Sáng Thế Ký | Đánh Mất Lòng Tin
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | A-mốt | Hê-bơ-rơ | I Phi-e-rơ |
Kính chào quý anh chị em thân mến trong tình yêu của Chúa Cứu Thế Jesus!
Để minh chứng cho tính chân thật của một sự việc, một trong những cách ngày nay người ta thường làm là thu hình hoặc thu tiếng lại diễn tiến của sự việc để làm bằng chứng. Còn trong thời Gia-cốp thì làm thế nào? Có thể nó được đo lường qua những biểu hiện trong cách sống hằng ngày, dễ tìm thấy nhất là trong sinh hoạt của từng cá nhân trong gia đình. Khi đã sống trong gia đình, dù có khéo léo che đậy những tính cách của mình đến đâu cũng không thể giấu nhẹm được hết. Có lẽ vì thế, trong sự việc đến Ai Cập mua lúa của các anh Giô-sép được trích trong Sáng Thế Ký 42:35-38 khiến chúng ta suy nghĩ đến phản ứng của Gia-cốp sau chuyến đi đến Ai Cập mua lương thực và trở về của các con ông. Và để thực hiện yêu cầu của vị tể tướng Ai Cập, con trai Gia-cốp phải đánh đổi điều gì với ông? Chúng ta cùng suy ngẫm phân đoạn Kinh Thánh hôm nay.
35 Vả, đương khi các anh em trút lúa mì ra bao, nầy đâu, trong mỗi bao có gói bạc của mỗi người; cha và các anh em thấy những gói bạc mình, đều lấy làm sợ hãi.
36 Gia-cốp, cha họ, bèn nói rằng: Bay làm mất các con tao; Giô-sép đã mất biệt, Si-mê-ôn cũng mất biệt; mà bây giờ, lại muốn dẫn Bên-gia-min đi nữa sao! Các nông nỗi nầy đều đổ lại cho tao hết!
37 Ru-bên thưa lại cùng cha rằng: Cha hãy giao em nơi tôi, tôi sẽ dẫn về cho. Ví bằng chẳng dẫn em về, thì cha hãy giết hai đứa con trai tôi đi.
38 Nhưng Gia-cốp đáp rằng: Con út tao sẽ chẳng đi xuống với bay đâu; vì anh nó đã chết rồi, chỉ còn một mình nó mà thôi. Nếu điều rủi ro chi xảy đến cho nó nơi dọc đường bay đi, tức nhiên bay làm cho kẻ tóc bạc nầy đau lòng xót dạ xuống âm phủ.
Sau khi đồng ý điều kiện của vị tể tướng Ai Cập là để Si-mê-ôn lại làm tin và trong lần tới, các con trai Gia-cốp sẽ phải đem Bên-gia-min xuống diện kiến vị quan này để chứng minh họ không phải là gián điệp đến Ai Cập. Trên đường về, nghỉ chân tại một quán trọ để cho súc vật ăn, một người trong bọn họ thấy gói bạc mua lúa của mình nằm trong bao lúa: “Với lòng sợ hãi, họ run rẩy nhìn nhau mà nói: “Đức Chúa Trời làm gì cho chúng ta đây?” Trải qua những sự việc bất ngờ tại Ai Cập, giờ đây lại thêm tình huống này khiến họ bối rối, nhưng họ cũng còn nghĩ được rằng Đức Chúa Trời muốn làm gì đó đối với họ. Khi đối diện với những biến cố xảy ra trong cuộc sống nằm ngoài kế hoạch hay dự đoán của mình, quý anh chị em có bao giờ suy nghĩ đến sự can thiệp của Chúa trên cuộc đời của mình không? Hãy cảm tạ Chúa và để Ngài có câu giải đáp cho chúng ta.
Về đến nhà, họ khai trình với cha sự việc xảy ra tại Ai Cập, để giải trình cho việc thiếu mất Si-mê-ôn. Họ cho cha biết thái độ của vị tể tướng Ai Cập đang nghi ngờ họ làm gián điệp. Trong lúc Gia-cốp còn chưa kịp phản ứng khi nghe những sự việc xảy ra cho các con tại Ai Cập thì một tình huống bất ngờ nữa xảy ra với các con trai Gia-cốp. Đó là số bạc đem đi mua lương thực nằm lại trong các bao lúa họ đem về “khi các anh em mở bao đổ lúa ra, thấy tiền mỗi người vẫn còn trong bao, cả nhà đều sợ hãi”. Chúng ta chưa quên, trong quá khứ của Gia-cốp đã từng có lần các con ông đi chăn bầy gia súc và trở về với sự thiếu vắng Giô-sép. Số bạc các anh bán Giô-sép có được công khai cho ông hay không? Dù Thánh Kinh không ghi lại chi tiết này, nhưng phản ứng khi thấy bạc trong các bao lúa: “Gia-cốp than trách: Chúng mày làm mất con tao – là Giô-sép và Si-mê-ôn – bây giờ muốn đem Bên-gia-min đi nữa. Sao tao khổ quá thế này!” Phản ứng này khiến chúng ta suy nghĩ: Gia-cốp nghi ngờ tính chân thực của cuộc giao dịch lương thực tại Ai Cập. Trong bất kỳ cuộc mua bán nào, tiền trao đi thì hàng hóa mới được trao lại, đằng này vừa có hàng mà tiền vẫn còn, nhưng lại thiếu mất người. Dù Giô-sép mất biệt đã hơn 20 năm thì vẫn chưa làm nguôi đi nỗi thương nhớ của Gia-cốp. Nay đến lượt Si-mê-ôn và tiếp theo sẽ là Bê-gia-min. Các con Gia-cốp lý giải với ông thế nào về số tiền trong các bao lúa, để thuyết phục Gia-cốp cho Bên-gia-min đi Ai Cập, khi mà Gia-cốp quả quyết sẽ không cho đứa con út theo các anh. Cuộc thương thuyết cuối cùng được xác nhận bằng việc trao đổi mạng sống của hai con trai Ru-bên.
Thật khó cho chúng ta hình dung ra bối cảnh sống của gia đình Gia-cốp trong thời kỳ tộc trưởng. Văn hóa trong gia đình họ thế nào? Tại sao Ru-bên lại bằng lòng trao mạng sống hai con trai mình vào tay ông nội của chúng. Chắc hẳn trong quá khứ, Ru-bên cùng các anh em mình đã từng mắc nhiều sai phạm đối với cha, khiến ông buồn phiền và không còn lòng tin cậy hay trông mong điều gì tốt lành từ nơi họ nữa. Đau đớn vì hai đứa con đã mất không thể làm Gia-cốp yên lòng, nếu tiếp tục để Bên-gia-min đi mà không biết có ngày về hay không cần phải được bảo đảm, có thể nghĩ thế nên Ru-bên đã đưa ra một đề nghị làm sự bảo đảm. Nghiệt ngã thay, để lấy lại được lòng tin cậy nơi cha thì ông phải đảm bảo bằng hai sinh mạng quý giá của lòng mình.
Nguyện Chúa nhắc nhở mỗi chúng ta có ý thức trách nhiệm về cách sống của mình đối với gia đình và xã hội, đánh mất lòng tin của người khác đối với mình là điều vô cùng đáng tiếc mà đôi khi chúng ta phải trả giá nặng nề.
Cầu nguyện
Cảm tạ ơn Chúa đã cứu con và dạy dỗ con mỗi ngày bằng lẽ thật của Ngài, Lời Chúa đã tẩy bỏ những cá tính ích kỷ, ương ngạnh trong con, biến đổi con trở thành người tin cậy đối với mọi người. Cầu xin năng lực của Ngài giúp con gìn giữ điều này luôn luôn. Con cám ơn Ngài với lòng thành kính cầu nguyện trong danh Chúa Jesus Christ. Amen.
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét