Xuất Ê-díp-tô Ký | Cố Tình Quên Lãng

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Xuất Ê-díp-tô KýChâm NgônGiê-rê-mi

Công Vụ   Các Sứ Đồ

Hê-bơ-rơI Phi-e-rơ

Bạn thân mến! Quên là căn bệnh mãn tính của con người. Quên sẽ làm con người trở thành kẻ vô ơn. Trong chuyện cổ tích Việt Nam có câu chuyện “Cứu vật, vật trả ơn. Cứu nhân, nhân báo oán”. Chuyện kể về một anh nhà nghèo làm nghề câu cá trên chiếc thuyền câu nhỏ. Gặp lúc nước lũ tràn về anh đã cứu nhiều con vật và một người bị nước cuốn trôi. Về sau, người được anh cứu đã vì lợi cá nhân mà hại anh, nhưng anh lại được các con vật mà anh cứu sống đã giúp anh thoát khỏi hoạn nạn. Câu chuyện tuy chỉ là hư cấu, nhưng qua đó cho chúng ta nhận biết một thực tế: con người thường vô ơn. Đến với sách Xuất Ê-díp-tô Ký, chúng ta sẽ khám phá những câu chuyện thật của lịch sử dân Y-sơ-ra-ên trong thời Ai Cập cổ đại. Trong Xuất Ê-díp-tô Ký 1:8-10 chúng ta sẽ nhận biết về một sự quên lãng tai hại dẫn đến lòng vô ơn của cả một dân tộc đối cùng một người mà họ mang ơn.

8 Nhưng bấy giờ tại nước Ê-díp-tô, có một vua mới lên ngôi, chẳng quen biết Giô-sép.
9 Vua phán cùng dân mình rằng: Nầy, dân Y-sơ-ra-ên đông và mạnh hơn chúng ta;
10 hè! ta hãy dùng chước khôn ngoan đối cùng họ, kẻo họ thêm nhiều lên, một mai nếu có cơn chinh chiến xảy đến, họ sẽ hiệp cùng quân nghịch đánh lại ta, và ra khỏi xứ chăng.

Đầu sách Xuất Ê-díp-tô Ký cho biết gia đình của Gia-cốp đến ngụ tại Ê-díp-tô là 70 người. Nhưng câu chuyện không bắt đầu từ đó mà từ một con người đầu tiên đến với một đất nước xa lạ. Đó là Giô-sép con trai áp út của Gia-cốp. Bạn có thể quay lại câu chuyện từ Sáng Thế Ký 37 để có thể hiểu rõ ngọn nguồn.

Giô-sép khi bị bán làm nô lệ tại Ai Cập đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống. Dù ở trong tận cùng đau khổ, Giô-sép vẫn ôm ấp một hoài bão làm người lãnh đạo mà trong tâm linh ông nhận biết đó là kế hoạch Đức Chúa Trời dành cho ông qua sự mặc khải của Ngài trong các giấc chiêm bao. Đến đúng thời điểm, không phải con người, mà chính Đức Chúa Trời đã đem Giô-sép ra và đặt ông lên ngôi vị lãnh đạo là tể tướng của Ai Cập. Nhờ sự khôn ngoan Đức Chúa Trời ban, Giô-sép chẳng những cứu Ai Cập khỏi chết đói, mà ông đã thực hiện nhiệm vụ cao cả là bảo vệ một gia đình mà từ đó sản sinh một dân tộc, là dân tộc được Đức Chúa Trời chọn lựa để thực hiện chương trình cứu rỗi cho nhân loại. Gia đình của Gia-cốp được Giô-sép đưa đến đất Ai Cập, cư ngụ tại Gô-sen trong suốt thời kỳ đói kém. Khi gia đình của Gia-cốp ngày một gia tăng dân số nhanh chóng, thì Ai Cập bắt đầu khủng hoảng niềm tin trong sự lo sợ.

Kinh Thánh ghi rằng: Nhưng bấy giờ tại nước Ê-díp-tô, có một vua mới lên ngôi, chẳng quen biết Giô-sép.” Đường lối chính trị tham quyền bá chủ của Ai Cập đã làm cho họ muốn quên ơn, phủi ơn chứ không phải không nhớ hay không quen. Lịch sử của một dân tộc là điều được ghi chép cẩn thận và luôn được nhắc nhở. Câu Kinh Thánh kế tiếp cho chúng ta biết được mưu gian của Ai Cập trong việc cố tình quên ơn. Họ đã thực hiện một kế hoạch nhằm triệt tiêu sức mạnh tiềm ẩn mà theo họ có thể sẽ uy hiếp đến an ninh của Ai Cập trong tương lai.

Trong câu chuyện này, chúng ta không nói đến việc Đức Chúa Trời khiến cho điều này xảy ra để thúc đẩy dân Y-sơ-ra-ên phải rời Ai Cập để về lại chốn cũ mà Đức Chúa Trời ban cho tổ phụ tại đất Ca-na-an. Chúng ta chỉ đề cập đến thói vô ơn của con người qua người Ai Cập. Nhờ tài lãnh đạo khôn ngoan của Giô-sép mà Ai Cập trở nên thịnh vượng về mọi mặt. Khi dân Y-sơ-ra-ên trở nên đông đúc, thì trong mắt người Ai Cập họ là một nguồn lao động dồi dào. Làm sao có thể dùng nguồn lao động này cách có lợi nhất. Kinh Thánh ghi lại họ dùng “chước khôn ngoan”. Họ đã dùng âm mưu thâm độc biến những người Y-sơ-ra-ên trở thành kẻ nô lệ. Chính sách của họ là một mũi tên nhắm vào hai mục đích: Vừa có nguồn lợi kinh tế lại vừa bảo vệ an ninh quốc gia nếu có biến, họ có thể mất đi nguồn lao động không công dồi dào.

Ngày nay, khi nghĩ về điều này chúng ta đồng thời cũng nhìn lại chính mình. Bao nhiêu lần chúng ta đã vô ơn với Đấng cứu chuộc mình! Khi đọc câu chuyện mười người phung trong Lu-ca 17:11-19, có thể chúng ta sẽ phê phán chín người phung không trở lại để tỏ lòng biết ơn Chúa Giê-xu, nhưng phải chăng một trong chín người đó là chính mình! Nhiều con cái Chúa ngày nay đã cố tình quên ơn Chúa khi nó đụng chạm đến quyền lợi kinh tế và chính trị của mình. Nếu khi danh, lợi, quyền đời này có làm cho chúng ta quên ơn Chúa, chối bỏ tình yêu của Ngài, xin hãy một lần nhờ Thánh Linh nhắc chúng ta nhớ rằng mọi thứ trên trần gian như phù du chóng tàn, để trở lại nhớ ơn Chúa bằng cách tận hiến cuộc đời phục vụ Chúa bạn nhé!

Cầu nguyện

Kính lạy Đức Chúa Trời Ba Ngôi, con dâng lời cảm ơn Chúa vì Ngài đã ban cho con quá nhiều ơn phước, ơn lớn nhất mà con nhận được là sự sống đời đời Ngài ban cho con qua sự cứu chuộc của Chúa Giê-xu Christ. Xin tha thứ con vì nhiều lần trong đời con đã cố tình quên ơn Ngài để chạy theo danh, lợi, quyền của trần gian. Xin giúp con mạnh mẽ trong tâm thần mình để chọn lựa điều tốt nhất trong Chúa, luôn ghi nhớ ơn Ngài để là sáng danh Chúa trong đời con. Con thành tâm cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu Christ. Amen.

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa