hủy phá đó khủng khiếp đến nỗi ông đã van nài Chúa tha thứ cho Gia-cốp vì nó thật nhỏ mọn. Vì sao A-mốt lại nêu tên của tổ phụ dân Y-sơ-ra-ên? Ấy là vì ông phơi bày bản chất “nắm gót”, gian xảo, lọc lừa của dân Y-sơ-ra-ên được di truyền từ tổ phụ Gia-cốp khi xưa. Khi đến với Chúa, chúng ta cũng cần bóc trần bản chất tội lỗi xấu xa của mình trước mặt Chúa, để nhận được sự thương xót và tha thứ. Bởi giấu tội lỗi sẽ không được thương xót. Hết lần này đến lần khác, Chúa vì sự cầu thay của tiên tri đã bày tỏ lòng thương xót Ngài. Sự tha thứ của Chúa là dịp tiện để dân Chúa thức tỉnh, ăn năn. Nhưng không, sau những tai họa qua đi thì lòng họ lại cứng cỏi, buông mình và sự đồi bại, thờ hình tượng vô luân, sống bất công, bất nghĩa với anh em mình, đồng bào mình vẫn tiếp diễn. Tình trạng đó kéo dài đến vô phương cứu chữa. Dân Thánh trở nên hư hoại, một sự thối nát tận trong bản chất, như A-mốt đã nhìn thấy họ như những giỏ trái vả hư không còn sử dụng được, cần phải bỏ đi. Tội lỗi đã như sợi dây vô hình làm ngăn cách giữa Đức Chúa Trời và dân Ngài, A-mốt đã nhìn thấy một dây chuẩn mực, ngăn bên này với bên kia. Đức Chúa Trời sẽ không còn đi giữa dân Ngài nữa, họ đã bị bỏ. Thật không có gì khốn nạn cho bằng bị Đức Chúa Trời loại bỏ, trở nên hư mất đời đời.
Khi Chúa thi hành chức vụ, Ngài đi từ thành này qua thành nọ, đôi mắt Ngài nhìn thấy đoàn dân đông như chiên bị tan lạc, không có người chăn. Đối với những lãnh đạo tôn giáo của Y-sơ-ra-ên thì Chúa thấy họ như quân trộm cướp, chỉ đến để cướp giết và hủy diệt. Ngài đến kêu gọi dân Ngài “Nước Đức Chúa Trời đã đến gần, hãy ăn năn và tin đạo Tin Lành”. Tiếc thay, dân Ngài đã khước từ, vì vậy họ đã bị loại bỏ. Lịch sử cho thấy điều đó vào năm 70 SC khi Giê-ru-sa-lem một lần nữa bị sụp đổ và dân Do Thái phải tan lạc khắp thế giới.
Bạn thân mến, đôi mắt bạn có nhìn thấy thực trạng của chính mình, gia đình mình và Hội Thánh mình không? Khi bạn không nhìn thấy thực trạng, bạn sẽ không sửa mình, không làm gì cả, hoặc làm tất cả cho một mục đích sai trật. Xin Chúa ban cho bạn và tôi, tất cả mọi Cơ Đốc nhân có đôi mắt của người nông dân A-mốt, có đôi mắt của người chăn chiên của Chúa Giê-xu. Đôi mắt sáng sủa sẽ giúp chúng ta bước đi một cách hẳn hoi như giữa ban ngày. Chúng ta sẽ không lầm lạc, chúng ta cũng sẽ sửa lại đường lối mình khi nhận biết nó dẫn đến sự sai lầm, tội lỗi và hủy diệt.
Cầu nguyện
Kính lạy Đức Chúa Trời Ba Ngôi, Đấng có đôi mắt như ngọn lửa! Xin soi xét con, cáo trách con, chỉ dạy con để con nhận ra chính mình, ăn năn trở lại cùng Chúa. Xin ban cho con đôi mắt để nhìn thấy điều Chúa muốn bày tỏ về thực trạng của Hội Thánh con, dân tộc con, để hạ mình cầu thay xin ơn Chúa đoái thương gia ân, hầu mọi người có cơ hội ăn năn trở về cùng Chúa để nhận sự cứu rỗi, con cảm ơn Chúa. Con thành tâm cầu nguyện, nhân Danh Chúa Giê-xu Christ. Amen.
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét