Châm Ngôn | Nên Nói Khi Nào?
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | A-mốt | Hê-bơ-rơ | I Phi-e-rơ |
Thưa quý anh chị em! Đa số những sai phạm của con người do lời nói mà ra, vì người ta đã nói quá nhiều và nói những điều không nên nói. Người xưa có câu “nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” nghĩa là một lời khi đã nói ra thì bốn con ngựa không đuổi theo kịp, ý muốn nói rằng khi đã lỡ lời khó lòng mà lấy lại và hậu quả thật khó lường. Có lẽ chính vì vậy mà Châm Ngôn 17:27-28 của Sa-lô-môn có những lời dạy như sau:
27 Người nào kiêng lời nói mình có tri thức; Còn người có tánh ôn hàn là một người thông sáng.
28 Khi nín lặng, dầu người ngu dại, cũng được cầm bằng khôn ngoan; Còn kẻ nào ngậm môi miệng mình lại được kể là thông sáng.
Cụm từ “kiêng lời nói” không có nghĩa là không nói mà là sử dụng lời nói một cách dè dặt. Người dè dặt trong lời nói được kể là người có tri thức, phải chăng sự hiểu biết nhiều khiến cho người ta trở nên cẩn thận hơn? Ở một chừng mực khác, dè dặt cũng chính là để người khác không thấy sự dốt nát, thiếu hiểu biết của mình, nhất là ở giữa một đám đông trong đó chắc chắn có những người giỏi hơn mình. Ở vế thứ hai “người có tánh ôn hàn” ở đây chỉ đến người có tính tình điềm đạm, bình tĩnh. Loại người này sẽ không vì sự nóng giận, bốc đồng mà nói những lời không phải hay không nên nói. Nhờ người có tính điềm đạm này, lửa của sự tranh chiến sẽ dịu đi và đôi bên sẽ có điều kiện để lắng nghe nhau. Con đường của sự giải hòa sẽ không còn xa. Có lẽ vì vậy mà người có tính điềm đạm ở đây được kể là “thông sáng”.
Có thể anh chị em và tôi không có hiểu biết nhiều và trên thực tế cũng có rất ít kinh nghiệm để hàn gắn đổ vỡ hoặc chúng ta rất vụng về trong cách xử thế. Nhưng điều chúng ta có thể làm, đó là bắt chước người khôn ngoan: Nín lặng thay vì nói, ngậm môi miệng mình lại thay vì buông ra những lời mà sau đó mình phải hối tiếc. Trong một số trường hợp, sự nín lặng của chúng ta được kể là một thái độ khôn ngoan, hiểu biết.
Mặt khác, lời nói phản ánh những gì chúng ta suy nghĩ trong đầu. Đức Chúa Giê-xu phán: “Bởi vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra. Người lành do nơi đã chứa điều thiện mà phát ra điều thiện; nhưng kẻ dữ do nơi đã chứa điều ác mà phát ra điều ác.” (Ma-thi-ơ 12:33-35). Cũng theo Ngài, người ta không thể hái trái tốt nơi cây xấu và có thể xem trái mà biết cây. Chính lời nói sẽ tố giác chúng ta là con người như thế nào. Vấn đề của một con người trong Chúa là phải được gột rửa bản chất tội lỗi ngay từ trong lòng. Cái cây xấu đó phải chết đi để tấm lòng mới sẽ được gieo trồng bằng hạt giống của Đức Chúa Trời, để có thể ra được trái tốt (I Giăng 3:9).
Đó là tiến trình thay đổi bởi Đức Thánh Linh còn được gọi là sự tái sanh, khởi đầu cho đời sống có những bông trái của Đức Thánh Linh như “yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ” (Ga-la-ti 5:22). Bông trái mềm mại, nhịn nhục, tiết độ sẽ giúp chúng ta khắc phục để không nói năng vội vàng, bất cẩn nữa. Và đến một mức độ nào đó, sự tăng trưởng trong đời sống tâm linh sẽ giúp người theo Chúa được kiện toàn cả trong lời nói và trong hành động. Để rồi một ngày kia trong nhân cách, anh chị em và tôi sẽ đạt đến tầm vóc đầy trọn của Đấng Christ (Ê-phê-sô 4:13).
Phao-lô, một con người nóng tính, bộc trực, sau khi được Chúa thay đổi, đã nói: “Tôi đã bị đóng đinh vào thập-tự-giá với Đấng Christ, nay tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi.” Nếu anh chị em và tôi để cho Đấng Christ sống và thể hiện chính Ngài qua đời sống mình, chắc hẳn chúng ta cũng sẽ nói và hành xử như chính Ngài. Chúng ta có thể tiết độ trong lời nói và không gây cho người khác vấp phạm. Được như vậy, chúng ta sẽ là người sống khôn ngoan theo cách của Chúa chứ không theo cách của người đời.
Là con dân Chúa, chúng ta được kêu gọi hãy trọn vẹn, như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn (Ma-thi-ơ 5:48). Trong nhiều cách trọn vẹn, chắc chắn trong chúng ta cũng có ước mong trở nên trọn vẹn trong lời nói của mình. Lời Chúa cũng phán: “Đến ngày phán xét, người ta sẽ khải tỏ mọi lời hư không mà mình đã nói; vì bởi lời nói mà ngươi sẽ được xưng là công bình, cũng bởi lời nói mà ngươi sẽ bị phạt.” (Ma-thi-ơ 12:36-37). Trong ước mong đó, chúng ta đến với Chúa:
Cầu nguyện
Lạy Cha, chúng con mong ước được trở nên trọn vẹn như hình ảnh của Chúa. Xin Thánh Linh Cha giúp đỡ để mỗi ngày chúng con biết tiết chế trong cách ăn nết ở của mình, nhất là trong lời nói. Nguyện Chúa thương xót cho mỗi lời chúng con nói ra đều là những lời phải lẽ, đẹp lòng Ngài. Chúng con hết lòng cầu nguyện trong danh Đức Chúa Giê-xu Christ. Amen.
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét