Công Vụ Các Sứ Đồ | Sự Ăn Năn Của Dân Chúng

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýChâm NgônA-mốt

Công Vụ   Các Sứ Đồ

Hê-bơ-rơI Phi-e-rơ

Thưa quý anh chị em! Bài giảng đầu tiên của sứ đồ Phi-e-rơ cho dân chúng ở Giê-ru-sa-lem đã phơi bày tội của họ vì đã giết chết Đức Chúa Giê-xu – chính là Đấng Hứa Ngôn của họ. Những con người cách đó không lâu đã tụ tập trước nơi người ta xử án Đức Chúa Giê-xu gào thét “hãy đóng đinh hắn trên cây thập tự”, giờ đây bởi lời giảng của Phi-e-rơ thông qua Đức Thánh Linh khiến tấm lòng họ bị cáo trách nặng nề. Kinh Thánh trong Công Vụ Các Sứ Đồ 2:37-41 ký thuật những việc xảy ra sau đó như sau:

37 Chúng nghe bấy nhiêu lời, trong lòng cảm động, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: Hỡi anh em, chúng ta phải làm chi?
38 Phi-e-rơ trả lời rằng: Hãy hối cải, ai nấy phải nhân danh Đức Chúa Jêsus chịu phép báp-tem, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh.
39 Vì lời hứa thuộc về các ngươi, con cái các ngươi, và thuộc về hết thảy mọi người ở xa, tức là bao nhiêu người mà Chúa là Đức Chúa Trời chúng ta sẽ gọi.
40 Phi-e-rơ lại lấy nhiều lời giảng nữa mà giục lòng và khuyên lơn chúng rằng: Các ngươi khá cứu mình thoát khỏi giữa dòng dõi gian tà nầy!
41 Vậy, những kẻ nhận lời đó đều chịu phép báp-tem; và trong ngày ấy, có độ ba ngàn người thêm vào Hội Thánh.

Cụm từ “trong lòng cảm động” ở đây trong nguyên văn có nghĩa là “bị cắt ở trong lòng”, một bản Kinh Thánh khác dịch là “lòng đau như cắt”. Họ đau lòng cũng là phải, bởi vì họ đã dự phần vào một tội tày trời: Tội giết Đấng được Đức Chúa Trời sai đến để cứu họ. Họ đau lòng vì sự việc sai lầm của họ giờ đây không còn có thể sửa lại được nữa. Sự ăn năn luôn khởi đầu bằng sự đau khổ và hối tiếc. Nhưng sự ăn năn không dừng lại ở đó. Ăn năn đòi hỏi chúng ta phải làm một điều gì đó để sửa sai, để bày tỏ sự hối tiếc của mình. Họ đã hỏi các sứ đồ: Anh em ơi, chúng tôi phải làm gì? Phi-e-rơ khuyên họ trước hết “hãy hối cải”. “Hối cải” là đổi ý, là quay về, là không cứ mãi ở trong sự lầm lạc của họ. Sự hối cải ở đây là không chối bỏ Đấng Christ, và công nhận Ngài chính là Đấng Mê-si-a mà Đức Chúa Trời đã ban cho, xem Ngài là Chúa và Chúa Cứu Thế của cuộc đời họ.

Kế tiếp là phải chịu báp-têm nhân danh Đức Chúa Giê-xu bày tỏ tấm lòng ăn năn, hối lỗi của họ. Phép báp-têm là một nghi thức ấn chứng cho tấm lòng ăn năn chân thành của họ. Bởi phép báp-têm đó họ nhìn nhận giờ đây họ thuộc về Đấng Christ, chết về tội lỗi và sống cuộc đời mới ở trong Ngài. Sự sinh lại của họ trong gia đình mới, tức Hội Thánh của Chúa, gồm những anh chị em cùng một đức tin nơi Đức Chúa Giê-xu, để sống đời sống mới cho Ngài.

Người nhận lễ báp-têm sẽ nhận được Đức Thánh Linh, món quà quý giá mà Đức Chúa Trời ban cho, để ấn chứng họ thuộc về Đức Chúa Trời, là của cầm của Ngài (Ê-phê-sô 1:13-14). Ngoài ra, nhìn vào sự đầy dẫy Thánh Linh của Hội Thánh ban đầu, chúng ta cũng có thể nói rằng nhờ Đức Thánh Linh mà họ sẽ được ơn để phục vụ Đức Chúa Trời, Đấng cứu rỗi họ. Lời hứa ban Đức Thánh Linh là cho họ, cho dòng dõi họ, cũng là ban cho “những người ở xa”, tức vô số người ngoại mà Đức Chúa Trời sẽ gọi. Cảm ơn Chúa vì ơn cứu rỗi Ngài cũng như quyền năng Đức Thánh Linh giờ đây được đến với nhân loại trên toàn thế giới.

Người tin nhận Chúa Giê-xu thời đó ở Giê-ru-sa-lem đối diện với những khó khăn, bởi những người lãnh đạo tôn giáo trong xã hội của họ vẫn còn mang nặng những thành kiến với Đấng Christ. Điều đó có nghĩa là họ phải chấp nhận bắt bớ, bách hại trong tương lai. Chắc chắn giới lãnh đạo trong nhà hội sẽ không để họ yên. Chính vì thế sứ đồ Phi-e-rơ đã lấy nhiều lời giảng nữa mà giục lòng và khuyên lơn chúng rằng: Các ngươi khá cứu mình thoát khỏi giữa dòng dõi gian tà này! Phi-e-rơ dùng cụm từ “dòng dõi gian tà” để chỉ những người trong giới lãnh đạo Do Thái đang chối bỏ, khước từ Đấng Christ, không để cho Phúc Âm được rao giảng rộng rãi cho mọi người và sẽ gây khó khăn cho các môn đệ của Ngài. Những người mới tin Chúa Jesus này phải tự cứu mình ra khỏi hệ thống suy nghĩ sai lạc vốn có trước đây, cả luật pháp của Môi-se là nói về Đấng Christ mà họ không thấy. Nhờ tiếp nhận Đấng Christ, họ sẽ thoát được sự trói buộc đó.

Tạ ơn Chúa sau những lời giải thích, khích lệ, khuyên lơn của Phi-e-rơ tất cả những người nghe đã nhận lễ báp-têm. Nội trong ngày hôm đó, có khoảng 3000 người thêm vào Hội Thánh. Có lẽ đây là lần báp-têm lớn nhất trong lịch sử Cơ Đốc giáo. Chúng ta không biết làm cách nào 12 vị sứ đồ làm báp-têm cho nhiều người đến như thế trong một ngày. Hãy tưởng tượng niềm vui của Hội Thánh ngày hôm đó và của muôn thiên sứ trên trời khi có 3000 người được cứu.

Cầu nguyện

Lạy Chúa ái từ, cảm tạ Chúa vì tấm lòng ăn năn, sự hối cải mà Đức Thánh Linh ban cho qua lời rao giảng của Phi-e-rơ. Cảm ơn Chúa chỉ trong ngày hôm đó đã có 3000 người được cứu. Khi Đức Thánh Linh đầy dẫy và hành động, chúng con biết Tin Lành của Chúa sẽ được giảng trong quyền năng, lòng nhiều người được cáo trách, đến với Chúa và sẽ được cứu. Xin cho Hội Thánh Việt Nam chúng con kinh nghiệm được điều kỳ diệu này, vì Cha ơi, con biết Chúa rất yêu thương dân tộc Việt Nam. Con cầu nguyện trong danh Đức Chúa Giê-xu Christ. Amen.

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa