Ê-sai | Hậu Quả Của Sự Chối Bỏ Đức Chúa Trời
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Truyền Đạo | Ê-sai | Giăng | Rô-ma | Gia-cơ |
Lời ngỏ
Nhà triết học người Đức Friedrich Nietzsche đã đưa ra tuyên bố rằng “Đức Chúa Trời đã chết”. Mục đích của Nietzsche là xóa bỏ đạo đức “truyền thống”, đặc biệt là Cơ Đốc giáo. Nietzsche tin rằng “ý tưởng” của Đức Chúa Trời không còn cần thiết nữa. Đức Chúa Trời không liên quan vì con người đang tiến hóa đến một nơi mà họ có thể tạo ra một “đạo đức bậc thầy” sâu sắc và thỏa mãn hơn cho chính mình.[2] Quý vị có biết điều gì đã xảy ra sau những tuyên bố đó không? Chẳng bao lâu sau, Nietzsche đã phải từ bỏ vị trí giáo sư cao quý của mình tại Basel vì tình trạng sức khỏe suy sụp trầm trọng, rồi cuối cùng đã qua đời trong nỗi đau đớn quằn quại vì nhiều tật bệnh nguy hiểm. Nhưng Đức Chúa Trời vẫn là Đấng tể trị hoàn vũ, sự dạy dỗ của Ngài vẫn là chuẩn mực đạo đức trong lương tâm mỗi người và trong xã hội loài người.[3]
Quý anh chị em thân mến! Tinh thần muốn loại bỏ Đức Chúa Trời cũng đã tồn tại trong tấm lòng của vua A-cha và dân sự của Chúa trong thời tiên Tri Ê-sai. Bài tĩnh nguyện hôm nay sẽ cho chúng ta học biết về hậu quả của sự chối bỏ Đức Chúa Trời là như thế nào. Xin chúng ta cũng lắng nghe về điều này qua phần Kinh Thánh trong Ê-sai 8:1-8.
1 Đức Giê-hô-va phán bảo tôi: “Hãy lấy một tấm bảng lớn, và viết trên đó bằng chữ của con người: ‘Ma-he Sa-la Hát Bát.’”
2 Tôi đem theo các nhân chứng đáng tin cậy là thầy tế lễ U-ri và Xa-cha-ri, con của Giê-bê-rê-kia.
3 Sau đó, tôi đến với nữ tiên tri, rồi nàng thụ thai và sinh một con trai. Đức Giê-hô-va bảo tôi: “Hãy đặt tên nó là Ma-he Sa-la Hát Bát;
4 vì trước khi đứa trẻ biết gọi: ‘Cha ơi!’, ‘Mẹ ơi!’ thì vua A-si-ri sẽ đến lấy đi tài sản của Đa-mách và chiến lợi phẩm ở Sa-ma-ri.”
5 Đức Giê-hô-va lại phán với tôi lần nữa rằng:
6 “Vì dân nầy đã khước từ dòng nước êm dịu của Si-lô-ê, và run sợ trước mặt Rê-xin cùng con trai của Rê-ma-lia;
7 cho nên, Chúa sẽ khiến nước Sông Cái chảy cuồn cuộn trên họ, tức là vua A-si-ri với tất cả vinh quang của vua. Dòng nước ấy sẽ dâng lên khỏi lòng sông, tràn ngập tất cả các bờ,
8 chảy vào Giu-đa, chảy tràn lan và ngập đến tận cổ. Hỡi Em-ma-nu-ên, cánh nó dang ra che phủ cả xứ ngươi!”
Suy ngẫm
Tiếp nối lời tiên tri về dấu lạ “Em-ma-nu-ên – hy vọng và sự giải cứu cho những ai tin cậy vào chương trình giải cứu của Đức Chúa Trời” (Ê-sai 7:14-17), phần Kinh Thánh hôm nay nói về một điềm báo mới “Ma-he Sa-la-Hát-Bát”. Điềm báo này liên quan đến những biến cố đương thời và những phương diện đen tối của thời thế lúc đó. Hài nhi Ma-he-Sa-la-Hát-Bát, con trai của tiên tri Ê-sai chào đời được đặt với cái tên có ý nghĩa là ‘“mau cướp bóc, nhanh cướp phá”. Hài nhi Ma-he-Sa-la-Hát-Bát là điềm báo về sự xét đoán trong tương lai gần khi A-si-ri sẽ chinh phục Sy-ri và xâm lược Y-sơ-ra-ên cùng Giu-đa. Vào năm 732 TC, khoảng 2 năm sau khi con trai này của Ê-sai ra đời, cả Phê-ca và Rê-sin là những kẻ tiến đánh Giê-ru-sa-lem đều chết (Ê-sai 7:1); và A-si-ri đã chinh phục Sy-ri rồi đến xâm lược Y-sơ-ra-ên (II Các Vua 15:29). Quân đội A-si-ri thật sự là một đội quân “mau cướp bóc và nhanh cướp phá”.
“Dòng nước êm dịu của Si-lô-ê” mà lời tiên tri ở đây đề cập đến chỉ về sự chăm sóc, giúp đỡ dịu dàng, âu yếm của Đức Chúa Trời đối với dân Ngài. Thế nhưng, dân Chúa thay vì tin cậy vào “dòng nước Si-lô-ê chảy dịu” thì họ nhờ cậy vào “Sông Cái cuồn cuộn”, chính là thế lực của quân đội A-si-ri. Mặc dù Chúa đã truyền lệnh cho Ê-sai nói tiên tri về liên minh A-ram và Y-sơ-ra-ên sẽ bị tiêu diệt; nhưng A-cha và dân Giu-đa lại phớt lờ lời cảnh báo này từ Chúa. Họ muốn cậy vào A-si-ri hơn là tin vào Đức Chúa Trời. Chúa muốn ban cho dân Ngài hòa bình, nhưng trong sự vô tín, họ đã chọn chiến tranh. Họ đang bước đi bằng mắt thấy chớ không bằng đức tin. Vì vậy, Đức Chúa Trời đã công bố rằng dân Giu-đa sẽ nhận sự phán xét của Ngài. Giu-đa sẽ lọt vào dòng thác lũ lụt do chính mình gây ra. Quân A-si-ri sẽ càn quét vào xứ Giu-đa giống như một trận lụt. Nhưng khi ở giữa sự hổ thẹn về việc phải chịu sự phản bội và hủy diệt này, thì Giu-đa sẽ đi đến chỗ hiểu được Đức Chúa Trời là “Em-ma-nu-ên”.
Bài học cho chúng ta ngày nay là gì?
Chúng ta cần nhận thức được các hậu quả do chính sự chọn lựa của mình đem lại. Đức Chúa Trời luôn muốn bảo vệ chúng ta. Đức Chúa Trời luôn quan tâm đến sự an nguy không chỉ cho cuộc sống đời này của chúng ta mà cả sự an nguy của linh hồn chúng ta trong cõi đời đời. Ngài là Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta “Em-ma-nu-ên. Sự chăm sóc của Ngài luôn ân cần, dịu dàng như một dòng nước êm nhẹ.
Tuy nhiên, con mắt xác thịt của chúng ta thường chỉ những thấy những sức mạnh áp đảo của các thế lực đời này. Đó có thể là những con người có nguồn lực để chu cấp cho chúng ta về vật chất hay tinh thần. Đó có thể là sức mạnh của đồng tiền, của danh tiếng và một sự an toàn tạm bợ nào đó. Nhưng chúng ta phải nhớ rằng chúng ta phải trả giá cho sự khước từ chương trình giải cứu của Đức Chúa Trời cho đời sống chúng ta. Chính những thế lực mà chúng ta nương cậy mà khác hơn Đức Chúa Trời có thể là những hố sâu nguy hiểm sẽ vùi lấp đời sống chúng ta. Nguyện xin Chúa mở mắt tâm linh chúng ta về sự cảnh báo này, để chúng ta sẽ có sự lựa chọn khôn ngoan trong cuộc sống mỗi ngày.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, xin tha thứ cho tinh thần vô tín, nhờ cậy nơi những gì con mắt xác thịt của con nhìn thấy hơn là nhờ cậy nơi Ngài. Nguyện xin sự yêu thương, chăm sóc và bảo vệ của Chúa bao phủ đời sống con. Trong Danh Chúa Giê-xu Christ. Amen.
Đăng Trúc
[2] Đức Chúa Trời có chết không? (gotquestions.org)
[3] Friedrich Nietzsche – Wikipedia tiếng Việt
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét