Châm Ngôn | Rủi May Hay Ý Chúa?
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Xuất Ê-díp-tô Ký | Châm Ngôn | Giê-rê-mi | Hê-bơ-rơ | I Phi-e-rơ |
Thưa quý anh chị em! Trong bất kỳ một sự xung đột nào cần tới sự can thiệp của bên ngoài – khi người ta phải đưa nhau ra tòa nhờ công lý giải quyết vấn đề cho mình, cả hai bên, bên kiện cáo cũng như bên bị kiện đều phải chờ đợi. Vụ kiện nhiều khi kéo dài rất lâu vì công việc điều tra của luật sư của cả hai bên. Châm Ngôn 18:17-18 của Sa-lô-môn có nói về việc kiện cáo và cách xử lý bằng những lời sau đây:
17 Bên tiên cáo nói xong nghe có lý, đến khi người biện hộ thẩm tra mới hiểu kỹ nguồn cơn.
18 Khi khó xử mà đôi bên đồng ý bắt thăm ngưng tranh tụng, dùng rủi may để phân thắng bại là cách giải quyết nên làm.
Bên tiên cáo tức bên phía người tố cáo, đưa vụ kiện ra tòa nhờ phân xử, họ được nói lên lý lẽ của họ – hoặc như cách của thời cổ, tức ra cổng thành, chỗ các trưởng lão ngồi để nghe và phân xử (Ru-tơ 4:1-3; Châm Ngôn 31:23), hoặc như ngày nay được viết lên trong các hồ sơ kiện tụng. Mỗi một vụ việc được đưa ra xét xử như vậy, bên tiên cáo cũng như bên bị cáo đều có những người biện hộ, trách nhiệm của họ là thẩm tra, tức điều tra, đặt câu hỏi để hiểu rõ nguồn cơn hay nguyên do của sự việc.
Sau đó, người biện hộ có trách nhiệm giải thích cho thân chủ mình tất cả dưới ánh sáng của luật pháp, những cái có lợi và có thể bất lợi cho họ trong vụ án. Có những điều phức tạp trong vụ án mà có thể sẽ làm cho việc xét xử kéo dài, chẳng những tốn kém về tiền bạc, thời gian mà còn gây ra những tai tiếng không tốt chẳng những cho bên bị kiện mà cũng ảnh hưởng đến người đi kiện.
Trong những vụ kiện khó xử, dường như câu Châm Ngôn sau đó đã đưa ra một phương án để giải quyết. Cách ấy chính là chấp nhận dừng sự việc lại, không tiếp tục kiện tụng nữa bằng cách bắt thăm. Bắt thăm là việc thường làm trong thời cổ và do chính Đức Chúa Trời chỉ dẫn dân sự phải làm. Chúng ta thấy sau khi vào chiếm được đất hứa, dân Y-sơ-ra-ên đã bắt thăm để chia đất (Giô-suê 14-21). Giô-suê đã bắt thăm để chia cho các bộ tộc trước mắt Giê-hô-va Đức Chúa Trời (18:6, 8, 10) – một cách nói cho thấy họ đã làm trong sự cho phép và dẫn dắt của Chúa. Việc bắt thăm cũng đã được thực hiện khi phân công cho con cháu A-rôn để phục vụ Chúa trong đền thờ của Ngài (I Sử Ký 24:7-19), để các chức vụ trong đền thờ như ca hát, ban nhạc (I Sử Ký 25:8-9), làm công việc gác cổng đền thờ (I Sử Ký 26:13-14), quản lý kho tàng, làm người xét xử… Một việc bắt thăm khác để tìm ra người có lỗi là câu chuyện bắt thăm trên tàu của các thủy thủ để biết ai là người đã khiến Chúa giáng cơn bão dữ dội trên họ (Giô-na 1:7).
Trong Tân Ước chỉ có một lần nói tới việc các sứ đồ bắt thăm để biết ai sẽ là người Đức Chúa Trời chọn thay cho Giu-đa Ích-ca-ri-ốt.
Trở về với lối giải quyết của câu Châm Ngôn hôm nay, chúng ta thấy việc bắt thăm để ngưng tranh tụng, là cách dùng rủi may để biết người thắng kiện sẽ là ai, đây là việc mà tác giả cho là nên làm. Nên làm theo cách này vì có khi việc phân xử do tính cách rắc rối, tế nhị mà có lúc công lý của con người bất năng, thì việc để cho tính cách may rủi của việc bắt thăm quyết định là điều nên làm hơn cả. Trong sự bắt thăm này, những người theo văn hóa của Kinh Thánh thời đó vẫn tin rằng có sự dẫn dắt, chỉ đường của Chúa.
Ngày hôm nay trong một vụ kiện mà bên bị cáo nhất định kêu oan, và bên xử kiện không đưa ra đủ chứng cứ buộc tội. Để tránh cho việc xử án phải kéo dài năm này qua tháng nọ, có những nơi người ta dùng một số người gọi là bồi thẩm đoàn để quyết định bị cáo có tội hay vô tội.
Bồi thẩm đoàn có khi quyết định đúng, có khi sai. Cho dù việc chọn lựa bồi thẩm đoàn vô tư đến đâu, thiện cảm hay thiên kiến của từng người trong đó vẫn có thể làm cho quyết định có thể bị ảnh hưởng bởi tình cảm hoặc thành kiến của họ.
Là các Cơ Đốc nhân, chúng ta được kêu gọi phải ăn ở hòa thuận với nhau và với những người xung quanh. Nếu có sự việc gì tranh chấp thì hãy nhường nhịn, tha thứ nhau, nhất là không đem ra giữa vòng người ngoại để kiện tụng. Những điều đó chứng tỏ chúng ta là con cái Chúa và đang tìm kiếm sự đẹp lòng Cha trên trời. Hơn thế nữa, chúng ta biết Chúa là Đấng xét đoán công bình, không chóng thì chầy Ngài sẽ bày tỏ điều đúng, điều sai, ai là người làm đúng, ai là không. Cuộc đời tuy rất ngắn, nhưng Chúa chúng ta luôn thành tín, sẽ có lúc Ngài cho người tin cậy Ngài thấy rõ sự thật. Kẻ có tội cho dù có qua mắt được công lý của đời, nhưng không thể qua khỏi sự xét đoán của Ngài.
Cầu nguyện
Lạy Đức Chúa Trời toàn tri, toàn năng và toàn ái, xin cho chúng con biết rằng Ngài là Đấng biết hết mọi sự. Cả nhân loại một ngày kia ai cũng sẽ phải trình ra trước mặt Ngài mọi điều mình đã làm trong cuộc sống. Vậy xin cho chúng con vững lòng tin cậy nơi sự đoán xét công nghiêm của Cha. Ngày giờ nào thời kỳ ân điển vẫn còn, xin cho chúng con không bỏ qua, để được hưởng sự ân xá tội lỗi dồi dào của Chúa. Chúng con cầu nguyện trong danh Đức Chúa Giê-xu Christ. Amen.
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét