Hê-bơ-rơ | Kẻ Lười
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Xuất Ê-díp-tô Ký | Châm Ngôn | Giê-rê-mi | Hê-bơ-rơ | I Phi-e-rơ |
Bạn thân mến! Làm biếng thường được sử dụng như một lời biện minh cho một nhiệm vụ không hoàn thành. Sao không dọn nhà? Làm biếng! Sao không học? Làm biếng! Chữ làm biếng được nói cách trơn tru trên miệng kẻ lười dường như một món ăn khoái khẩu.
Nhiều người đã không nhận biết “lười” là một bản tính xấu bị Kinh Thánh lên án. Người ngu dốt có thể học để được thông sáng. Người dại dột có thể học để được khôn ngoan. Nhưng người lười biếng nó thuộc về bản chất nên không dễ thay đổi nếu không nhờ quyền năng biến đổi của LỜI CHÚA. Chúng ta cùng suy ngẫm sách Hê-bơ-rơ 5:11-14 để học biết về điều này.
11 Về sự đó, chúng ta có nhiều điều nên nói, và khó cắt nghĩa, vì anh em đã trở nên chậm hiểu.
12 Đáng lẽ anh em đã làm thầy từ lâu rồi, nay còn cần người ta lấy những điều sơ học của lời Đức Chúa Trời mà dạy anh em; anh em cần ăn sữa thay vì đồ ăn đặc.
13 Vả, kẻ nào chỉ ăn sữa thôi, thì không hiểu đạo công bình; vì còn là thơ ấu.
14 Nhưng đồ ăn đặc là để cho kẻ thành nhân, cho kẻ hay dụng tâm tư luyện tập mà phân biệt điều lành và dữ.
Sách Châm Ngôn luận rất nhiều về những kẻ lười: “Hỡi kẻ biếng nhác hãy đi đến loài kiến, khá xem xét cách ăn ở nó mà học sự khôn ngoan.” (Châm Ngôn 6:6), “Kẻ lười biếng thò thay vào dĩa, nhưng không buồn đưa thức ăn vào miệng.” (Châm Ngôn 19:24), “Vì có mùa đông kẻ biếng nhác chẳng cày ruộng; Qua mùa gặt nó sẽ xin ăn, nhưng chẳng được gì hết.” (Châm Ngôn 20:4), “Ta có đi ngang qua gần ruộng kẻ biếng nhác, Và gần vườn nho của kẻ ngu muội. Thấy cây tật lê mọc khắp cùng, Gai góc che khuất mặt đất, Và tường đá của nó đã phá hư rồi. Ta nhìn xem, bèn để ý vào đó; Ta thấy và nhận được sự dạy dỗ.” (Châm ngôn 24:30-32).
Bạn thân mến! Dù đang sống trong một thế giới quay cuồng, vội vàng nhưng hãy sống chậm lại một chút, dừng lại suy nghĩ một chút về chính mình trong tiến trình phát triển đức tin Cơ Đốc. Sự phát triển nào cũng vậy, khi bạn gieo một hạt giống nó sẽ trở thành cây cao. Khi một trẻ sơ sinh ra đời, nó sẽ lớn dần theo năm tháng. Muốn có sự tăng trưởng hài hòa cần phải cung cấp chất dinh dưỡng phù hợp theo từng tiến trình phát triển. Trước giả Hê-bơ-rơ đã dùng điều này để so sánh với tiến trình phát triển đời sống đức tin. Ông lấy làm lạ vì một số tín hữu Cơ Đốc giáo Do Thái, sau khi đã nhận biết các tín lý căn bản, thay vì họ tiếp tục đi trên con đường đức tin, cứ tiến tới thì họ đã dừng lại. Vì sao?
Thật ra, người theo Do Thái giáo khi chuyển đổi đức tin theo Cơ Đốc giáo, họ sẽ là những người am hiểu một cách tường tận về nền tảng Cơ Đốc giáo hơn là những Cơ Đốc nhân ngoại bang bởi Cơ Đốc giáo được lập nền từ Cựu Ước. Luật pháp, lời tiên tri, các thi thiên đều tập trung về Chúa Cứu Thế Giê-xu. Vậy mà họ lại là những người chậm hiểu. Điều làm cho một số tín hữu người Do Thái không chịu hiểu biết thêm về giáo lý Cơ Đốc là do định kiến truyền thống Do Thái giáo đã in sâu trong tiềm thức của họ. Dù đã nhận lấy giáo lý Cơ Đốc nhưng họ lại không muốn từ bỏ đường cũ lối xưa, mà muốn ứng dụng điều mới vào lề thói cũ. Chúa Giê-xu đã từng cảnh báo về điều gọi là “bình cũ rượu mới” sẽ đem đến hậu quả xấu.
Sự phát triển đức tin chỉ dành cho những ai chuyên tâm tìm kiếm và học hỏi. Càng học họ càng hiểu sâu hơn những điều Chúa bày tỏ. Càng bước sâu vào trong dòng sông ân điển mà Ê-xê-chi-ên đã mô tả trong Ê-xê-chi-ên chương 47, họ càng cảm thấy choáng ngợp, không dám phiêu lưu trong những nhận thức mới mà Thánh Linh dẫn dắt. Cũng vậy, ngày nay một số tín đồ trong Hội Thánh không dám trả giá cho điều mình sẽ nhận, vì họ quen với việc lười: Lười suy nghĩ – Lười học tập – Lười bước tới trong sự phục vụ. Chính vì lười mà nhiều tín hữu sau nhiều năm tin Chúa mà vẫn không tăng trưởng, không được kết quả trong đức tin. Nguy hiểm nhất là những tín hữu được gọi là “tín đồ đạo dòng”, là những người ngay khi còn trong bào thai đã được ở trong nhà thờ. Họ tự hào về thành tích sống lâu trong nhà thờ, về dòng dõi có đạo, nhưng họ lại không kinh nghiệm sự tái sinh để trở nên con thật trong Chúa là như thế nào. Họ nghĩ mình đã biết rồi nên không học nữa.
Bạn có phải là kẻ lười hay không? Tôi tin bạn là người luôn lắng nghe những bài dưỡng linh mỗi buổi sáng, bạn không phải là kẻ lười. Nếu bạn đã trưởng thành và làm thầy dạy kẻ khác thì hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời. Hãy trở thành người dạy dỗ, trước hết cho người nhà mình (Sáng Thế Ký 18:19). Giữa cuộc sống trong thế giới ngày nay, thiện ác lẫn lộn, phải trái khó phân, lành dữ hỗn tạp, hãy thức dậy trong tiếng kêu gọi nhỏ nhẹ của Đức Chúa Trời để Ngài dạy dỗ chúng ta mỗi buổi sáng. Nhận lãnh Lời Chúa để chúng ta có thể dạy dỗ người xung quanh. Chúng ta không thể dạy nếu không học, sẽ không thể cho điều chúng ta không có. “Hãy siêng năng, mà chớ làm biếng, phải có lòng sốt sắng, phải hầu việc Chúa.” bạn nhé! (Rô-ma 12:11).
Cầu nguyện
Kính lạy Đức Chúa Trời Ba Ngôi, là Cha yêu thương của con, là giáo sư lớn của con, xin tha thứ cho con vì có đôi khi vì sự bận rộn trong cuộc sống, con đã bỏ qua những thì giờ quý báu ngồi bên chân Chúa để nghe Lời Ngài dạy khuyên. Giờ đây trong ánh sáng Lời Chúa con nhận ra sự thiếu sót của mình, xin dạy dỗ con mỗi ngày, xin giúp con siêng năng tiếp thu Lời Chúa để con được trưởng thành, trở nên người phục vụ Chúa cho mọi người, đưa họ đến sự vâng phục Chúa. Con thành tâm cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu Christ. Amen.
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét