Xuất Ê-díp-tô Ký | Làm Theo Ý Riêng
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Xuất Ê-díp-tô Ký | Châm Ngôn | Giê-rê-mi | Hê-bơ-rơ | I Phi-e-rơ |
Bạn thân mến! Làm theo ý riêng là bản tính tự nhiên của con người. Khi được tạo dựng, Đức Chúa Trời đã ban cho người ý chí tự do, Kinh Thánh chép: “Rồi, Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán dạy rằng: Ngươi được tự-do ăn hoa-quả các thứ cây trong vườn; nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết.” (Sáng Thế Ký 2:16-17). Câu Kinh Thánh này mô tả rất rõ về sự tự do, nó không mang ý nghĩa của sự luông tuồng, mà tự do phải được đặt trong một khuôn khổ, một quy định. Vượt qua giới hạn đó, con người sẽ bị mất tự do. Mời bạn cùng đến với Xuất Ê-díp-tô Ký 2:11-15 để hiểu vì sao lại như vậy, hầu rút ra cho mình một bài học quý giá từ câu chuyện của Môi-se.
11 Vả, đang lúc đó, Môi-se đã lớn khôn rồi, ra đi đến cùng anh em mình, xem thấy công việc nhọc nhằn của họ; cũng thấy một người Ê-díp-tô đánh một người Hê-bơ-rơ trong vòng anh em mình;
12 ngó quanh quất chẳng thấy ai, bèn giết người Ê-díp-tô đem vùi trong cát.
13 Qua ngày sau, Môi-se đi ra nữa, thấy hai người Hê-bơ-rơ đánh lộn, bèn nói cùng người có lỗi rằng: Sao ngươi đánh người đồng loại mình?
14 Nhưng người đó đáp rằng: Ai đặt ngươi làm vua, làm quan án cho chúng ta? Có phải muốn giết ta như đã giết người Ê-díp-tô kia chăng? Môi-se sợ, nói rằng: Chắc thật, việc nầy phải lậu rồi.
15 Pha-ra-ôn hay việc đó, thì tìm giết Môi-se; nhưng người trốn đi khỏi mặt Pha-ra-ôn, dừng chân tại xứ Ma-đi-an, và ngồi gần bên một cái giếng.
Môi-se sống 120 năm. Cuộc đời ông được chia làm ba giai đoạn, mỗi giai đoạn là 40 năm. Kinh Thánh không hé lộ nhiều về giai đoạn 40 năm đầu tiên Môi-se sống trong hoàng cung, làm hoàng tử Ai Cập. Tuy nhiên, câu 11 cho chúng ta hiểu rằng, trong giai đoạn đầu tiên này Môi-se cũng đã từng biết về thân thế của mình là người Do Thái chứ không phải người Ai Cập. Câu chuyện trong phân đoạn này là giai đoạn bản lề chuyển tiếp qua giai đoạn 40 năm ở đồng vắng của Môi-se.
Những năm tháng đầu đời, Môi-se được nuôi bằng sữa mẹ, được dạy, được nghe, được học nói từ người mẹ tin kính Chúa. Ông được trang bị một tấm lòng Do Thái. Khi lớn lên, ông được đưa vào hoàng cung làm con trai công chúa Pha-ra-ôn. Trong hoàng cung ông được trang bị học thức của nền văn minh Ai Cập. Như vậy, trong Môi-se có một tấm lòng Do Thái, với tâm trí Ai Cập. Con người này đã điều khiển hành vi của Môi-se.
Thấy cảnh bất công mà người Ai Cập chèn ép dân mình, tấm lòng Môi-se đau xót. Sự đau xót thúc đẩy ông hành động, và theo cách tự nhiên ông đã hành động theo tâm trí Ai Cập. Khi một người được Ai Cập kiểm soát tâm trí người ấy sẽ hành động theo bản tính Ai Cập. Chúng ta nhớ đến câu chuyện của Lót. Khi cùng Bác mình là Áp-ra-ham chạy đến Ai Cập để tránh nạn đói. Tại đây Ai Cập đã chiếm hữu tâm trí của Lót từ những gì ông nhìn thấy. Khi có điều kiện, Lót đã hành động. Sáng Thế Ký 13:10 ghi: “Lót bèn ngước mắt lên, thấy khắp cánh đồng bằng bên sông Giô-đanh, là nơi (trước khi Đức Giê-hô-va chưa phá hủy thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ) thảy đều có nước chảy tưới khắp đến Xoa; đồng nó cũng như vườn của Đức Giê-hô-va và như xứ Ê-díp-tô vậy.” Lót đã chọn cho mình theo những gì ông thấy “như Ê-díp-tô”.
Trở lại với Môi-se, ông đã hành động theo tâm trí Ai Cập. Ai Cập là đại diện của sức mạnh thống trị, của bạo lực quân sự. Nhưng khi Môi-se sử dụng sức mạnh Ai Cập để giúp đỡ dân mình, ông đã thất bại. Chúng ta tự hỏi vì sao Chúa để Môi-se thất bại? Chúng ta chỉ có thể hiểu vì sao khi nhìn sự việc trong lăng kính của Đức Chúa Trời. Đúng, Đức Chúa Trời có chuẩn bị sẽ dùng Môi-se để giải phóng dân tộc Do Thái. Nhưng Ngài không dùng ông theo luật Ai Cập mà theo luật của Ngài. Ông không thể tự do hành động theo ý mình cho là phải. Đức Chúa Trời để Môi-se nếm thất bại để ông rút ra cho mình bài học từ thất bại để thành công trong tương lai. Thất bại không phải là thất bại khi chúng ta biết ngồi lại tĩnh tâm để học bài học từ sự thất bại. Bài học đầu tiên mà Môi-se học được là khi làm theo ý riêng ông đã bị mất tự do, phải chạy trốn khỏi sự truy lùng của Pha-ra-ôn. Ông làm theo tâm trí Ai Cập nên bị nô lệ cho Ai Cập.
Ngày nay nhiều con cái Chúa vẫn thích sống và làm theo ý riêng mình, phục tùng theo ý muốn xác thịt, đã trở thành nô lệ cho vua chúa của thế gian mờ tối. Bao nhiêu lần chúng ta đã thất bại khi hầu việc Chúa theo ý riêng mình? Bao nhiêu lần chúng ta đã để tâm trí xác thịt điều khiển hành vi của mình? Lời Chúa khuyên: “Đừng rập khuôn theo đời này, nhưng phải được biến hóa bởi sự đổi mới của tâm trí mình, để phân biệt đâu là ý muốn tốt đẹp, vừa lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 12:2).
Bạn có sẵn sàng để Chúa đổi mới tâm trí bằng luật pháp của Ngài chưa?
Cầu nguyện
Kính lạy Đức Chúa Trời Ba Ngôi, xin đổi mới tâm trí con, dẫn dắt con, để con được tự do phục vụ theo ý muốn Chúa. Con thành tâm cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu Christ. Amen.
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét